GS.TS. Nguyễn Quang Linh - Giám đốc Đại học Huế cho rằng, trường Đại học là một cấu phần quan trọng, không thể thiếu trong hệ sinh thái KNĐMST. Điều này đã được thể hiện trong các nội dung Đề án 844 “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” và Đề án 1665 “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” của Chính phủ. Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, lãnh đạo tỉnh đã nhận định rằng “Đại học Huế là trái tim của Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh”.
Hội thảo “Vai trò của Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong trường Đại học tại điểm cầu Đại học Huế |
Đại học Huế từ năm 2013 đã thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo bằng việc thành lập Trung tâm Ươm tạo và Chuyển giao công nghệ. Đến năm 2018, thành lập Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc phát triển Hệ sinh thái KNĐMST Đại học Huế, đóng góp vào sự phát triển của Hệ sinh thái Quốc gia.
“Tuy nhiên, thực tế tại Việt Nam, thông qua các nghiên cứu đang chỉ ra rằng vai trò của trường đại học trong hệ sinh thái khởi nghiệp và những mối liên hệ của trường đại học với các chủ thể khác trong hệ sinh thái khởi nghiệp vẫn còn rất mờ nhạt. Điều này một phần xuất phát từ việc các trường chưa nhìn nhận rõ các tác động tích cực của hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đối với sự phát triển của nhà trường. Với mục đích làm rõ các tác động của hoạt động Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong trường đại học đến chính sự phát triển của nhà trường, Đại học Huế, hôm nay Đại học Huế tổ chức Hội thảo “Vai trò của Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong trường Đại học”, GS.TS. Nguyễn Quang Linh chia sẻ.
Tham dự hội thảo có các chuyên gia từ các đơn vị điển hình hai đầu đất nước, bao gồm BK-Holdings, Saigon Innovation Hub, VNU-ITP (Khu Công nghệ phần mềm, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) và Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ -Bộ KH&CN...
Các đại biểu trình bày các tham luận, đóng góp ý kiến |
Hội thảo đã được nghe nhiều tham luận liên quan như “Vai trò trường đại học trong Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia” của TS. Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ - Bộ KH&CN; “Tổ chức thương mại hóa kết quả nghiên cứu trong trường Đại học - Vị trí của khởi nghiệp và ươm tạo” của ThS. Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Saigon Innovation Hub; “Đổi mới sáng tạo đóng góp nâng cao chỉ số xếp hạng Đại học” của TS. Nguyễn Trung Dũng, Tổng Giám đốc BK-Holdings, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội...
Hội thảo cũng diễn ra tọa đàm “Các giải pháp thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong trường Đại học”, với sự chia sẻ, thảo luận... của lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Bộ KH&CN, Đại học Huế, các chuyên gia, lãnh đạo các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp.
“Thông qua Hội thảo, Đại học Huế kỳ vọng sẽ cùng với các trường Đại học,Cao đẳng trên cả nước làm sáng tỏ hơn các tác động của hoạt động khởi nghiệp đổi mới tạo đến nhà trường, từ việc thúc đẩy các hoạt động gắn kết sinh viên liên ngành; nâng cao khả năng tự tạo việc làm và tạo việc làm cho người học; tăng cường doanh thu chuyển giao, thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ; nâng cao chỉ số xếp hạng đại học và các tác động khác”, lãnh đạo Đại học Huế nói.
Các cuộc thi khởi nghiệp luôn diễn ra hằng năm tại Đại học Huế |
Cùng ngày, Đại học Huế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo kết nối các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp khu vực miền Trung - Tây Nguyên”.
GS.TS. Nguyễn Quang Linh - Giám đốc Đại học Huế cho biết, trong 3 năm vừa qua, hoạt động xây dựng Hệ sinh thái KNĐMST của Đại học Huế có thể ví như hoạt động của một doanh nhân khởi nghiệp trong quá trình dấn thân để phát triển startups của mình.
“Với vai trò, trách nhiệm một đơn vị được giao thí điểm, Đại học Huế đã nỗ lực, tiên phong, nghiên cứu, thử nghiệm nhiều mô hình, tổ chức hoạt động. Đại học Huế nhận ra rằng, nếu các đơn vị chia sẻ với nhau các kinh nghiệm, các nguồn lực, các mối quan hệ và các tài nguyên đang có, thì hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sẽ đi xa hơn và nhanh hơn, đặc biệt khi đây là chủ trương của Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Đại học Huế mạnh dạn đề xuất sáng kiến Mạng lưới KNĐMST các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp khu vực miền Trung - Tây Nguyên, là mạng lưới với các hoạt động thảo luận mở nhằm phát triển hệ sinh thái KNĐMST trong các đơn vị và Quốc gia”, GS.TS Nguyễn Quang Linh chia sẻ.
Ký kết thành lập mạng lưới KNĐMST các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp khu vực miền Trung - Tây Nguyên tại điểm cầu Đại học Huế |
Sáng kiến Mạng lưới KNĐMST các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp khu vực miền Trung - Tây Nguyên với các mục tiêu cụ thể bao gồm: Phát triển năng lực các đơn vị thành viên, hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ KNĐMST; nghiên cứu và thực hiện các giải pháp hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động KNĐMST, nâng cao năng lực chuyển giao, thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ.
Tại hội nghị, các đại biểu đã trình bày nhiều tham luận liên quan đến khởi nghiệp, đồng thời thảo luận, góp ý đối với Dự thảo Sáng kiến Mạng lưới để tiến tới thành lập Mạng lưới.
Sau đó, 30 đơn vị là các trường tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên và các trường đại học thành viên, khoa thuộc Đại học Huế đã ký kết tham gia bằng hình thức trực tuyến cũng như trực tiếp (đối với điểm cầu Đại học Huế) để hình thành nên Mạng lưới KNĐMST các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp khu vực miền Trung - Tây Nguyên.