Dân tộc thiểu số

Người Mông giữ hang Rồng Sảng Tủng

Việt Hải 10:53 31/07/2023

(TN&MT) - Đồng bào Mông ở xã Sảng Tủng vẫn bảo nhau, dù năm nay mưa ít và mùa mưa đến muộn nhưng Sảng Tủng may mắn có thần ban cho bụng nước trong hang Rồng nên không rơi vào cảnh khan nước như các xã bên. 

Những câu chuyện nhuốm màu huyền thoại

Chuyến công tác tại xã Sảng Tủng, huyện Đồng Văn (Hà Giang) của tôi khá ngắn ngủi và cơ bản là di chuyển bằng xe máy nên những gì tôi thu lượm được đều từ sau xe của một người bản địa nào đó, như cán bộ phụ trách mảng thương mại, công nghiệp Phòng Kinh tế hạ tầng UBND huyện Đồng Văn Hờ Mý Sò hay Phó Chủ tịch xã Sảng Tủng phụ trách công tác dân tộc tôn giáo Ly Thị Mỷ hoặc Chủ tịch xã Sảng Tủng Phúc Trọng Binh. Chuyện về hang Rồng Sảng Tủng đến rất tình cờ, bắt đầu từ việc tôi nhìn thấy một ống dẫn nước khá lớn ven đường, men theo chân núi. Từ chi tiết ấy, câu chuyện về hang Rồng Sảng Tủng đã mở ra.

1.-duong-ong(1).jpg
Đường ống dẫn nước từ hang về các thôn bản

Truyền thuyết kể rằng, xa xưa, Sảng Tủng là một vùng thưa vắng người sinh sống, ít tiếng chim muông, động vật và hiếm màu xanh của cây vì thiếu nước và đất đai canh tác. Người Mông ở đây phải đi bộ hàng hai ba ngày đường để gùi nước về dùng.

Một ngày nọ, trong núi Tả Lủng B chợt nghe có tiếng đá lở rồi sau đó có tiếng thở rất mạnh. Người dân tò mò ra xem thì thấy bỗng đâu núi xuất hiện một lỗ thủng, đi theo lỗ thủng vào sâu bên trong thì thấy có con vật gì rất to lớn tựa như rồng với những chiếc móng vuốt màu nâu đang nằm cuộn tròn thở. Cho rằng đây là linh vật của trời nên có thứ gì quý nhất phải mang ra thết đãi, vì thế, dân làng đã mang những can nước hiếm hoi của mình ra mời. Nhiều ngày như thế, nước tích tụ lại và thành hang.

2a(1).jpg
Những thớ đá được kiến tạo qua thời gian, quasự mài giũa của nước...
2(1).jpg
...Cùng những vân đá hình vẩy rồng đã đi vào truyền thuyết của đồng bào Mông về một món quà Rồng ban một cách thuyết phục

Lại có truyền thuyết kể rằng con vật ấy là Rồng, con của Trời phái xuống để cai quản vùng đất Sảng Tủng này. Vì thấy người dân khốn khó vì thiếu nước nên Rồng đã xin Trời bắc một con suối ngầm vào lòng hang, biến chiếc hang mình đang ngự thành những chiếc hồ rộng chứa nước để cứu dân. Vì thế, những năm nắng hạn kéo dài, trong hang đột nhiên nước tự dâng lên để cứu bà con thoát khỏi cơn khát. Cũng có lời đồn từ xa xưa rằng, hồ này rất rộng, rộng như một sự thử thách của Rồng, nếu ai ném đá từ bờ bên này qua hết cuối hồ thì sẽ trở thành con của Rồng. Người Mông ở đây còn tin rằng, nếu uống nước của hang Rồng thì mắt sẽ sáng hơn, tinh hơn.

Cũng có người lại kể câu chuyện theo một cách thêu dệt khác li kì không kém như chuyện của già Hồ Phái Sính. Ông bảo, những người Mông có tuổi trước ông đều nói rằng, hang vốn là một miệng một con Rồng thần đã hóa đá nên rất cần sự yên tĩnh và sạch sẽ. Vì thế, nếu kéo cả đoàn người vào đông hoặc nếu có người mang những thứ không sạch sẽ, kể cả là ý nghĩ không sạch vào thì hang cũng sẽ tự dâng nước lên để “rửa”.

3a(1).jpg
Khi ánh sáng bừng lên, hang Rồng trông uy nghi như một cung điện 

Đồng bào Mông ở đây còn lưu truyền nhiều dị bản về truyền thuyết hang Rồng. Họ cho hay hang Rồng còn rất “kỵ” với những người ăn thịt, hay uống rượu và đi với số lượng lớn vào hang, nhất là rượu và thịt dê. Tương truyền, chỉ cần ăn một trong hai thứ trên và bước vào hang, nước từ lòng hang sẽ phun trào và dâng lên ngăn cấm người đó bước vào. Ly Thị Mỷ thì quả quyết rằng dù mắt không trực tiếp thấy nhưng tai nghe rất nhiều lần về chuyện trước đây, có người đàn ông ở nơi khác đến, trong một buổi liên hoan được nghe kể những chuyện kỳ bí về hang Rồng nên đã bán tín bán nghi muốn vào hang kiểm chứng thực hư. Người ấy rủ thêm mấy người bạn đi cùng, thế nhưng, chưa kịp vào sâu trong hang thì nước đã tuôn ra xối xả, cả đoàn phải vội vã bỏ chạy ra ngoài. Cũng vì những câu chuyện truyền miệng như thế mà đồng bào Mông ở Sảng Tủng đặt tên cho hang là “hang ghét người ăn thịt và uống rượu”.

Giữ nước như giữ mạch sống

Truyền thuyết vốn là cái con người nghĩ ra để lý giải những gì mình chưa biết rõ, hoặc gửi gắm những ước mơ khát vọng trong cuộc sống của chính mình và cộng đồng. Nhưng dù được sinh ra từ hiện tượng tự nhiên hay từ truyền thuyết thì những câu chuyện nhuốm màu huyền thoại cũng là cách để đồng bào Mông ở Sảng Tủng trân quý hang Rồng như một sự kính nể và sự trân quý một cách “quá đáng” ấy đã khiến họ giữ gìn di sản thiên nhiên cơ bản vẹn nguyên cho đến bây giờ. Đó cũng là một đặc ân mà không phải ở vùng đất nào cũng sở hữu - đặc ân của đức tin và sự biết ơn thiên nhiên.

Buổi chiều nhẽ ra sẽ đi sâu vào thực địa tìm hiểu hang Rồng lại không thể thực hiện được mà thay vào đó là ghé thăm bản làm hương vì trưa đó, cả Chủ tịch xã Sảng Tủng Phúc Trọng Binh và chúng tôi đều trót… ăn thịt, nhẽ ra, nếu tôi chủ động lên kế hoạch tham quan hang thì buổi trưa chúng tôi sẽ không được đụng vào bất cứ miếng thịt nào. Chủ tịch Phúc Trọng Binh nói với tôi, ngoài đức tin và sự tôn kính thần linh của cá nhân ông thì trên cương vị là cán bộ xã, ông còn phải làm gương cho người Mông ở xã Sảng Tủng của ông noi theo để bảo vệ hang, bảo vệ nguồn nước quý cho dân.

Chỉ tay sang đường ống nước bắc ngang Trường Tiểu học và THCS Sảng Tủng, ông nói, nếu không nhờ hang Rồng thì lấy đâu ra nước để phục vụ bà con, nhất là ở những nơi quan trọng như trường học bên này, hay trạm y tế xã ngay kế bên đây thôi.

Theo tay ông chỉ, tôi nhìn sang Trường Tiểu học và THCS Sảng Tủng, một tấm biển đề tên trường, màu sơn đỏ tươi rực rỡ, những ngôi nhà chắc chắn nép mình vào núi, đất ở đây có màu nâu và ẩm ướt, dấu hiệu của việc dư dả nước.

4(1).jpg
Trường Tiểu học và THCS xã Sảng Tủng

Thường thì tháng 4 là tháng bắt đầu mùa mưa cho đến tận tháng 9, thế nhưng năm nay, từ đầu năm, mưa ít và về rất muộn, chưa kịp về vài bận thì mùa khô đã ào ào kéo đến, các xã Sà Phìn, Xín Mần, hồ treo cạn nước lắm, may sao mà Sảng Tủng có nước từ hang Rồng, dù có dè sẻn tiết kiệm hơn nhưng vẫn còn có để đủ dùng.

Rõ là thế thật, khi đi qua thôn Séo Lủng B của xã, tôi còn chụp vội được một khoanh rau của bà con. Và ngay ở cạnh ủy ban, một ngôi nhà của Trạm Y tế vẫn đang được khẩn trương xây dựng, Hầu Mí Co vừa đẩy chiếc xe cút kít đi lấy xi măng vừa nói: “Có nước chứ, có nước thì mới xây được chứ, không có nước lấy gì làm cho xi với cát dính vào nhau, còn kia nữa kìa…”. Cái gọi là “kia nữa kìa” theo hướng tay Co chỉ, ấy là một hộ gia đình (chắc người miền xuôi lên lập nghiệp) đang rửa xe. Cái dòng nước sáng trắng lấp lánh từ vòi phun ra, nếu ở đồng bằng, thành phố thì quá đỗi bình thường, sao ở miền đá cao nguyên này, thấy nó vui đến run lên vì xúc động.

5(1).jpg
Một hộ dân rửa xe 

Tôi đọc được sự tự hào trong giọng nói của Hầu Mí Co. Hình như những người Mông ở Sảng Tủng mà tôi đã gặp, ai ai nói về nước cũng ngầm có chút tự hào vì xã mình có hang thần cho nước. Rồi ai cũng bảo phải giữ hang Rồng như giữ mạch sống của người Mông Sảng Tủng. Chỉ có một điều ít ai hiểu, đó là, nếu không có hệ thống ống dẫn nước do chính quyền xã kết hợp với nguồn xã hội hóa đầu tư đến tận từng thôn, xóm thì người dân Sảng Tủng vẫn phải đi bộ từ rất xa mới tới hang để gùi nước về, ấy là chưa kể, mỗi lần vào hang sẽ rất rón rén và chờ rất lâu, khi người này ra thì người kia mới dám vào xin nước được, lượng nước xin được như thế cũng không thể nhiều và thường xuyên như khi dẫn qua hệ thống.

“Tỉ lệ đảm bảo nước sạch hợp vệ sinh của xã mấy năm nay đều trên 90%, mục tiêu năm 2023 là 92%. Nhưng vẫn còn những hộ người Mông ở quá xa nguồn nước, đường lên bản lại trắc trở nên chưa thể dẫn nước lên, như thôn Thèn Ván. Ước gì Thèn Ván hay những bản cheo leo trên đỉnh trời khắp miền cao nguyên đá này có thêm nhiều thần Rồng về ngự…” - Giọng Chủ tịch xã chợt diệu vợi xa xôi.

Tự hào đấy rồi trầm tư ngay đấy. Bên cạnh niềm vui vẫn len lỏi nhiều nỗi niềm. Bên cạnh sự an tâm là những nỗi lo. Ông bảo thiên nhiên hào phóng nhưng không phải là vô tận vô hạn, vì thế mà Sảng Tủng phải giữ nguồn nước quý này để phục vụ lâu dài. Về phía xã thì công tác quản lý, phân bổ là rõ trách nhiệm rồi, còn về phía dân bản, ông vẫn mong những câu chuyện về nước, về hang Rồng được sinh ra từ huyền thoại sẽ giữ mãi được đức tin và nét đẹp lấp lánh của nó để làm bùa chú thiêng giữ nước như nuôi giữ mạch sống của người Mông.

Hang động thường phát triển trong đá vôi dạng khối khá thuần khiết, trong khi đó, hang Rồng phát triển trong các lớp đá vôi xen kẽ đá sét bột kết nhiễm vôi phân lớp mỏng có tuổi khoảng 250 - 245 triệu năm trước, rất hiếm gặp ở Việt Nam cũng như trên thế giới.

Hang phát triển theo phương á kinh tuyến, cửa hang nhìn ra hướng khoảng 340o. Hang dài trên 200m, gồm hai tầng: Tầng trên khô với nhiều thạch nhũ đẹp. Tầng dưới có hành lang rộng trung bình 1- 8m, trần hang cao khoảng 3 - 8m, thạch nhũ phát triển kém đa dạng hơn. Trong cùng là phòng hang với hồ nước rộng khoảng 200m2, dung tích ước khoảng 20.000m3; trần cao khoảng 17m, có nơi lên đến 30m. Dưới nền hang lại có những chỗ rất bằng phẳng và rộng, dấu hiệu cho thấy địa điểm này trước đây là kết cấu của một con sông ngầm. Bên trong hang có một suối nhỏ trong vắt, chảy trong lòng hang một đoạn rồi đi qua các hang đá và biến mất.

Hang được lắp hệ thống máy bơm từ năm 2003 để khai thác nước ngầm karst, phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân 2 xã Sảng Tủng và Hố Quang Phìn. Hang Rồng được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận xếp hạng Di tích Quốc gia tháng 9/2014; là một di sản hang động rất có giá trị của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn.

Theo tài liệu của BQL Công viên địa chất UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn

Bài liên quan
  • Chợ lùi Sà Phìn
    (TN&MT) - Đi lùi họp chợ ư? Không phải thế. Chỉ là tên gọi độc đáo về một kiểu chợ phiên ở Hà Giang.

(0) Bình luận
Nổi bật
Bá Thước (Thanh Hóa): Nhiều điển hình sản xuất kinh doanh giỏi
Trong những năm qua, nhờ có nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế ở các huyện miền Núi, vùng sâu, vùng xa đã có nhiều khởi sắc. Đặc biệt, chỉ trong 2 năm 2021- 2023, huyện Bá Thước có 5 tập thể và 21 cá nhân được Chủ tịch UBND huyện tặng Giấy khen đạt thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi cấp huyện, 30 cá nhân và 4 tập thể được Hội Nông dân khen thưởng.
Đừng bỏ lỡ
  • Nỗi niềm người gieo chữ trên vùng đất đỏ
    “Hôm nay em phải ở nhà coi em để bố mẹ đi hái cà phê thuê cô ạ !”. Làm giáo viên ở những vùng bản làng xa xôi của Đắk Nông, việc nghe những câu nói như vậy không phải hiếm nhưng sao chua xót...
  • Dạy tiếng dân tộc, giữ gìn văn hóa bản địa
    Việc dạy tiếng dân tộc trong trường tiểu học mang lại hiệu quả giáo dục to lớn đồng thời góp phần giữ gìn và phát huy giá trị ngôn ngữ, văn hóa các dân tộc thiểu số. Nhiều tỉnh đã tích cực triển khai tại hệ thống trường phổ thông.
  • Hiến đất làm trường gieo mầm tương lai
    (TN&MT) - Thấm thía những thiệt thòi và nhọc nhằn của con em mình khi không biết chữ, nhiều hộ dân tại thôn Bản Sài, xã Liên Minh, thị xã Sa Pa (Lào Cai) đã tình nguyện hiến gần 12.000 m2 đất để xây dựng trường học. Những tấm lòng thơm thảo ấy đã đang thầm lặng gieo những “mầm xanh” cho tương lai.
  • Những bữa cơm tiếp sức cho trẻ vùng cao tới trường
    (TN&MT) - Trong thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã có nhiều chính sách nhân văn hỗ trợ các em học sinh, đặc biệt là hỗ trợ bữa ăn cho các em học sinh bán trú tại các trường vùng cao của hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải để các em có điều kiện đến trường học tập.
  • Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Đổi mới chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số
    Bà Đoàn Thị Thanh Mỹ, Vụ trưởng Vụ Đất đai (TN&MT) cho biết, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 đã có những quy định cụ thể nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
  • Nhọc nhằn “cõng” chữ lên non
    (TN&MT) - Đường lên bản Sân Bay mùa này rất khó đi. Đất đá lởm chởm vì những con dốc đang được hạ độ cao và những khúc cua tay áo được nắn thẳng. Xe chúng tôi đang vượt dốc lao lên bỗng khựng lại vì phía trước mặt, một chiếc xe tải chở vật liệu rú ga khiến bột đất đỏ au tung lên mịt mù. Đó là con đường duy nhất đến ngôi trường thầy Lù Văn Thủy đã gắn bó, suốt 20 năm nhọc nhằn “cõng” con chữ lên non.
  • Chuyển biến chất lượng giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số
    (TN&MT) - Huyện Mường Nhé (Điện Biên) có 94% học sinh là người dân tộc thiểu số. Chất lượng giáo dục đang dần được nâng lên nhờ sự chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị địa phương, sự tận tụy của các thầy cô và nỗ lực của chính các em.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO