Già làng Giàng Vàng Ly giúp người dân thay đổi phong tục tập quán lạc hậu

Thanh Ngà | 30/07/2021, 14:11

(TN&MT) - “Với mong muốn người dân trong bản thay đổi phong tục, tập quán sinh hoạt lạc hậu, người dân biết làm kinh tế, trẻ con trong bản ai cũng biết cái chữ…”, đó là trăn trở của già làng Giàng Vàng Ly.

Môi trường sống được cải thiện

Để thực hiện mong muốn đó, hàng ngày già làng Giàng Vàng Ly thường xuyên vận động bà con trong bản thay đổi tập quán lạc hậu, nói để người dân hiểu không thả rông gia súc, chuồng trại chăn nuôi phải xa nhà giữ về sinh trong nhà, ngoài bản. Cùng với đó, giúp người dân trong bản biết làm kinh tế, con cái được đi học.

Trước đây cuộc sống của người dân ở bản Lao Chải, xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải rất khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, tập quán canh tác lạc hậu, quanh năm thiếu đói. Với mong muốn bà con bớt khổ, có của ăn của mặc, Già làng Giàng Vàng Ly đã vận động bà con trong bản thay đổi tập quán canh tác, trồng thêm cây vụ đông, áp dụng những tiến bộ kỹ thuật vào trong sản xuất.

Già làng Giàng Vàng Ly tích cực tuyên truyền vận động người dân chăn nuôi, phát triển kinh tế.

Cùng với đó, mở rộng chăn nuôi gia súc, chú trọng những loại giống bản địa cho giá trị kinh tế cao. Đặc biệt là không thả rông gia súc, xây dựng chuồng trại, trồng cỏ chủ động nguồn thức ăn trong chăn nuôi. Nhờ đó, cuộc sống của dân bản giờ đây đã khá hơn rất nhiều, không những đủ ăn đủ mặc mà còn no đủ, văn minh hơn trước. Nếu như trước đây gần 100% hộ dân trong bản là hộ nghèo thì nay cả bản chỉ còn 3 hộ nghèo.

Chị Giàng Thị Của - Bản Lao Chải, xã Lao Chải chia sẻ: Bác Ly hướng dẫn bà con chúng tôi trong bản trồng thêm lúa, thêm ngô, nuôi thêm lợn, thêm bò và trồng cây thảo quả. Giờ trong chuồng có nhiều lợn, gà lắm mình có tiền cho con ăn học, mua thêm nhiều đồ dùng trong nhà. Giờ dân bản khá lắm rồi, không còn khổ như trước nữa, ai ai cũng phấn khởi.

Nhiều hộ dân trong bản đã thoát được nghèo .

“Không những vậy người dân trong bản cũng không còn thả rông gia súc, gia cầm, chuồng trại chăn nuôi được dựng xa nhà để tránh ô nhiễm và hạn chế bệnh tật. Cùng với đó, người dân cũng có ý thức trong việc vệ sinh các tuyến đường tới bản”, Chị Giàng Thị Của vui vẻ nói.

Nằm cách xa trung tâm huyện Mù Cang Chải, trước đây để lên được tới bản Lao Chải phải đi qua đoạn đường dốc đá, gập ghềnh, về mùa mưa đi lại gặp rất nhiều khó khăn do trơn trượt, lầy lội. Vì vậy việc giao thương, đi lại học hành của bà con trong bản còn nhiều hạn chế.

Già làng Giàng Vàng Ly tuyên truyền vận động bà con thay đổi tập quán lạc hậu.

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đầu tư xây dựng đường bê tông, với uy tín của mình, già làng Giàng Vàng Ly đã vận động bà con trong bản tự nguyện hiến đất làm đường, bản thân gia đình ông cũng gương mẫu hiến một phần đất để mở rộng đường lên bản. Từ đó, bà con đều nghe theo, giờ đây tất cả các con đường lên bản Lao Chải đều được bê tông hóa, trẻ em đi học thuận tiện, các mặt hàng nông sản được vận chuyển giao thương dễ dàng.

Anh Trang A Phổng - Bản Lao Chải, xã Lao Chải phấn khởi nói: So với trước kia, bây giờ cả bản có đường bê tông xe máy đi rất tiện, trời mưa không sợ nữa.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm

Hơn 60 tuổi nhưng bước chân của ông Giàng Vàng Ly vẫn chưa ngơi nghỉ, ông luôn trăn trở kinh tế đã khá hơn rồi nhưng cuộc sống phải văn minh, tiến bộ hơn, ông đã vận động bà con trong bản dẫn xóa bỏ các hủ tục lạc hậu như tục thách cưới, tục ma chay không để người chết lâu ngày trong nhà, không buôn bán ma túy, không tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Bản Lao Chải có nhiều đổi thay, cảnh quan môi trường sạch đẹp hơn.

Tưởng chừng những hủ tục đã ăn sâu bén rễ trong tiềm thức của người dân nơi đây nhưng với sự kiên trì, nhiệt tình và sự mẫu mực của bản thân và gia đình, giờ đây bà con trong bản ai ai cũng nghe theo ông Giàng Vàng Ly. Sự đổi thay đã hiện hữu trên bản Lao Chải.

Anh Cứ A Vông - Trưởng bản Lao Chải, xã Lao Chải cho biết: Bác Ly là một già làng có uy tín, Bác đã tạo điều kiện, giúp đỡ vận động bà con nhân dân ở đây, nhờ đó cuộc sống của người dân có bước phát triển như: Vệ sinh môi trường, vận động người dân làm đường nông thôn và phát triển kinh tế…

Lao Chải là một trong các xã đặc biệt khó khăn của huyện Mù Cang Chải, với diện tích 15.800 ha, dân số hơn 9.000 người, trong đó người Mông chiếm 99,4%, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 46%. Thế nhưng, với sự đóng góp của những già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng như già làng Giàng Vàng Ly mà Lao Chải giờ đây đã có nhiều đổi thay.

Người dân có ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường tại các tuyến đường liên thôn, bản.

Đến nay, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xã Lao Chải đã đạt 10/19 tiêu chí, là một trong những xã đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới của huyện Mù Cang Chải. Xã đang phấn đấu xây dựng bản Lao Chải và bản Xéo Dì Hồ A đạt bản nông thôn mới.

Ông Giàng A Hù - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch UBND xã Lao Chải cho biết: Ông Giàng Vàng Ly cùng cấp ủy chính quyền đã tích cực tuyên truyền chủ trương chính sách pháp luật của nhà nước trong quá trình xây dựng nông thôn mới như: Làm đường nông thôn mới những chỗ khó ông là người kêu gọi người dân tu sửa, còn cái dễ một mình có thể làm được ông Ly cũng tự mình làm luôn. Từ đó, người dân thấy được sự nhiệt tình, gương mẫu của ông Ly nên người dân cũng nhiệt tình ủng hộ và làm theo.

Mù Cang Chải là địa phương dẫn đầu của tỉnh Yên Bái trong công tác giảm nghèo, trung bình mỗi năm giảm trên 8,6% tỷ lệ hộ nghèo, vượt so với mục tiêu tại Quyết định 1722/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020 về các huyện nghèo của cả nước giảm trung bình 4%/năm; đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 66,79% năm 2016 xuống còn 8,54% năm 2020. Năm 2021, huyện Mù Cang Chải tiếp tục phấn đấu giảm 7,11% tỷ lệ hộ nghèo, cao hơn so với chỉ tiêu tỉnh giao.

Trên địa bàn huyện Mù Cang Chải có trên 200 già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín trong cộng đồng. Thời gian qua, các già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín trong cộng đồng đã cùng với cấp ủy, chính quyền tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực hưởng ứng các cuộc vận động, thi đua lao động sản xuất, triển khai thực hiện các mô hình mới; thực hiện tốt công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình; ăn ở hợp vệ sinh; giữ gìn an ninh trật tự. Đây chính là tiền đề quan trọng để Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch, phấn đấu đến năm 2025 cơ bản không còn là huyện nghèo.

Bài liên quan
  • Yên Bái: Xây dựng nông thôn mới từ thôn, bản
    (TN&MT) - Để một xã vùng đặc biệt khó khăn đạt chuẩn nông thôn mới, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã xây dựng các thôn đạt chuẩn nông thôn mới để từ đó nhân rộng ra toàn xã. Nhờ đó, năm 2019 Trấn Yên đã trở thành huyện đầu tiên của tỉnh Yên Bái và khu vực Tây Bắc đạt chuẩn nông thôn mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Già làng, trưởng bản – Tuyên truyền viên về bảo vệ môi trường
(TN&MT) - Nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, nhất là tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, một trong những yếu tố quan trọng nhất là ý thức, sự chủ động vào cuộc, chung sức đồng lòng của bà con nhân dân. Trong hành trình ấy, già làng, trưởng bản chính là những hạt nhân uy tín, đi đầu, định hướng tuyên truyền để bà con hiểu, cùng nhau thực hiện các hoạt động ra quân bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu.
Đừng bỏ lỡ
  • Người có uy tín – Nhịp cầu chính sách đến với đồng bào dân tộc thiểu số
    (TN&MT) - Thân mật, nhẹ nhàng, trách nhiệm – Đó là cách mà các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Sơn La vận động đồng bào các dân tộc nghe theo Đảng, Bác Hồ, không nghe, không tin kẻ xấu, không di cư tự do, không vượt biên trái phép, không phá rừng làm nương, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO