Đại hội DTTS lần thứ II: Phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam

Tuyết Chinh - Việt Hùng| 02/12/2020 14:36

(TN&MT) - Đại đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược, vừa là nhiệm vụ lâu dài, vừa là nhiệm vụ cấp bách, là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và của cả hệ thống chính trị.

Bộ trưởng Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến (thứ hai từ trái sang) tham dự Đại hội DTTS tỉnh Yên Bái. Ảnh: baodantoc.vn

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Đỗ Văn Chiến, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Đại hội DTTS lần thứ II - năm 2020 cho biết, 10 năm qua (2010 - 2020), với quyết tâm thực hiện Quyết tâm thư của Đại hội Đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số (DTTS) Việt Nam lần thứ Nhất (2010), vùng đồng bào DTTS và miền núi đã có bước phát triển vượt bậc. Các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị đã ưu tiên nguồn lực, đầu tư phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở vùng DTTS và miền núi, nhất là địa bàn kinh tế - xã hội (KT-XH) đặc biệt khó khăn (ĐBKK).

Nhờ đó, bình quân hằng năm tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS, miền núi giảm 2 - 3%; các xã, thôn ĐBKK giảm 3 - 4%; các huyện nghèo giảm 4 - 5%, có nơi giảm trên 5%. Đặc biệt, địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đã thu hẹp một bước. Giai đoạn 2015 - 2019, đã có 22 huyện, 125 xã, 1.298 thôn thoát khỏi tình trạng ĐBKK; 98,4% xã có đường ô tô đến trung tâm huyện, 100% xã, 97,2% thôn có điện lưới quốc gia; vùng DTTS và miền núi đã có 1.052 xã (chiếm 22,29%) đạt chuẩn nông thôn mới... Những con số đó là minh chứng rõ nét nhất cho kết quả các mục tiêu đề ra tại Đại hội lần thứ nhất.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến, sự phát triển vùng DTTS và miền núi còn thể hiện dấu ấn đậm nét của lĩnh vực công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc. Trong đó, điểm nhấn có tính lịch sử là Bộ Chính trị đã chỉ đạo Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt Đề án Tổng thể (Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019) và chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020).

Đồng bào người Mông huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái giã bánh dày trong ngày hội Nông thôn mới ngày 2/12/2020. Ảnh: Thanh Ngà

“Đây là mốc son trong lịch sử công tác dân tộc, được cán bộ, đảng viên và đồng bào DTTS đón nhận như một luồng sinh khí mới, kỳ vọng sẽ tạo nên bước đột phá mới trong công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trong thời gian tới”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến khẳng định.

Đất nước đang bước vào vận hội mới, lĩnh vực công tác dân tộc đang có những cơ hội thuận lợi, đồng thời cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Để tiếp tục đưa công tác dân tộc lên tầm cao mới, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho rằng, cần kiên trì thực hiện các quan điểm, đường lối của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, XI, XII, XIII; Nghị quyết số 24-NQ/TW và Kết luận 65-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới.

Đồng thời, tiếp tục khẳng định Đại đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược, vừa là nhiệm vụ lâu dài, vừa là nhiệm vụ cấp bách, là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và của cả hệ thống chính trị. Trên cơ sở đó, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp về công tác dân tộc; xây dựng, củng cố toàn diện, đồng bộ và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở, phát triển nguồn nhân lực vùng DTTS và miền núi.

“Tiếp tục hoàn thiện xây dựng các chính sách phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi theo hướng toàn diện, bền vững; phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng, khơi dậy khát vọng vượt khó vươn lên của đồng bào DTTS. Tập trung cao độ thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”, Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.

Các nội dung chương trình chính của Đại hội:

Sáng 3/12: 100 đại biểu, gồm đủ 54 thành phần dân tộc sẽ tham dự Lễ dâng hương tại đền thờ các Vua Hùng tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng (Phú Thọ). Đoàn do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình làm Trưởng đoàn.

Cũng trong sáng 3/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng dẫn đầu đoàn dâng hương Đài Tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ trên đường Bắc Sơn (Hà Nội), vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, thăm nhà sàn Bác Hồ, thăm Phủ Chủ tịch (gồm toàn bộ đại biểu chính thức, trừ 100 đại biểu tham dự Lễ dâng hương tại Đền thờ các Vua Hùng tại Phú Thọ).

Chiều ngày 3/12: Phiên Đại hội trù bị sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (từ 14h00 -16h30). Từ 16h30 ngày 3/12, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gặp mặt đại biểu tiêu biểu của các đoàn (gồm 100 đại biểu, đủ đại diện của 54 dân tộc) do Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến làm Trưởng đoàn.

Ngày 4/12, Đại hội sẽ chính thức diễn ra từ 8h00 - 17h00. Tại Đại hội, Ban Tổ chức sẽ tôn vinh và biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong đồng bào các DTTS Việt Nam thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước giai đoạn 2010 - 2020.

Tối 4/12 sẽ diễn ra Chương trình nghệ thuật chúc mừng thành công Đại hội với chủ đề “Vững mãi niềm tin theo Đảng” tại Trung tâm Hội nghị quốc gia.

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại hội DTTS lần thứ II: Phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO