Người Mông quan niệm, hai cái bánh dày tròn tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời, là nguồn gốc sinh ra con người và muôn loài trên trái đất. |
Theo tiếng Mông, bánh dày có tên gọi là "Dúa pả”. Đồng bào Mông quan niệm: Bánh dày tượng trưng cho đất trời và sự an lành, no ấm của cuộc sống với mùa màng bội thu. Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Giàng A Chợ, Chủ tịch UBND xã Nà Tấu, huyện Điện biên (Điện Biên) vẫn còn vui. Không vui sao được vì 8 Thanh niên, nam, nữ của xã Nà Tấu tham gia thi giã bánh dày trong ngày hội văn hoá các dân tộc tỉnh Điện Biên năm vừa rồi đạt giải nhất của hội thi. Ông Chợ cho biết: Các cụ cũng không dạy bảo gì đâu nhưng lớn lên là con trai, con gái người Mông đã biết giã bánh dày là phong tục, tập quán của dân tộc mình. Cứ vào dịp Tết, ngày 29 Tết là ngâm gạo, giã bánh dày.
Theo ông Chợ, Bánh dày thì ai cũng thích, cụ già, em nhỏ đều thích cả. Bánh dày để được lâu, khoảng một tháng cũng được. Nó chỉ cứng lại, sau đó đem rán hoặc nướng lên thì rất ngon, rất giòn. Nếu bánh dày có gạo thơm nữa thì càng ngon. Trong bản người Mông, nhà nhà làm bánh dày, cả bản cũng làm bánh dày. Thứ bánh làm từ nếp, giã nhuyễn, nặn hình tròn, sau đó đặt lên những chiếc lá dong xanh, ngoài làm thức ăn thờ úng tổ tiên, người Mông thường làm bánh để mang lên nương, lên rẫy dùng khi đói lòng.
Giã bánh dày là công đoạn dành cho những người đàn ông Mông khỏe mạnh, khéo léo. |
Ông Giàng A Chợ cho biết thêm: Tục lệ chính liên quan đến bánh dày là giã bánh dày để thờ cúng ông bà, cha mẹ. Làm bánh dày để mời ông bà, cha mẹ đã mất về chia vui ngày Tết cùng gia đình. Trong ngày giỗ, người Mông thường làm một cái bánh dày to, đặt trên cái mẹt thờ đến hết ngày giỗ. Theo văn hóa tín ngưỡng của người Mông thì người sống ăn bánh dày, chết đi cũng ăn bánh dày.
Đội thi giã bánh dãy xã Nà Tấu , huyện Điện Biên tại ngày hội văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên. |
Tết đến xuân về, cả bản người Mông cùng giã bánh dày. Cứ tối ngày 29 tháng cuối cùng của năm thì nhà nhà, người người trong bản ngâm gạo, đồ xôi. Đến sáng ngày 30 thì giã bánh, chiều 30 thì làm thủ tục ăn Tết gà (Tết của người Mông). Cho nên, trong ngày Tết, cả bản người Mông cứ thậm thịch tiếng chày giã bánh, cả bản nồng đậm hương thơm của nếp giã bánh dày.
Chị Giàng Thị Khía, người tham gia vào đội thi giã bánh dày của xã Nà Tấu nói rằng: Phải xát gạo, ngâm gạo, đồ xôi, giã bánh rồi mới nặn bánh. Cũng phải mất một ngày thì mới làm xong một mẻ bánh. Muốn làm bánh dày ngon, thì trước tiên phải chọn gạo. Gạo ngon là gạo nếp cẩm, hoặc là gạo nếp nương trắng, nhưng hạt gạo phải to đều, khi đồ lên phải thật dẻo. Ngâm gạo trong vòng 1 ngày, lúc đồ thì cũng phải đồ lâu, khoảng 1 tiếng, để cơm chín kỹ.
Bánh dày được làm hoàn toàn từ những nguyên liệu tự nhiên. |
Giã bánh dày không chỉ là chuyện trong mỗi gia đình người Mông ở Nà Tấu. Bản văn hoá này giờ có tới hàng chục đội chuyên giã bánh dày và liên tục được mời đi trình diễn, giới thiệu về tục giã bánh dày trong các ngày hội văn hoá các dân tộc các tỉnh trong khu vực. Anh Vàng A Thắng, thành viên của đội giã bánh dày Nà Tấu, cho biết: Khi giã bánh dày phải đều tay và phải cố hết sức thì bánh mới đều và dẻo. Khi bánh dày còn là vật cúng lễ, còn là món ăn truyền thống của người Mông, thì con trai, con gái người Mông ở Nà Tấu vẫn còn giã bánh dày.
Trước đây đồng bào Mông thường đón tết cổ truyền trước tết Nguyên đán khoảng 1 tháng, tức là vào cuối tháng 11, đầu tháng 12 âm lịch. Thực hiện nếp sống văn hóa mới, đồng bào Mông trên địa bàn tỉnh Điện Biên giờ đã ăn Tết cổ truyền cùng nhân dân các dân tộc cả nước. Tuy nhiên, người Mông vẫn gìn giữ những nét phong tục tập quán văn hóa truyền thống rất riêng, trong đó có tục làm bánh dày ngày Tết.
Vào dịp đầu xuân hay các ngày lễ hội, một số bản người Mông còn tổ chức thi làm bánh dày giữa các dòng họ, các gia đình, các bản. Đây là một cách bảo tồn, gìn giữ và giới thiệu những nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông với du khách thập phương.