Phản ánh tới Báo TN&MT, bà Đặng Thị Nhật, đại diện cho khoảng 30 hộ dân có đất canh tác tại xứ Đồng Mới và Ruộng Lính (thuộc phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội) cho biết, trong quá trình xây dựng dự án EcoHome 3, đơn vị thi công đã lấp hết đường tiêu thoát nước của hai khu vực nói trên dẫn tới tình trạng trời cứ mưa là bị ngập úng.
Đỉnh điểm là những trận mưa lớn diễn ra vào tháng 8/2019 khiến cho cả khu vực bị ngập úng nặng làm chết hàng nghìn gốc đào thế, đào cành chuẩn bị bán Tết và rau màu, hoa cảnh của người dân.
Một vườn đào thế chết khô của người dân. Phía xa là dự án EcoHome 3 đang thi công |
Trao đổi với PV, bà Đặng Thị Nhật bức xúc nói: “Người nông dân chúng tôi cả năm chỉ trông chờ vào vụ đào cảnh dịp cuối năm. Chúng tôi phải vất vả chăm bón 2-3 năm mới được cành đào bán Tết nhưng chỉ vì chủ đầu tư thi công lấp mất mương tiêu thoát nước khiến cánh đồng bị ngập nặng. Đào cảnh, quất cảnh, hoa cảnh và rau màu bị chết hết.
Giờ mấy nghìn gốc đào chết khô, biến thành củi mục hết rồi. Chúng tôi đấu tranh mãi thì chính quyền mới hỗ trợ cho 35.000 đồng/1 cành đào thương phẩm. Trong khi nếu bán vào dịp Tết, mỗi cành đào đó có giá từ 500.000 – 1 triệu đồng/cành”.
Bà Hoàng Thị Loan (TDP Nhật Tảo 1, phường Đông Ngạc) cho biết thêm: “Chính quyền thì đổ lỗi cho thiên tai nên nói rằng chỉ hỗ trợ thiệt hại cho bà con. Nhưng chúng tôi trồng đào mấy chục năm qua, có bao giờ bị úng ngập đâu. Chỉ từ khi dự án EcoHome 3 này thi công thì mọi chuyện tồi tệ mới bắt đầu xảy ra. Vậy mương tiêu nước bị lấp, bị cát sỏi làm ách tắc lẽ nào là do thiên tai? Chúng tôi không đồng ý với lý giải của chính quyền phường Đông Ngạc nhưng nếu không nhận tiền hỗ trợ thì cũng mất không nên chúng tôi phải cay đắng cầm mấy đồng bạc lẻ đó”.
Nhằm làm rõ thông tin người dân phản ánh, PV Báo TN&MT đã trực tiếp xuống khu vực xứ Đồng Mới và Ruộng Lính để ghi nhận thực tế. Theo quan sát của PV, số lượng đào thế, đào cành bị chết nhưng người dân không thèm nhổ bỏ còn khá nhiều. Có nhiều gốc đào cao chừng 1,5 m và có 4-5 nhánh đã chết khô, nhìn rất xót xa.
Chỉ vào con mương tiêu vừa mới được khơi lại, bà Đặng Thị Nhật cay đắng: “Sau khi đào chết vì úng ngập thì chủ đầu tư mới vội vàng cho nạo vét, khơi dòng chảy. Nhưng đào của chúng tôi chết hết rồi còn đâu. Anh tính, chính quyền hỗ trợ 35.000 đồng/1 cành đào thương phẩm thì cả vườn đào được bao nhiêu tiền?”.
Bà Nhật bên vườn đào chết khô của mình |
Theo biên bản kiểm tra hiện trạng số lượng cây trồng bị thiệt hại của UBND phường Đông Ngạc thì có khoảng 30 hộ dân bị thiệt hại. Tổng số đào cành, đào thế, đào gốc thương phẩm bị chết khoảng 2500 gốc. Nếu tính tổng số lượng quất cảnh, đào cảnh bị ảnh hưởng, đào giống bị chết thì người nông dân ở đây bị thiệt hại khoảng 4000 gốc, chưa kể phần hoa cảnh, rau màu bị chết.
Bà Trương Thị Oanh (TDP Nhật Tảo 3, phường Đông Ngạc) nói: “Gia đình tôi thiệt hại 160 gốc đào thương phẩm. Chúng tôi đấu tranh quyền lợi thì cứ như đi xin bố thí. Riêng những hộ có hoa cảnh, rau màu bị chết còn chưa được hỗ trợ. Quả thực chúng tôi quá khổ, làm lụng cả năm để rồi mất trắng. Kêu với chính quyền thì họ bảo là do thiên tai nhưng chúng tôi gần sông Hồng, làm gì có chuyện vài trận mưa mà bị ngập cả cánh đồng như vậy. Ở đây là nhân tai chứ không phải thiên tai”.
Nhằm làm rõ thông tin nêu trên, PV đã liên hệ với ông Nguyễn Quang Thậm, Chủ tịch UBND phường Đông Ngạc và được biết: “Việc đào của người dân bị chết là do ảnh hưởng của cơn bão trong tháng 8/2019. Người dân đã đồng thuận với phương án hỗ trợ của chính quyền và tất cả đã cầm tiền hỗ trợ rồi. Giờ đây họ lại có ý kiến này nọ là không chính xác”.
Trước nghi vấn việc hàng nghìn gốc đào của người dân bị chết ngập là do thiên tai hay do dự án EcoHome 3 thi công làm ách tắc mương tiêu thoát nước, đề nghị UBND quận Bắc Từ Liêm kiểm tra, xác minh và có phương án hỗ trợ phù hợp để người dân ổn định cuộc sống, sản xuất.
Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin...