Nghị định số 23/2020/NĐ - CP sẽ góp phần ngăn chặn hiệu quả hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép

Việt Hùng - Mai Đan (thực hiện)| 28/05/2020 10:42

(TN&MT) - Đó là nhận định của ông Lại Hồng Thanh -  Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ TN&MT) khi trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường xung quanh việc triển khai Nghị định số 23/2020/NĐ-CP về quản lý khai thác cát, sỏi và bảo vệ lòng, bờ bãi sông mới có hiệu lực.

Ông Lại Hồng Thanh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Kháng sản Việt Nam - Bộ TN&MT. Ảnh: Việt Hùng

Phóng viên: Việt Nam đã có Luật và Thông tư hướng dẫn về quản lý cát, sỏi lòng sông, vậy theo ông, tại sao Chính phủ lại ban hành Nghị định riêng về nội dung này?

Ông Lại Hồng Thanh: Đến nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khoáng sản cơ bản đã hoàn thiện với Luật Khoáng sản 2010 và 8 Nghị định và trên 40 Thông tư hướng dẫn đã được ban hành. Cát, sỏi lòng sông là khoáng sản, do đó, liên quan đến hoạt động điều tra, thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông được điều chỉnh bởi các văn bản nêu trên. Tuy vậy, đây là lần đầu tiên Chính phủ ban hành một Nghị định riêng để điều chỉnh thêm một số hoạt động liên quan đến quản lý cát, sỏi lòng sông cũng như bảo vệ lòng, bờ, bãi sông bởi các lý do quan trọng và cụ thể.

Trước hết, cát, sỏi lòng sông được hình thành, phân bố theo quy luật tự nhiên; phụ thuộc vào lưu lượng, tốc độ dòng chảy, địa hình tích tụ, tốc độ bồi lắng và luôn cân bằng tại lưu vực sông. Tuy vậy, trước đây, việc lập, phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông cũng như việc cấp phép giữa các địa phương chưa thống nhất, thậm chí, trên cùng một dòng sông, một lưu vực sông cũng khác nhau, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý, chưa phù hợp với quy luật tự nhiên của cát, sỏi lòng sông nêu trên.

Tiếp đó, hoạt động khai thác cát, sỏi thường ở các khu vực giáp ranh địa giới hành chính của hai hay nhiều tỉnh/thành phố, cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các địa phương liên quan trong công tác quản lý, ngăn chặn hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép. Tuy vậy, mặc dù, đã có nhiều cố gắng, nhưng công tác này thời gian qua, thực hiện chưa thực sự tốt.

Thêm nữa, quản lý cát, sỏi lòng sông có liên quan trực tiếp đến chức năng quản lý của nhiều Bộ khác nhau, như: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Công an… UBND cấp tỉnh. Thực tế này đòi hỏi, trong quá trình quản lý cát, sỏi lòng sông, cần có sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả giữa các Bộ, ngành liên quan nêu trên và các địa phương và để thực hiện hiệu quả trách nhiệm này, cần được quy định trong văn bản có tính pháp lý, bảo đảm tính thống nhất, quản lý toàn diện của Chính phủ.

Ngoài ra, Luật Khoáng sản không điều chỉnh hành vi tập kết, mua bán, vận chuyển khoáng sản (trong đó, có cát, sỏi lòng sông) nên các văn bản hướng dẫn Luật cũng không quy định để điều chỉnh các hành vi này. Tuy vậy, tình trạng tập kết, mua bán cát, sỏi trái phép là một trong những nguyên nhân dẫn tới chưa thể phòng ngừa, ngăn chặn triệt để hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép. Do đó, căn cứ các Luật liên quan (khoáng sản, thương mại, tài nguyên nước, giao thông thủy...) cần xây dựng để ban hành Nghị định của Chính phủ điều chỉnh các hoạt động này.

Cuối cùng là quản lý Nhà nước đối với cát, sỏi lòng sông luôn phải gắn chặt với yêu cầu, nhiệm vụ quản lý Nhà nước đối với công tác bảo vệ lòng, bờ, bãi sông theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước.

Hoạt động khai tác cát sỏi lòng sông sẽ sớm đi vào quy củ. Ảnh: Việt Hùng

Phóng viên: Ông có thể tóm tắt những nội dung cơ bản của Nghị định số 23/2020/NĐ-CP là gì?

Ông Lại Hồng Thanh: Theo Nghị quyết của Chính phủ, Bộ TN&MT đã cụ thể hóa 5 chính sách đã được Chính phủ thông qua trong nội dung của Nghị định, đó là: Chính phủ thống nhất quản lý cát, cuội, sỏi theo quy định Luật Khoáng sản, hoạt động khai thác cát, cuội, sỏi, gắn với bảo vệ lòng bờ, bãi sông theo quy định của Luật Tài nguyên nước; việc quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên cát, cuội, sỏi lòng sông thống nhất theo lưu vực, gắn với trách nhiệm của địa phương theo địa giới hành chính; quản lý cát, cuội, sỏi lòng sông cần chặt chẽ theo 4 khâu: từ lập quy hoạch đến cấp phép thăm dò, khai thác đến tập kết, mua bán, vận chuyển; cấp phép thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông chủ yếu qua hình thức đấu giá quyền khai thác khoáng sản; khuyến khích sử dụng các nguyên liệu thay thế cát, cuội, sỏi lòng sông từ các loại đá giàu Silic. Theo đó, các chính sách này được quy định cụ thể trong 5 Chương, 35 Điều của Nghị định số 23, trong đó, có một số nội dung trọng tâm đáng chú ý.

Cụ thể là trong khai thác cát sỏi, tổ chức, cá nhân có hoạt động tác động đến lòng, bờ, bãi sông đều phải xây dựng phương án bảo vệ lòng, bờ, bãi sông và là một phần trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường - ĐTM; khai thác cát, sỏi lòng sông phải tuân thủ quy định về thời gian được phép khai thác, đăng ký tên, loại phương tiện, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, lưu trữ thông tin về vị trí, hành trình di chuyển của thiết bị sử dụng để khai thác, vận chuyển cát sỏi; lắp đặt bảng thông báo đề công khai các thông tin về dự án khai thác cát sỏi (về tọa độ, diện tích, sơ đồ phạm vi khu vực khai thác, thời gian khai thác, tên, loại phương tiện khai thác).

Trong tập kết cát sỏi, bến bãi tập kết cát sỏi phải nằm trong quy hoạch, được cấp phép theo thẩm quyền, được lắp đặt bảng công khai thông tin về địa chỉ cung cấp cát sỏi, lắp đạt trạm cân, Camera giám sát khối lượng mua - bán.

Trong kinh doanh, vận chuyển cát sỏi lòng sông, phương tiện vận chuyển cát, sỏi trên sông phải đáp ứng các yêu cầu theo quy định của pháp luật có liên quan về giao thông đường thủy nội địa và quy định trong Giấy phép khai thác; cát, sỏi được kinh doanh phải là cát, sỏi có nguồn gốc hợp pháp; trong quá trình vận chuyển cát, sỏi trên sông, chủ các các phương tiện đều phải mang theo hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc của cát, sỏi là hợp pháp; thông tin, dữ liệu, sổ sách, chứng từ về khối lượng cát, sỏi đã mua - bán; phải xuất hóa đơn theo quy định của pháp luật liên quan cho tổ chức, cá nhân mua cát, sỏi.

Đối với vấn đề bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, Nghị định số 23 quy định cụ thể các vấn đề về tiêu chí khoanh định khu vực cấm, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản; xác định các yêu cầu cụ thể về bảo vệ lòng, bờ, bãi sông đối với các loại hình dự án có tác động tới lòng, bờ, bãi sông và vấn đề xây dựng phương án bảo vệ lòng, bờ bãi sông như đã nêu trên.

Phóng viên: Đối tượng áp dụng của Nghị định bao gồm nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân khác nhau. Vậy theo ông, để những đối tượng này triển khai tốt các nhiệm vụ theo yêu cầu của Nghị định số, cơ quan quản lý Nhà nước cần có những biện pháp như thế nào?

Ông Lại Hồng Thanh: Trước hết, Bộ TN&MT, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ triển khai tuyên truyền, phổ biến các nội dung cơ bản của Nghị định số 23/2020/NĐ-CP đến cấp chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan, đến người dân, đặc biệt là cộng đồng dân cư ven các sông, đến các tổ chức, cá nhân liên quan. Đồng thời, căn cứ nhiệm vụ quản lý Nhà nước đối với cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông các Bộ, ngành liên quan, UBND các cấp xây dựng kế hoạch để triển khai nhiệm vụ thuộc Bộ, ngành, địa phương mình, nhất là các Bộ: TN&MT, Xây dựng, Công Thương, Giao thông vận tải, NN&PTNT... Căn cứ Nghị định số 23 các địa phương cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện hoặc ban hành mới Quy chế phối hợp trong quản lý cát, sỏi lòng sông ở khu vực giáp ranh là địa giới hành chính giữa các tỉnh, thành phố; chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt Quy chế sau khi ban hành; chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các hành vi khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép theo quy định.

Về phía Bộ TN&MT, để bảo đảm hiệu quả quản lý Nhà nước, đồng thời, cùng với trình ban hành Nghị định số 23/2020/NĐ-CP, Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản. Theo đó, các hành vi gây sạt lở lòng, bờ, bãi sông; khai thác trái phép cát, sỏi lòng sông... đã có chế tài xử lý đủ sức răn đe, nhất là đối với các hành vi khai thác cát, sỏi. Mặt khác, để triển khai thực hiện Nghị định số 23, Bộ đã chỉ đạo xây dựng Chỉ thị thay thế Chỉ thị số 03/CT-TTg để trình Chính phủ ban hành trong năm 2020. Đối với các địa phương cần ban hành văn bản tổ chức thực hiện Nghị định số 23, đặc biệt là quy định rõ trách nhiệm của từng cấp chính quyền địa phương, các Sở, ngành liên quan trong; rà soát các Giấy phép khai thác cát, sỏi lòng sông đã cấp để yêu cầu tổ chức, cá nhân thực hiện đúng các quy định của Nghị định; rà soát, xây dựng và tổ chức thực hiện tốt các Quy chế quản lý cát, sỏi lòng sông ở khu vực giáp ranh địa giới hành chính là các con sông với các địa phương liên quan...

Phóng viên:  Vậy, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam sẽ có những biện pháp nào trong công tác tổ chức và triển khai Nghị định này, thưa ông?

Ông Lại Hồng Thanh: Về phía Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, để tổ chức triển khai thực hiện Nghị định số 23, hiện nay, Tổng cục đã hoàn thành việc xây dựng để Bộ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về việc tiếp tục tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản (thay thế Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30/3/2015 về tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản), trong đó, có các nội dung về nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến các Bộ, ngành, địa phương để thực hiện Nghị định số 23.

Ngoài ra, Tổng cục tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hướng dẫn các nội dung cụ thể của Nghị định số 23 bằng nhiều hình thức khác nhau tới các tổ chức, cá nhân là đối tượng áp dụng của Nghị định, nhất là thông qua công tác thanh tra, kiểm tra. Tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản nói chung, chủ trì/phối hợp với Sở TN&MT các địa phương trong công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông…

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Trong năm 2019, thực hiện chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền, Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ đã chủ trì, phối hợp với Bộ TN&MT, các Bộ liên quan kiểm tra tình hình quản lý cát, sỏi lòng sông tại 15 tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Hưng Yên, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Tiền Giang và Đồng Nai, thanh tra trách nhiệm quản lý Nhà nước của một số địa phương; Thanh tra Chính phủ và Bộ Công an đã hoàn thành các đợt thanh kiểm tra và hoàn thành báo cáo.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghị định số 23/2020/NĐ - CP sẽ góp phần ngăn chặn hiệu quả hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO