Ngày 18/6, tin từ UBND phường An Đông (TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết, vừa phát hiện và xử lý một xác lợn chết do người dân vứt...
Cụ thể, sau khi phát hiện một con lợn chết bên vệ đường gần Cầu Như Ý 1, Cán bộ thú y cùng Tổ quản lý đô thị phường đã tiến hành chôn lấp...
Theo một cán bộ phường An Đông, xác con lợn chết này do người dân vứt trộm cách đây ít ngày. Ngay sau khi nhận được tin báo của người dân đi đường, Thường trực UBND phường An Đông đã khẩn trương có mặt tại hiện trường xử lý để kịp thời.
Không chỉ tiến hành chôn lấp, lực lượng của phường còn tiến hành tiêu độc khử trùng xung quanh khu vực phát hiện lợn chết. Hiện UBND phường An Đông đã chỉ đạo lực lượng Công an phường truy tìm người vứt trộm lợn.
Được biết, dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến hết sức phức tạp tại Thừa Thiên Huế và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Đến nay, dịch đã xảy ra trên đàn lợn của 1.594 hộ chăn nuôi, 364 thôn, 79 xã thuộc 8/9 huyện gồm Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc, A Lưới, thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thủy và TP. Huế. Tổng số lợn mắc bệnh và đã tiêu hủy là 7.003 con, với tổng trọng lượng tiêu hủy là 374.073 kg.
Hiện các cấp, các ngành ở Thừa Thiên Huế đang quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống, khống chế dịch, đã phát 50.000 tờ rơi; cấp 30.029 lít hóa chất, hơn 363 tấn vôi; lập 47 chốt để chốt chặn, kiểm soát vận chuyển lợn và sản phẩm lợn ra vào vùng dịch.
Ông Lê Trường Lưu - Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế thông tin đã đề nghị các sở, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các chỉ đạo về công tác phòng chống dịch; thường xuyên tổ chức các đoàn liên ngành xuống trực tiếp cùng địa phương kiểm tra, chỉ đạo, kiểm soát dịch hiệu quả, đặc biệt là công tác dập dịch. Lãnh đạo các địa phương cần phải quyết liệt vào cuộc và phải chịu trách nhiệm về hoạt động phòng, chống dịch; duy trì, củng cố năng lực hệ thống thú y các cấp; hỗ trợ, hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp vệ sinh, phòng bệnh và chăn nuôi an toàn sinh học...
“Bên cạnh đó, cần tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đến từng cán bộ, đảng viên và nhân dân về tính nguy hiểm, tác hại nghiêm trọng của bệnh dịch tả lợn châu Phi. Chuẩn bị tốt các điều kiện khôi phục chăn nuôi lợn ngay sau khi dịch bệnh được khống chế. Các cấp ủy mà trực tiếp là Bí thư cấp ủy phải trực tiếp về cơ sở kiểm tra, giám sát việc tổ chức phòng, chống, khống chế dịch. Đồng thời chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ do mình phụ trách...”- ông Lưu nhấn mạnh.