Phát triển làng nghề Hà Nội: Mừng kinh tế… lo môi trường!

27/03/2014 00:00

(TN&MT) - Xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn TP. Hà Nội đang thiếu vắng cơ chế quản lý, nhiều bất cập, thậm chí còn chồng chéo...

(TN&MT) - Xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn TP. Hà Nội đang thiếu vắng cơ chế quản lý, nhiều bất cập, thậm chí còn chồng chéo, bên cạnh đó công tác đầu tư xử lý chất thải làng nghề hiện chưa được chú trọng giải quyết, khiến tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng.
   
Hầu hết các làng nghề đã bị ô nhiễm môi trường ở mức báo động.
   
Ô nhiễm bủa vây
   
  Với 1.350 làng nghề, thành phố Hà Nội được biết đến là mảnh đất hội tụ các tinh hoa văn hoá của dân tộc Việt, nơi những tinh hoa đó được lưu giữ, phát triển từ thế hệ này sang thế hệ khác. Sự phát triển mạnh mẽ của làng nghề với nhiều loại hình sản xuất khá phong phú, đa dạng, hình thức tổ chức cũng linh hoạt đã tạo ra khối lượng hàng hoá lớn, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế, xã hội khu vực nông thôn. Nhưng do phát triển theo kiểu tự phát, sản xuất được mở rộng bao nhiêu thì lượng các chất thải gây ô nhiễm phát sinh càng nhiều.
   
  Khảo sát tại các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm ở Minh Khai, Cát Quế, Dương Liễu (Hoài Đức), Kì Thủy, Thanh Lương, Cự Đà, Bích Hòa (Thanh Oai), Phú Đô (Từ Liêm)... nước thải phát sinh do quá trình rửa tẩy các nguyên liệu, các khâu chế biến trong sản xuất, lượng nước sử dụng lớn, có nơi lên tới 7.000 m3/ngày, thường không được xử lý đã xả trực tiếp ra môi trường.
   
  Không dừng ở đó, các nghề cơ kim khí, gốm sứ, chế biến lâm sản, chế biến nông sản và dệt may gây ô nhiễm không khí do khâu phun sơn, bụi gỗ thải vào môi trường trong quá trình sản xuất, các lò nung gốm sứ còn sử dụng lò than do phân hủy hiếm khí, các chất hữu cơ trong nước thải, chất thải rắn như SO2, H2S, NH3, CH4, chất thải khí ô nhiễm khác như Indol, Scatol, Mercaptol... gây nguy hại cho sức khỏe con người.
   
  Quan ngại hơn cả, hầu hết các làng nghề đã bị ô nhiễm môi trường ở mức báo động, ảnh hưởng đến sức khỏe như các bệnh tiêu hóa và mắt chiếm 37%, bệnh hô hấp 20%, bệnh ngoài da 31% và các bệnh khác như các bệnh tai, mũi họng, thần kinh...
   
  Kết quả điều tra đánh giá hiện trạng sản xuất và môi trường của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho thấy, nguồn nước ngầm sử dụng trong sinh hoạt và sản xuất bị ô nhiễm bởi COD, NH4, phenol; các chỉ tiêu sinh học như Ecoli, coliform, kim loại nặng như As, Hg khá cao. Nguồn nước bề mặt ao, hồ, kênh mương thủy lợi thì bị nhiễm độc bởi SS, BOD5, COD, NH4, NO2¸PO4, Hg, phenol, dầu mỡ, ecli, coliform... Môi trường đất đều có dấu hiệu ô nhiễm kim loại nặng như đồng, kẽm tại tất cả các vị trí quan trắc...
   
Nghìn tỷ đồng xử lý liệu có xong?
   
  Cần 1.350 tỷ đồng giải quyết ô nhiễm  - Đây là con số được Sở Công Thương Hà Nội đưa ra trong kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường các làng nghề trên địa bàn TP Hà Nộị. Con số này không hề nhỏ, song lộ trình khá dài, liệu TP. Hà Nội có giải quyết triệt để được vấn đề ô nhiễm đã diễn ra hàng nhiều năm nay?
   
  Theo Sở Công Thương, để nguồn kinh phí này phát huy được hiệu quả cao, giai đoạn từ nay đến năm 2020, thành phố cần 750 tỷ đồng triển khai xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại 50 làng nghề trọng điểm… Giai đoạn 2020 - 2030 cần 600 tỷ đồng triển khai xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại 30 làng nghề khác.
   
  Bên cạnh việc đầu tư bằng kinh phí Nhà nước, Hà Nội khuyến khích xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, khơi dậy phong trào và vận động người dân tham gia xây dựng các công trình nhà vệ sinh. Đối với khu vực nông thôn, nông dân cần đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, tránh gây ô nhiễm môi trường; còn các hộ gia đình cần kết hợp xây dựng chuồng trại chăn nuôi với nhà vệ sinh và hầm khí Biogas.
   
  Thành phố cũng khoanh vùng quản lý về thu gom rác thải sinh hoạt nông thôn, tránh tình trạng rác thải xả tràn lan ra môi trường công cộng, thiếu sự kiểm soát và không ai chịu trách nhiệm. Các huyện Sóc Sơn, Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm sẽ xả rác ở vùng I (khu vực phía Bắc); các huyện Thường Tín, Thanh Oai, Ứng Hoà, Mỹ Đức, Phú Xuyên xả rác ở vùng II (khu vực phía Nam); các huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Phúc Thọ, Quốc Oai, Ba Vì, Thạch Thất, Chương Mỹ thải rác ở vùng III (khu vực phía Tây) và khu vực ngoài thị xã Sơn Tây.
   
  Mặt khác, để giải quyết ô nhiễm môi trường làng nghề cần một giải pháp tổng thể nhằm phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm, nâng cao năng lực quản lý..., trong đó quan trọng nhất là người dân làng nghề phải tự ý thức và có trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường.  Bởi chính cộng đồng làng nghề là những người trực tiếp tham gia sản xuất, cũng là tác nhân gây ô nhiễm môi trường, đồng thời lại là những người phải gánh chịu trực tiếp hậu quả của việc ô nhiễm. Do đó, cộng đồng có vai trò quan trọng và quyết định đối với vấn để nâng cao năng lực sản xuất và BVMT.
   
Phương Anh
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển làng nghề Hà Nội: Mừng kinh tế… lo môi trường!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO