Khu đô thị sinh thái và Dịch vụ Lam Hạ (TP. Phủ Lý, Hà Nam): Biệt thự "khủng" có phá vỡ quy hoạch?

16/11/2017 00:00

(TN&MT) - Khu đô thị sinh thái và Dịch vụ Lam Hạ, thuộc Phường Lam Hạ, được UBND tỉnh Hà Nam phê duyệt tại Quyết định số 1340/QĐ-UBND ngày 31/10/2008. Mục tiêu của dự án này sẽ là điểm nhấn của tỉnh về một khu đô thị kiểu mẫu, văn minh, hiện đại… Tuy vậy, sau gần 10 năm đi vào hoạt động, dự án khu đô thị “kiểu mẫu” này đã và đang có nguy cơ bị phá vỡ quy hoạch vì… sự “thờ ơ” trong giám sát của UBND TP. Phủ Lý và Sở Xây dựng.

Theo phản ánh của người dân phường Lam Hạ, phần lớn các biệt thự ở đây gộp thửa lô để xây dựng, tức là mua hai lô đất biệt thự để gộp làm một. Người dân còn khẳng định, phần lớn là quan chức TP. Phủ Lý và một vài doanh nghiệp của địa phương.

Tài liệu phóng viên thu thập được, giấy phép xây dựng do UBND TP. Phủ Lý cấp cho các chủ hộ gia đình một đằng nhưng họ xây dựng một nẻo, nguy cơ phá vỡ quy hoạch ban đầu đã hiện hữu. Điều nực cười, chính Công ty CP Phương Bắc, chủ đầu tư Khu đô thị sinh thái và Dịch vụ Lam Hạ (Khu đô thị Lam Hạ), đơn vị đề xuất Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu đô thị Lam Hạ cũng sai phạm, đó là tự ý gộp hai lô đất thành một để xây dựng biệt phủ cho gia đình Giám đốc Công ty CP Phương Bắc.

Một công trình “khủng” tại KĐT Lam Hạ
Một công trình “khủng” tại KĐT Lam Hạ

Đơn cử như công trình xây dựng gia đình ông Phạm Quang Huy (địa chỉ ở phường Lương Khánh Thiện, TP. Phủ Lý - PV), theo Giấy phép xây dựng số 451/GPXDUBND TP. Phủ Lý cấp sử dụng cho nhà ở riêng lẻ đô thị, ngày 27/11/2015, tại lô đất số 2/BT17, thuộc Khu đô thị sinh thái và Dịch vụ Lam Hạ với diện tích 256,81m2. Từ giấy phép và so với thực tế hiện trạng, ngoài diện tích ngôi nhà được xây dựng đồ sộ, chủ nhà còn “tự ý” xây dựng hàng loạt công trình xây dựng kiên cố xung quanh (kiểu như mô hình nhà thờ họ - PV). Nghiêm trọng hơn, một số hộ còn gộp 2 lô thành một để xây dựng công trình kiên cố, khuôn viên, nhà từ đường tráng lệ…

Được biết, căn cứ theo các Quyết định phê duyệt của UBND tỉnh Hà Nam như: Quyết định 1340/QĐ-UBND tỉnh ngày 31/10/2008 về việc phê duyệt cho phép đầu tư, Quyết định 1307/QĐ-UBND tỉnh ngày 28/10/2011 về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, Quyết định số 46/QĐ-UBND 12/1/2016 về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 khu đô thị sinh thái và Dịch vụ Lam Hạ và Quyết định số 1611/QĐ-UBND tinh Hà Nam ngày 28/9/2017 về việc Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 khu đô thị sinh thái và Dịch vụ Lam Hạ. Đây là lần điều chỉnh thứ 3 của Dự án Khu đô thị Lam Hạ.

Điều lạ của Quyết định điều chỉnh lần 3 này là thừa nhận đất ở biệt thự gồm 186 lô có diện tích từ 107,2m2 - 1.100,47m2 và chiều rộng lô đất từ 6,3m - 31,51m, mật độ xây dựng từ 41 - 79%, tầng cao trung bình 4 tầng. Trong khi các Quyết định phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch từ trước của UBND tỉnh Hà Nam chỉ cho phép diện tích đất ở biệt thự không quá 300m2. Nhiều người dân hoài nghi tỉnh Hà Nam đã hợp thức hóa cho các sai phạm trên?!

Trao đổi với ông Phạm Mạnh Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nam được biết, việc cấp phép xây dựng thuộc quyền của TP. Phủ Lý, Sở chỉ giám sát quá trình xây dựng có đúng hay sai. Tuy vậy, ông Hùng cũng thừa nhận, việc gộp 2 lô đất biệt thự làm một để xây dựng nhà là sai phạm…

Để có thêm câu trả lời thỏa đáng, phóng viên đã làm việc với ông Nguyễn Anh Chức, Chủ tịch UBND TP. Phủ Lý. Ông Chức thừa nhận: Việc quản lý giấy phép xây dựng và công trình xây dựng còn chưa rõ ràng, chồng chéo và khi để xảy ra sai phạm không biết quy trách nhiệm cho ai.

Công tác quản lý quy hoạch các Khu đô thị, công trình xây dựng trên địa bàn TP. Phủ Lý đang nảy sinh nhiều bất cập cần tháo gỡ. Đặc biệt, với Khu đô thị Lam Hạ, Bộ Xây dựng, Bộ TN&MT cần xem xét tính pháp lý của Dự án và các Quyết định điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của Khu đô thị này.

Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ thông tin tiếp về vụ việc.

Bài và ảnh: Lê Xuân

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khu đô thị sinh thái và Dịch vụ Lam Hạ (TP. Phủ Lý, Hà Nam): Biệt thự "khủng" có phá vỡ quy hoạch?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO