Ninh Bình: Phát huy hiệu quả nguồn vốn vay nước sạch vệ sinh môi trường

Tuyết Chinh| 04/10/2021 14:39

(TN&MT) - Sau 17 năm triển khai thực hiện Chương trình cho vay Nước sạch và Vệ sinh Môi trường nông thôn (NS&VSMTNT) trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã giúp cho hàng chục nghìn gia đình có điều kiện xây mới, nâng cấp, sửa chữa các công trình nước sạch. Tuy nhiên, hiện nay, sự gia tăng về dân số và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình hình xâm nhập mặn, hạn hán diễn ra với tần suất ngày một nhiều hơn, rộng hơn đang tiếp tục đặt ra những nhu cầu bức thiết về nước sạch của người dân.

131.631 công trình nước sạch được xây dựng

Ninh Bình là một trong 10 tỉnh đầu tiên của cả nước triển khai Chương trình tín dụng NS&VSMTNT. Có thể nói, Chương trình đã thực sự phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc nâng cao sức khỏe, cải thiện điều kiện sinh hoạt, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội khu vực nông thôn Ninh Bình, giúp Ninh Bình thực hiện tốt Chiến lược quốc gia về cấp NS&VSMTNT, cũng như đẩy nhanh và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM).

Từ nguồn vốn cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS&VSMTNT), mỗi năm, hàng nghìn gia đình trong tỉnh đã có điều kiện xây mới, nâng cấp, sửa chữa các công trình nước sạch và vệ sinh đảm bảo tiêu chuẩn, góp phần cải thiện môi trường, bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Nước sạch vẫn là nhu cầu bức thiết của nhiều người dân nông thôn ở Ninh Bình. Ảnh: ML

Theo chia sẻ của nhiều người dân huyện Yên Mô (Ninh Bình), trước đây gia đình họ chủ yếu sử dụng nguồn nước giếng đào, song do nhiều nguyên nhân khác nhau nguồn nước bị ô nhiễm, không đảm bảo. Việc vay vốn tín từ Chương trình tín dụng NS&VSMTNT giúp họ đầu tư, sử dụng nguồn nước sạch do Nhà nước cung cấp, xây dựng nhà vệ sinh, nhà tắm khép kín khang trang, sạch sẽ. Từ đó, sinh hoạt gia đình được thuận tiện hơn, các cháu nhỏ cũng không lo bị bệnh ngoài da, đau mắt, ngứa ngáy như trước nữa.

Thực tế, nguồn vốn tín dụng chính sách cho vay NS&VSMTNT đã góp phần tăng nhanh tỷ lệ hộ dân trên địa bàn được sử dụng nước sạch và có công trình vệ sinh đảm bảo tiêu chuẩn. Từ đó, hạn chế lây nhiễm bệnh tật trong dân cư, nhất là các bệnh liên quan đến nước và vệ sinh như thương hàn, tiêu chảy, tả, mắt hột… Hơn thế, việc các gia đình có điều kiện xây mới, sửa chữa, nâng cấp các công trình nước sạch còn giúp xóa bỏ tập quán sinh hoạt lạc hậu, thiếu vệ sinh trước kia, hình thành nếp sống văn hóa, văn minh, hạn chế sự chênh lệch về điều kiện sinh hoạt giữa nông thôn và đô thị.

Cần tạo điều kiện cho dân nghèo xây dựng công trình nước sạch

Theo Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Ninh Bình, Tín dụng thực hiện Chiến lược quốc gia về cấp NS&VSMTNT được nhân dân đồng tình đón nhận và trở thành động lực quan trọng để huy động nguồn vốn trong dân cư tham gia xây dựng các công trình nước sạch và công trình vệ sinh của gia đình; qua đó thúc đẩy xã hội hoá chương trình mục tiêu quốc gia về NS&VSMTNT.

Hiện, dư nợ cho vay bình quân của nguồn vốn này là trên 6,8 tỷ đồng/xã, với mức cho vay bình quân 7,1 triệu đồng/công trình (chiếm 35-40% chi phí xây dựng). Thông qua nguồn vốn NS&VSMTNT nhu cầu bức thiết về nước sạch của người dân đã được giải quyết phần nào.

Tuy nhiên, hiện nay, sự gia tăng về dân số và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình hình xâm nhập mặn, hạn hán diễn ra với tần suất ngày một nhiều hơn, rộng hơn; ngoài ra, theo thời gian và quá trình sử dụng các công trình nước sạch, vệ sinh cũng sẽ xuống cấp. Do vậy, nhu cầu vay tín dụng chính sách từ chương trình cho vay NS&VSMTNT trên địa bàn tỉnh Ninh Bình còn rất lớn.

Trong khi đó, trên thực tế, số tiền cho vay từ chương trình cho vay NS&VSMTNT hiện nay được đánh giá là thấp so với nhu cầu thực tế của người dân. Do vậy, cần nâng mức cho vay cũng như mở rộng đối tượng cho vay đối với các gia đình cư trú tại địa bàn thị trấn thuộc huyện để tạo điều kiện cho người dân nghèo, người dân còn nhiều khó khăn ở khu vực này xây dựng các công trình nước sạch, công trình vệ sinh đạt chuẩn quốc gia, cải thiện điều kiện sống, điều kiện sinh hoạt, nâng cao sức khỏe.

Từ năm 2004 đến nay, sau 17 năm triển khai thực hiện, tổng doanh số cho vay của Chương trình đạt 1.819.994 triệu đồng, với trên 143 nghìn lượt hộ được vay vốn. Số vốn trên đã giúp cho các gia đình trên địa bàn xây dựng được 131.631 công trình nước sạch và 126.998 công trình hợp vệ sinh.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ninh Bình: Phát huy hiệu quả nguồn vốn vay nước sạch vệ sinh môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO