Hàng loạt khu “đất vàng” tại Hà Nội “dính” sai phạm khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất

Phạm Thiệu| 27/07/2021 10:51

(TN&MT) - Thanh tra Chính phủ vừa công khai Kết luận thanh tra số 1468/KL-TTCP ngày 04/9/2018 về thanh tra công tác quản lý sử dụng đất và đầu tư xây dựng đối với một số dự án chuyển mục đích sử dụng đất có vị trí lợi thế kinh doanh (giai đoạn 2003 – 2016).

Giao đất không qua đấu giá

Thanh tra Chính phủ cho rằng trong giai đoạn 2003 – 2016, UBND TP. Hà Nội và các sở, ngành, đơn vị của thành phố đã tích cực đưa các cơ sở sản xuất trong khu vực nội thành không còn phù hợp quy hoạch phát triển đô thị, gây ô nhiễm môi trường ra khu vực ngoại thành phù hợp quy hoạch để tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất phát triển ổn định, lâu dài.

Đồng thời những khu “đất vàng” sau khi di dời đó cũng được chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án, trong đó chủ yếu là các dự án phát triển kinh tế (văn phòng, nhà ở, khách sạn, trung tâm thương mại …). Bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được, việc chuyển mục đích sử dụng đất một số dự án còn những thiếu sót, vi phạm.

Khu đất 210 Trần Quang Khải bị Thanh tra Chính phủ "điểm danh"

Cụ thể, Quyết định 86/2010/QĐ-TTg ngày 22/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ cho các doanh nghiệp có quyền sử dụng đất cũ phải di dời được phép hợp tác đầu tư với nhà đầu tư khác để thực hiện dự án. Tuy nhiên UBND thành phố Hà Nội không có văn bản hướng dẫn và quy định cụ thể nên các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước khi đưa vị trí đất vào hợp tác liên doanh thành lập pháp nhân mới làm chủ đầu tư để thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất đã xác định giá trị lợi thế thương mại chưa sát với thị trường.

Việc pháp luật không có quy định xác định lợi thế thương mại đối với giá trị quyền sử dụng đất cũng như việc đấu giá khi lựa chọn nhà đầu tư liên doanh, liên kết để chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện dự án là một kẽ hở chính sách gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Dự án tại Lô đất C3 là một phần dự án Khu đô thị Trung Hòa – Nhân chính là khu đất sạch đã có hạ tầng được xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước nhưng năm 2009 thành phố Hà Nội thu hồi và giao cho chủ đầu tư thực hiện dự án không qua hình thức đấu giá là vi phạm Luật Đất đai 2003 và Quyết định số 216/2005/QĐ-TTg ngày 31/8/2005 của Thủ tướng Chính phủ.

Kết quả thanh tra cũng cho thấy, trong số 38 dự án có 04 dự án chậm đưa đất vào sử dụng so với tiến độ quy định. Tuy nhiên chỉ có 01 dự án được UBND thành phố xác định tiền chậm tiến độ (dự án 47 Nguyễn Tuân) với số tiền 13 tỷ đồng. Thành phố không thực hiện 03 dự án còn lại gồm: Dự án tại 31 Láng Hạ; dự án tại 108 Nguyễn Trãi; dự án tại đường Ngụy Như Kon Tum do Tổng công ty Thành An (Binh đoàn 11 – Bộ Quốc phòng) làm chủ đầu tư gây thất thu ngân sách nhà nước.

Sai phạm gần 4000 tỷ đồng

Việc thành phố Hà Nội tính toán và phê duyệt giá thu tiền sử dụng đất đối với dự án chuyển mục đích sử dụng đất cũng không căn cứ vào Thông tư số 145/2007/TT-BTC ngày 06/12/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 188/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004 và Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT ngày 30/6/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thực hiện Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của chính phủ về phương pháp xác định giá đất và khung các loại giá đất. Điều này dẫn đến chủ đầu tư được hưởng lợi về kinh tế trong khi ngân sách nhà nước bị thất thu số tiền lớn. Đoàn thanh tra tạm tính đối với 30/38 dự án số tiền là hơn 1480 tỷ đồng.

Dự án tại 302 Cầu Giấy dính nhiều lùm xùm trong thời gian qua cũng bị thanh tra chính phủ nêu tên

Kiểm tra 38 dự án, tại thời điểm thanh tra có 08 dự án còn nợ đọng tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tiền chậm nộp với tổng số tiền là hơn 1951 tỷ đồng (trong đó tiền sử dụng đất, tiền thuê đất là hơn 1462 tỷ đồng; tiền chậm nộp là gần 489 tỷ đồng). Từ phát hiện của Đoàn thanh tra, một số chủ đầu tư đã nộp hơn 1106 tỷ đồng. Như vậy tiền còn nợ đọng là gần 845 tỷ đồng (trong đó tiền sử dụng đất là hơn 446 tỷ đồng, tiền chậm nộp là hơn 398 tỷ đồng).Đối với tiền sử dụng đất tại Dự án trung tâm thương mại, văn phòng, căn hộ để bán và cho thuê tại 302 Cầu Giấy, chủ đầu tư đã chuyển một phần diện tích từ đất thuê trả tiền hàng năm sang hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Đoàn thanh tra tạm tính số tiền bổ sung là hơn 403 tỷ đồng.

Đối với sai phạm về tài chính ở các dự án chuyển mục đích sử dụng đất, tổng số tiền sai phạm được phát hiện qua thanh tra là hơn 3974 tỷ đồng, trong đó bao gồm: hơn 403 tỷ đồng tạm tính tiền sử dụng đất do chủ đầu tư tự ý chuyển mục đích sử dụng đất của dự án 302 Cầu Giấy; gần 90 tỷ đồng tạm tính tiền sử dụng đất bổ sung đối với tầng kỹ thuật do chủ đầu tư một số dự án sử dụng vào mục đích kinh doanh; hơn 1462 tỷ đồng tiền sử dụng đất, tiền thuê đất do chủ đầu tư một số dự án còn nợ đọng; hơn 49 tỷ đồng tạm tính tiền thuế thu nhập doanh nghiệp từ hoạt động chuyển nhượng vốn góp do một số nhà đầu tư tại một số dự án chưa thực hiện (Như dự án ở 47 Nguyễn Tuân, dự án ở 210 Trần Quang Khải và 17 Tôn Đản, dự án ở 108 Nguyễn Trãi); hơn 1480 tỷ đồng tạm tính tiền sử dụng đất của một số dự án phải nộp bổ sung, do UBND thành phố Hà Nội khi tính tiền sử dụng đất đã đưa một số khoản chi phí vào xác định không đúng quy định.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND TP. Hà Nội tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân qua các thời kỳ đồng thời chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị gồm: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Tài chính, Quy hoạch - Kiến trúc, Giao thông vận tải, Cục thuế … kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân qua các thời kỳ trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hàng loạt khu “đất vàng” tại Hà Nội “dính” sai phạm khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO