Giáo xứ Lai Ổn  đi đầu phong trào thi đua yêu nước, bảo vệ môi trường

Giang Nguyễn | 05/08/2021, 21:09

(TN&MT) - Hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, nhiều năm qua, bà con giáo xứ Lai Ổn, xã An Quý, huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) đã thực hiện tốt phong trào thi đua yêu nước “Xây dựng xứ họ đạo 4 gương mẫu” với những việc làm cụ thể, thiết thực, đạt kết quả đáng ghi nhận. Đặc biệt trong công tác bảo vệ môi trường.

Từ hoạt động thiện nguyện, chung tay bảo vệ môi trường...

Linh mục Lê Xuân Hiệp, Giáo xứ Lai Ổn (thôn Lai Ổn, xã An Quý, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) chia sẻ: Phát huy đạo lý truyền thống “Thương người như thể thương thân”, trong mỗi dịp Tết nguyên đán, dịp Noel, Hội đồng mục vụ giáo xứ đã kêu gọi các nhà hảo tâm quyên góp ủng hộ kinh phí để giúp đỡ các gia đình già cả ốm đau, gia đình nghèo, gia đình có hoản cảnh đặc biệt khó khăn trong giáo xứ không phân biệt lương, giáo.

Bình quân mỗi năm Hội đồng mục vụ giáo xứ đã vận động các nhà hảo tâm trao tặng 150-200 suất quà, với kinh phí hàng chục triệu đồng. Chu cấp cho 7 người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn 10kg gạo/tháng.

Giáo xứ Lai Ổn tổ chức các hoạt động cộng đồng, tạo sân chơi lành mạnh cho con em đồng bào công giáo.

Vào các ngày lễ lớn, Giới trẻ nhà xứ cũng tổ chức giao lưu văn nghệ, trao quà cho các cháu thiếu niên nhi đồng, tuyên dương trao thưởng cho các cháu học sinh giỏi, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tạo cho các cháu có sân chơi lành mạnh từ đó khuyến khích các cháu vươn lên trong học tập, lao động.

Vận động giáo dân tham gia cùng chính quyền, đoàn thể và nhân dân trong thôn quyên góp ủng hộ gia đình nghèo không may mắc bệnh hiểm nghèo. Những việc làm thiết thực ý nghĩa nêu trên đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của đồng bào lương, giáo trong và ngoài xã, trở thành “điểm sáng” của toàn huyện về công tác an sinh xã hội, quan tâm chăm lo cho đời sống bà con giáo dân.

Bên cạnh việc chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, bà con giáo xứ Lai Ổn còn có nhiều hoạt động chung tay bảo vệ môi trường. Cũng theo Linh mục Lê Xuân Hiệp, với đặc thù xử lý rác thải của xã An Quý là bằng công nghệ lò đốt nên việc phân loại rác ngay từ ban đầu là rất quan trọng.

Trước kia với bà con giáo dân tất cả những gì không dùng nữa đều gọi chung là rác nên lò đốt của địa phương luôn trong tình trạng quá tải, tồn đọng không xử lý kịp. Từ khi giáo xứ có quy định chung về công tác bảo vệ môi trường, mỗi khu dân cư, thôn, xóm xây dựng một tổ thu gom rác thải tự quản thì tình trạng trên đã cải thiện đáng kể, nhận thức của người dân về phân loại, xử lý rác thải ngày càng được nâng cao.

Để chung tay giữ gìn cảnh quan môi trường “xanh-sạch-đẹp”, Hội giới trẻ nhà xứ Lai Ổn đã phối hợp với Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội hiền mẫu tổ chức dọn dẹp vệ sinh, khai thông cống rãnh, phát quang bụi rậm, thu gom và phân loại rác thải dọc các tuyến đường trong thôn, ngõ xóm. Từ đó tinh thần tự giác tham gia bảo vệ môi trường của bà con giáo dân ngày càng được nâng lên. Nhân dân tự giác chấp hành, không bỏ rác sai quy định, các ngày lễ lớn không có hiện tượng vứt rác bừa bãi, mất vệ sinh.

...đến giúp đỡ nhau phát triển kinh tế

Ông Phạm Văn Vịnh, Chủ tịch UB MTTQ VN huyện Quỳnh Phụ cho biết: Những năm qua, phong trào thi đua yêu nước “Xây dựng xứ họ đạo 4 gương mẫu” tại Giáo xứ Lai Ổn được các cấp ủy, chính quyền đặc biệt quan tâm. Phong trào đã góp phần tăng cường sự đoàn kết trong các khu dân cư, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Nổi bật là phong trào thi đua lao động sản xuất, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Bà con giáo dân tại đây đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ KH-KT vào sản xuất, tăng năng suất, giá trị trên một đơn vị canh tác. Nhiều hộ gia đình giáo dân còn mạnh dạn vay vốn mở cửa hàng buôn bán, xưởng sản xuất đồ mộc, hàn xì, cơ khí, phát triển nghề thủ công truyền thống; xây dựng được trang trại chăn nuôi lớn, tạo nguồn thực phẩm cung cấp cho thị trường, nhiều hộ giáo dân có cửa hàng kinh doanh với giá trị hàng hóa lên tới hàng trăm triệu đồng, giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương.

Bà con Giáo xứ Lai Ổn dọn dẹp vệ sinh, phát quang cây dại, xây dựng khuôn viên thánh đường khang trang, sạch đẹp.

Trong đó phải kể đến là mô hình phát triển kinh tế của gia đình bà Nguyễn Thị Sao-Giám đốc Công ty TNHH chế biến và kinh doanh hải sản Ánh Sao, chuyên chế biến kinh doanh hải sản, với số vốn đầu tư 5-6 tỷ đồng, mỗi năm công ty của bà Sao xuất bán ra thị trường gần 100 tấn sứa thành phẩm, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng 15-20 lao động, thu nhập bình quân từ 6 - 10 triệu đồng/người/tháng. Không dừng lại ở đó, công ty của bà Sao hiện còn mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư sang lĩnh vực khác cũng cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Không chỉ có giáo dân Nguyễn Thị Sao làm kinh tế giỏi, ở Giáo xứ Lai Ổn còn có mô hình của giáo dân Phạm Văn Đam, chủ đại lý tiêu thụ nông sản cho nông dân, tạo việc làm cho 50 lao động với thu nhập bình quân từ 3-4 triệu đồng/người/tháng.

Ông Nguyễn Viết Minh- Chủ tịch UB MTTQ VN xã An Quý chia sẻ: Nhờ việc áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào lao động, sản xuất mà thu nhập của bà con giáo dân trên địa bàn tăng đáng kể, đời sống vật chất, tinh thần ngày một khấm khá. Hiện nay tỷ lệ hộ nghèo của Giáo xứ chỉ còn 2 hộ, số hộ khá và giàu tăng mạnh; 95% giáo dân có nhà kiên cố, 90% số hộ đã được sử dụng nước sạch.

Hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, các gia đình giáo dân tại giáo xứ Lai Ổn đã hiến hàng nghìn m2 đất, ủng hộ số tiền trên 100 triệu đồng và hàng trăm ngày công lao động để mở rộng đường giao thông, ngõ xóm; xây dựng khuôn viên thánh đường khang trang, sạch đẹp.

Đặc biệt, trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, Hội đồng mục vụ giáo xứ đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các giáo dân trên địa bàn chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh do Trung ương và tỉnh chỉ đạo.

tích cực hưởng ứng lời kêu gọi ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 do Trung ương và tỉnh phát động, đồng hành với chính quyền quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh.

Bài liên quan
  • Thái Bình:    Thành lập Khu Bảo tồn đất ngập nước huyện Thái Thụy
    (TN&MT) - Sở TN&MT tỉnh Thái Bình và Tổ công tác phối hợp và Nhóm tư vấn của Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam vừa báo cáo UBND tỉnh Thái Bình về phương án thành lập Khu Bảo tồn đất ngập nước huyện Thái Thụy. Vùng đất ngập nước ven biển huyện Thái Thụy hiện có 1.609 ha rừng ngập mặn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Nét đặc trưng Lễ hội thờ Thần nước vùng đất Tiền Bạt
Người dân vùng đất Tiền Bạt, phường Thạch Quý, thành phố Hà Tĩnh coi lễ hội ở Miếu Đôi rất quan trọng, có tác động không nhỏ đến sự an cư của làng. Bởi vậy, trong nghi lễ thờ thần nước, với quan niệm “đất có thổ công, sông có hà bá”, lễ cầu mưa là một trong những tín ngưỡng đặc trưng.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO