Người dân khổ vì thủy điện

Bài và ảnh: VĂN DINH| 05/11/2019 15:11

(TN&MT) - Ruộng vườn hoang hóa, giếng nước, hồ cá trơ đáy vì thủy điện thi công làm mất nước mặt và mạch nước ngầm sụt giảm nghiêm trọng... khiến nhiều hộ dân tại huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên - Huế) khốn khổ trong sinh hoạt, sản xuất suốt thời gian dài.

Dân khổ

Qua tìm hiểu của PV, Nhà máy Thủy điện A Lưới được khởi công từ năm 2007 ở thượng nguồn sông A Sáp (huyện A Lưới), do Công ty CP Thủy điện miền Trung làm chủ đầu tư, công suất 170MW, tổng mức đầu tư hơn 3.200 tỷ đồng.

Quá trình thi công thủy điện, có khoảng 1.300 hộ dân ở các xã Hồng Thái, Hồng Thượng, Hồng Quảng, Nhâm, Sơn Thủy và Phú Vinh bị ảnh hưởng.Khoảng đầu năm 2012, nhà máy đi vào hoạt động. Kể từ đó, cuộc sống người dân địa phương đảo lộn và khó khăn hơn.

Nhiều con suối tại A Lưới bị bồi lấp, khô cạn

Trước đó, để dẫn nước từ hồ chứa trên sông A Sáp về nhà máy, chủ đầu tư đã cho đào một con kênh lớn, có chiều dài khoảng 2 km từ xã Hồng Thượng đến cửa hầm nhận nước ở thôn Phú Xuân (xã Phú Vinh). Từ khi đào con kênh dẫn nước này, hàng chục giếng nước sinh hoạt, nhiều ao cá và diện tích hoa màu của nhiều hộ dân bị tụt giảm mạch nước ngầm bất thường đành phải bỏ hoang. Nhiều sông suối cũng cạn đáy.

Có mặt tại xã Phú Vinh nằm trên con đường Hồ Chí Minh, PV chứng kiến hàng chục giếng nước trơ đáy, nhiều diện tích hoa màu, hồ cá bỏ hoang hoặc chuyển đổi cây trồng. Nhiều người dân không có việc làm đành phải sang các xã lân cận thậm chi sang tỉnh Quảng Trị làm thuê.

Trong nỗi bức xúc, ông Văn Đức Công (xã Phú Vinh) chia sẻ, ông đào giếng từ năm 2009, sâu hơn 10m. Trước những năm 2011, dù trời có hạn đỉnh điểm, giếng nước vẫn còn trên 2m nhưng khi nhà máy thủy điện làm kênh dẫn, khoét hầm nhận nước sâu xuống mấy chục mét thì giếng nước khô cạn.

“Vị trí con kênh dẫn nước được chủ đầu tư đào sâu. Mực nước ở dòng kênh thấp hơn đáy giếng vì thế nước bị rút về kênh hết làm cho hồ cá, giếng bị khô cạn...”, ông Công nói.

Ông Trần Rế (thôn Phú Xuân, xã Phú Vinh) cho biết, vợ chồng ông chuyển về đây sinh sống đã hơn 10 năm với nghề chăn nuôi, trồng trọt và đào đất vườn làm hồ thả cá cho thu nhập ổn định cuộc sống. Tuy vậy, kể từ ngày có dự án thủy điện, nguồn nước bị khô cạn, giếng đào của gia đình sâu hơn 10m cũng cạn...

Các hộ dân bị ảnh hưởng đã nhiều lần viết đơn, kiến nghị lên cấp trên trong các cuộc tiếp xúc cử tri nhưng mọi chuyện vẫn “án binh bất động”.

Giếng nước trơ đáy, bỏ hoang thời gian dài

Chủ đầu tư ngó lơ?

“Trước đây, con suối này quanh năm đầy nước, là nguồn nước tưới cho hàng chục héc ta hoa màu và cây lâm nghiệp của người dân địa phương, nay đã thành con suối chết. Người dân trồng keo lá tràm ven bờ suối, nhưng vì thiếu nước nên cây cũng còi cọc, phát triển chậm. Dân khổ thì xã cũng khổ theo...”, ông Nguyễn Thanh Điền - cán bộ UBND xã Phú Vinh vừa chỉ tay vào suối A Co vừa nói.

Theo lãnh đạo xã Phú Vinh, nguyên nhân khiến mạch nước ngầm sụt giảm nghiêm trọng, kéo dài trong nhiều năm là do Nhà máy Thủy điện A Lưới khoan hầm sâu dưới lòng nước rồi nước tập trung về đó. Xã đã nhiều lần yêu cầu thủy điện về kiểm tra diện tích hoa màu để có phương án hỗ trợ cho nông dân nhưng đến nay chủ đầu tư thủy điện vẫn chưa thực hiện, đền bù, hỗ trợ. Vì vậy, cả chính quyền địa phương và người dân đều rất bức xúc...

Trong khuôn khổ dự án xây dựng Thủy điện A Lưới, hơn 100 hộ dân thuộc đồng bào dân tộc Tà Ôi, Pa Cô ở các thôn của xã Sơn Thủy, Hồng Thái, Hồng Thượng được di dời đến khu tái định cư xã Hồng Thượng phải sống trong cảnh khó do thiếu đất sản xuất.

Trao đổi với PV Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch UBND huyện A Lưới thông tin, huyện và các cơ quan chức năng tỉnh đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra, xác định hiện tượng mất nước mặt và tụt giảm mạch nước ngầm ở 2 xã Phú Vinh, Hồng Thượng xảy ra từ năm 2010. Nguyên nhân chính là do Thủy điện A Lưới gây ra. Bởi trước khi các hạng mục dự án thủy điện thi công, địa bàn huyện chưa ghi nhận hiện tượng này. Sông suối, ao hồ, giếng nước khô cạn, đất đai, ruộng vườn thiếu nước đã đẩy cuộc sống người dân lâm vào cảnh khốn khó... Trong khi đó, đại diện Công ty CP Thủy điện miền Trung cho rằng, phải có cơ sở khoa học xác định nguyên nhân sụt giảm nước mặt và nước ngầm là do thủy điện gây ra, mới có phương án đền bù.

“Xác định tính cấp bách của sự việc, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa cho phép thực hiện đề tài khoa học nghiên cứu, đánh giá đột xuất, cấp thiết với mục tiêu xác định nguyên nhân mất nước mặt và sụt giảm tầng nước ngầm tại A Lưới. Cơ quan được giao thực hiện đề tài là Trường Đại học Nông Lâm Huế. Đến cuối tháng 7/2019, Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh đã thông qua đề tài khoa học này.Địa phương rất mong muốn sớm có cơ sở khoa học để yêu cầu phía chủ đầu tư dự án thủy điện hỗ trợ, đền bù và có giải pháp khắc phục nhằm ổn định cuộc sống cho người dân...”, ông Hùng nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người dân khổ vì thủy điện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO