Theo quan sát của PV, tại điểm sạt lở này có 2 đoạn bờ kè chắn sóng bằng bê tông cốt thép bị gãy, sụt lún hư hỏng nghiêm trọng, phần thân kè bị vỡ. Các vật liệu như đất, đá lót, vải lọc bị cuốn trôi tạo thành những hố sâu, hở hàm ếch. Các thanh dầm bằng bê tông cốt thép cũng bị gãy nát thành nhiều phần, đổ ngổn ngang.
Điểm gãy, sụt lún thứ nhất nằm gần đầu tuyến kè sinh thái, phía cửa sông Ninh Cơ, diện tích khoảng 60 m², sâu hơn 1 m. Điểm gãy, sụt lún thứ hai cách vị trí thứ nhất chừng hơn 100 m tính từ đầu tuyến kè về phía khu trung tâm sinh thái, diện tích sụt lún, hư hỏng khoảng 600 m², sâu hơn 1,5 m.
Trong hai điểm sạt lở có một điểm tường chắn sóng tại đỉnh kè bị sập, gãy hư hỏng nghiêm trọng. Vỉa hè từ tường chắn sóng đến đường giao thông cũng bị sụt lún gần hết, gạch lát bị bong tróc ngổn ngang.
Theo tìm hiểu, kè chắn sóng của Khu du lịch sinh thái Rạng Đông thuộc “Dự án kè lấn biển, hạ tầng kinh tế biển” do UBND huyện Nghĩa Hưng làm Chủ đầu tư với tổng mức đầu tư trên 100 tỷ đồng, thời gian thi công từ năm 2012 và đến năm 2014 thì hoàn thành.
Liên quan đến vấn đề trên, đại diện UBND huyện Nghĩa Hưng ông Sái Hồng Thanh – Chủ tịch UBND huyện cho biết: Từ cuối năm 2018 đến nay đoạn bờ kè Khu du lịch sinh thái Rạng Đông đã bị hư hỏng, sạt lở 2 lần. “Lần thứ nhất bờ kè bị sạt lở là vào cuối năm 2018, khi ấy huyện đã chi khoảng 2 tỷ đồng để sửa chữa tuy nhiên khi sửa xong thì kè lại bị sóng biển cuốn trôi”.
Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hưng cũng cho biết huyện đã báo cáo UBND tỉnh và mời các đoàn, cơ quan chức năng về tìm hiểu nguyên nhân tuy nhiên đến nay vẫn chưa làm rõ được vì sao.
Theo quan điểm riêng của ông Thanh, nguyên nhân kè đê bị vỡ có thể do tác động từ kè mỏ phía huyện Hải Hậu khiến dòng chảy bị thay đổi sau đó ăn sâu vào bờ. Ông Thanh lý giải trước đó vài năm khi chưa có kè mỏ phía Hải Hậu thì đê kè của Khu sinh thái Rạng Đông hoàn toàn tốt, chỉ khi kè mỏ hoàn thành cuối năm 2018 mới xảy ra hiện tượng vỡ cấu trúc kè chắn sóng của Khu du lịch sinh thái Rạng Đông.