Liên hoan Đờn ca tài tử Nam Bộ 3 tỉnh Bạc Liêu - Sóc Trăng - Cà Mau lần thứ X

15/09/2016 00:00

  (TN&MT) - Tối 15/9/2016 (cũng là vào ngày rằm tháng 8 âm lịch), Lễ hội Dạ cổ hoài lang tỉnh Bạc Liêu bế mạc. Chương trình văn nghệ chính trong lễ bế mạc...

 

(TN&MT) - Tối 15/9/2016 (cũng là vào ngày rằm tháng 8 âm lịch), Lễ hội Dạ cổ hoài lang tỉnh Bạc Liêu bế mạc. Chương trình văn nghệ chính trong lễ bế mạc là công diễn các tiết mục đoạt giải của Liên hoan Đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam Bộ 3 tỉnh Bạc Liêu - Sóc Trăng - Cà Mau lần thứ X.  

Liên hoan ĐCTT Nam Bộ 3 tỉnh Bạc Liêu - Sóc Trăng - Cà Mau được coi là một điểm nhấn của Lễ hội Dạ cổ hoài lang do tập trung nhiều nghệ nhân đờn, tài tử ca, tổ chức trong nhiều ngày, thu hút đông đảo người xem. Tại Liên hoan lần này, đối tượng tham gia được mở rộng, bên cạnh các đội ĐCTT của 3 tỉnh nêu trên còn có sự tham gia của 3 tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Bình Dương. Tuy mỗi đội có chương trình dàn dựng với chủ đề riêng (cùng thời lượng 40 phút) nhưng xoay quanh chủ đề của Liên hoan là "Di sản văn hóa ĐCTT phương Nam". Nghệ nhân các đội thi diễn các bài bản trong 20 bản tổ của của nhạc tài tử Nam bộ.

Qua 3 ngày giao lưu, thi thố (từ 13/9 - 15/9/2016) của các đội, ban tổ chức đã công bố các giải thưởng tập thể và tiết mục.

Về tập thể, có 6 giải gồm 3 giải A: đội ĐCTT tỉnh Bạc Liêu, đội ĐCTT tỉnh Sóc Trăng, đội ĐCTT tỉnh Tiền Giang; 3 giải B: đội ĐCTT tỉnh Bình Dương, đội ĐCTT tỉnh Cà Mau, đội ĐCTT tỉnh Vĩnh Long. Bên cạnh đó, 2 ban nhạc ĐCTT tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau được trao giải Ban nhạc xuất sắc.

Về tiết mục, có 22 giải. Ngoài ra còn có giải nghệ nhân trẻ tuổi nhất: nghệ nhân Tú Sương, đội ĐCTT tỉnh Bạc Liêu (Tú Sương từng giải Ba chương trình Giọng ca nhí Hò - Xự - Xang - Xê - Cống năm 2015).

Điểm nổi bật của các tiết mục đoạt giải là có nội dung mới (lời mới) gắn liền với cuộc sống, khắc họa khá rõ nét sự phát triển về mọi mặt ở địa phương, ca ngợi Đảng, lãnh tụ. Như các tiết mục: "Tiếng đờn quê" (Bạc Liêu), "Hương sắc Bình Dương", "Vĩnh Long quê em", "Ngày mới trên đồng lúa" (Tiền Giang), "Dòng sông quê em" (Cà Mau)...; "Đời ta có Đảng" (Sóc Trăng), "Nén nhang kính bác Phạm Hùng" (Vĩnh Long)...

Trong số giải tiết mục nêu trên, có 4 tiết mục hòa tấu hấp dẫn người nghe: "Hòa tấu Xàng xê" (Tiền Giang), "Hòa tấu Vọng cổ nhịp 16" (Bình Dương), "Hòa tấu Cổ bản 22 câu" (Sóc Trăng), "Hòa tấu Xuân tình lớp 2" (Vĩnh Long).

Ở Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ, hằng năm, nhiều tỉnh, thành trong 2 khu vực này đều tổ chức Liên hoan đờn ca tài tử Nam Bộ cấp tỉnh, thành; có nơi còn tổ chức Liên hoan cấp quận, huyện. Một số tỉnh, thành liên kết tổ chức, có năm mở rộng mời một số địa phương khác tham gia. Tháng 5 vừa qua, tại Bình Dương đã diễn ra Liên hoan Đờn ca tài tử Nam bộ khu vực Đông Nam bộ mở rộng, một số đội ĐCTT ở ĐBSCL đã tham gia Liên hoan này.

Những cuộc Liên hoan nêu trên trong thời gian qua đã góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ - một di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa - nghệ thuật dân tộc. Đây cũng là những đợt tập dượt của các địa phương để tham gia Liên hoan Đờn ca tài tử Nam bộ toàn quốc lần thứ II sẽ diễn ra vào năm 2017 tại Bình Dương. Liên hoan này là một trong những sự kiện chính của Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ II do tỉnh Bình Dương đăng cai tổ chức (Festival 3 năm tổ chức một lần; Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ I tổ chức tại Bạc Liêu vào năm 2014).

Tin & ảnh: Thanh Chí – Thanh Cường

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Liên hoan Đờn ca tài tử Nam Bộ 3 tỉnh Bạc Liêu - Sóc Trăng - Cà Mau lần thứ X
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO