Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn lực đất đai cho phát triển bền vững. Bài 1: Chiều dài lịch sử

Trần Hùng Phi - Nguyên Cục trưởng Cục Kiểm soát, quản lý và sử d| 04/06/2020 10:49

(TN&MT) - Trong lịch sử Việt Nam, việc đăng ký đất đai (ĐKĐĐ) được thực hiện từ rất sớm trong các Triều đại Phong kiến và cho đến nay đã dần hoàn thiện và hiệu quả.

Theo những tài liệu lịch sử còn lưu giữ, từ Thế kỷ thứ VI, Triều đại Nhà Lê (từ năm 1428 - 1788) đã ban hành Quốc triều hình luật (còn gọi là Luật Hồng Đức) giao cho quan lại có trách nhiệm đo đạc và lập sổ ruộng đất để quản lý và thu thuế; người dân sở hữu ruộng đất, kể cả người sử dụng đất công điền đều có trách nhiệm khai báo chính xác ruộng đất do mình sở hữu, sử dụng với nhà nước.

Sau khi giành được độc lập (năm 1945), việc đăng ký đất đai tiếp tục được Nhà nước duy trì thực hiện, nhưng do điều kiện chiến tranh nên chưa được coi trọng và Nhà nước chưa có quy định pháp lý để thực hiện.

Đến năm 1980, Nhà nước mới ban hành Quyết định số 201-CP của Hội đồng Chính phủ về thống nhất và tăng cường công tác quản lý ruộng đất trong cả nước; Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 299-TTg ngày 10/11/1980 về công tác đo đạc, phân hạng và đăng ký thống kê ruộng đất; Tổng cục Quản lý ruộng đất ban hành Quyết định số 56/ĐKTK ngày 5/11/1981 quy định về thủ tục đăng ký thống kê ruộng đất trong cả nước thì việc ĐKĐĐ mới được bắt đầu được thực hiện trở lại thống nhất cả nước theo một trình tự thủ tục chặt chẽ.

Tuy vậy, do hoàn cảnh đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh, còn nhiều khó khăn, hơn nữa đại bộ phận ruộng đất cả nước đã và đang được tập thể hoá nên hầu hết các địa phương chưa thực hiện hoặc thực hiện dở dang; bản đồ giải thửa chủ yếu đo đạc thủ công cho đất nông nghiệp nên chất lượng thấp, việc ĐKĐĐ hầu hết bằng số liệu tự khai báo của người dân; hồ sơ địa chính (HSĐC) nhiều nơi chưa lập hoặc lập không đầy đủ, chưa đúng quy định, còn nhiều sai sót nhưng chưa được kiểm tra, xử lý; việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) chưa được các địa phương thực hiện.

Ảnh minh họa

Từ khi Luật Đất đai 1988 được ban hành, việc đăng ký đất đai, cấp GCN QSDĐ, lập hồ sơ địa chính được ghi vào Luật Đất đai, trở thành một trong các nội dung nhiệm vụ của quản lý Nhà nước (QLNN) về đất đai thuộc trách nhiệm của chính quyền các cấp. Công tác ĐKĐĐ ở Việt Nam được quy định theo hai hình thức riêng biệt gồm có: Đăng ký ban đầu và đăng ký biến động.

Bên cạnh đó, hệ thống ĐKĐĐ ở Việt Nam trước 2003 chưa có sự thống nhất về thủ tục, biểu mẫu HSĐC, GCNQSDĐ và hệ thống TTĐĐ. Việc tổ chức thực hiện đăng ký đất còn phân cấp trách nhiệm cho nhiều cơ quan, nhiều cấp thực hiện mà chưa xác định rõ trách nhiệm chính thuộc về cơ quan nào. Đây là nguyên nhân chính của tình trạng phức tạp về thủ tục, hồ sơ ĐKĐĐ, ảnh hưởng nhiều đến tiến độ thực hiện và chất lượng công việc mà nhiều địa phương đã rất tốn công sức để cải cách nhưng không hiệu quả.

Sau đó, pháp luật đất đai năm 2003 quy định thành lập hệ thống Văn phòng Đăng ký QSDĐ 2 cấp (VPĐK) gồm VPĐK QSDĐ trực thuộc Sở TN&MT và VPĐK QSDĐ trực thuộc Phòng TN&MT; có chức năng, nhiệm vụ chủ yếu làm đầu mối tổ chức thực hiện các thủ tục về ĐKĐĐ, cấp GCNQSDĐ; lập và chỉnh lý, quản lý HSĐC, cơ sở dữ liệu (CSDL) địa chính và cung cấp TTĐĐ; tổ chức thực hiện thống kê, kiểm kê đất đai.            

Việc thành lập các VPĐK QSDĐ ở hai cấp lúc đó là điểm đổi mới quan trọng của Luật Đất đai năm 2003, đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc cấp GCNQSDĐ, xây dựng HSĐC ở các địa phương.

 Tuy vậy, hệ thống VPĐK ở hai cấp còn bộc lộ một số bất cập: Sự phối hợp hoạt động giữa VPĐK cấp tỉnh và cấp huyện không chặt chẽ, thiếu thống nhất, vai trò tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra của VPĐK cấp tỉnh đối với cấp huyện kém hiệu lực, hiệu quả; hệ thống HSĐC phải lập nhiều bộ, lưu giữ ở nhiều cấp, làm cho quy trình cập nhật, chỉnh lý HSĐC phức tạp, trùng lặp, nên không được thực hiện đầy đủ, đồng bộ; làm tăng chi phí lập và quản lý, chỉnh lý HSĐC; hồ sơ thủ thủ tục hành chính hệ thống TTĐĐ gặp nhiều khó khăn, chậm triển khai, thiếu thống nhất, không đồng bộ và khai thác sử dụng kém hiệu quả.

Việc thành lập hai cấp, theo đơn vị hành chính gây khó khăn cho tổ chức và cá nhân sử dụng đất khi thực hiện các giao dịch về đất đai, nhất là trong các trường hợp chuyển quyền giữa tổ chức và cá nhân (đối với cấp huyện chỉ đáp ứng các giao dịch của cá nhân, cấp tỉnh chỉ đáp ứng các giao dịch của tổ chức); không có sự điều tiết hỗ trợ thực hiện giữa các VPĐK các cấp, các huyện trong địa bàn tỉnh, thành phố (nơi quá tải công việc do có quá nhiều giao dịch, nơi nhàn rỗi do ít các giao dịch).

Để khắc phục các bất cập đó, tại Điều 5, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai đã quy định “VPĐKĐĐ là đơn vị sự nghiệp công trực thuộc Sở TN&MT do UBND cấp tỉnh thành lập hoặc tổ chức lại trên cơ sở hợp nhất VPĐK QSDĐ trực thuộc Sở TN&MT và các VPĐK QSDĐ trực thuộc Phòng TN&MT hiện có ở địa phương” và “VPĐKĐĐ có chi nhánh tại các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh”.

Đến nay, cả nước đã có 59/63 tỉnh đã kiện toàn hệ thống VPĐK QSDĐ các cấp tỉnh, huyện để thành lập VPĐK đất đai trực thuộc Sở TN&MT; 4 tỉnh còn lại chưa kiện toàn hệ thống VPĐK QSDĐ theo quy định.

Bài 2: Ưu việt đan xen “nút thắt”

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn lực đất đai cho phát triển bền vững. Bài 1: Chiều dài lịch sử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO