Công an tỉnh Gia Lai cảnh báo tình trạng lừa đảo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Ngọc Linh | 31/10/2021, 16:37

(TN&MT) - Ngày 31-10-2021, Công an tỉnh Gia Lai cho biết, từ năm 2020 đến nay, đơn vị đã tiến hành khởi tố 11 vụ, 27 bị can vì các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong việc cấp, chuyển nhượng, thế chấp quyền sử dụng đất.

Ảnh bị cáo Toan tại phiên tòa sơ thẩm

Đáng chú ý là, có 8 vụ xảy ra liên quan đến người dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn. Ngoài ra, Cơ quan cũng tiếp nhận, giải quyết 9 tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố của người đồng bào DTTS đối với các hành vi trên. Theo cơ quan Điều tra, các đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết về các quy định của pháp luật, về trình tự, thủ tục cấp, chuyển nhượng quyền sử dụng đất và vay vốn ngân hàng của một số hộ người DTTS nên đã nhận làm giúp giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa đỏ) hoặc giúp vay vốn ngân hàng với điều kiện đối tượng được đứng tên trên bìa đỏ để thuận tiện làm thủ tục, sau đó thế chấp vay tiền ngân hàng hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người khác để trục lợi.

Điển hình như vụ đối tượng Hà Thị Toan (SN 1980, trú tại tổ 10, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê) lừa chuyển tên 9 bìa đỏ của 2 hộ người đồng bào DTTS sang cho mình, sau đó thế chấp vay số tiền lớn tại các ngân hàng trên địa bàn tỉnh và chuyển nhượng cho người khác để cấn nợ. Người này mới đây đã bị Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai tuyên phạt 19 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hay như vụ đối tượng Trần Thị Kim Phú (SN 1975, trú tại làng Jút 2, xã Ia Đêr, huyện Ia Grai) đã tự ý đem 2 bìa đỏ của 2 hộ người đồng bào DTTS đang thế chấp cho Phú làm thủ tục chuyển nhượng sang cho người quen của mình, sau đó thế chấp vay tiền ngân hàng rồi không trả nợ.

Cá biệt, có vụ việc đối tượng dùng thủ đoạn hứa hẹn cho các hộ dân tiền, thay họ trả tiền lãi hàng tháng và tiền gốc khi họ đứng tên vay vốn Ngân hàng rồi chiếm đoạt tiền vay. Điển hình như vụ Phạm Thị Nga (SN 1963, trú thôn Kueng Đơn, xã Hbông, huyện Chư Sê) đã nhờ 15 hộ đứng tên vay vốn hơn 400 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Chư Sê. Với số tiền chiếm đoạt được, bà Nga đóng lãi hàng tháng cho Ngân hàng CSXH huyện Chư Sê, trả lãi các khoản vay tại Ngân hàng BIDV, Ngân hàng HDBank, đầu tư đa cấp và trả các khoản vay lãi suất cao bên ngoài dẫn đến mất khả năng trả nợ.

Nhiều người dân tộc thiểu số ở huyện Chư Sê bỗng dưng bị mất đất vì tin lời những kẻ lừa đảo

Để xảy ra tình trạng trên, theo cơ quan Công an, nguyên nhân là do các đối tượng lừa đảo hoạt động với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi trong khi người bị hại là những hộ dân  người đồng bào DTTS với hiểu biết pháp luật còn hạn chế, nhất là các quy định liên quan đến việc cấp, chuyển nhượng, thế chấp quyền sử dụng đất, các thủ tục vay vốn ngân hàng. Mặt khác, thời gian qua, một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức làm công tác quản lý, đăng ký đất đai, công chứng, chứng thực, thẩm định cho vay… còn sơ hở, thiếu trách nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Khi thực hiện chứng thực hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, các công chứng viên thuộc Văn phòng công chứng hoặc công chức địa chính, tư pháp tại UBND cấp xã mặc dù trong thời điểm công chứng không đầy đủ thành phần tham gia, không có người thông dịch trong những trường hợp theo quy định nhưng vẫn tiến hành chứng thực hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Không loại trừ khả năng các đối tượng phạm tội móc ngoặc với các cá nhân trên để công chứng, chứng thực các hợp đồng chuyển nhượng. Quá trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thực hiện đăng ký đất đai, một số cán bộ làm công tác quản lý, đăng ký đất đai thực hiện không đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật đất đai như không xác minh, kiểm tra nguồn gốc, hiện trạng, tranh chấp, thời điểm tạo lập tài sản, sự phù hợp quy hoạch; không thông báo niêm yết công khai kết quả kiểm tra hồ sơ… nhưng vẫn tham mưu cấp bìa đỏ. Quá trình làm thủ tục chỉnh lý, cập nhật biến động đất đai, chỉ kiểm tra về thành phần, cấu tạo hồ sơ, nội dung trên hợp đồng công chứng mà không xác định các điều kiện để được chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng theo Luật đất đai như xác định đất có tranh chấp; trong quy hoạch 3 loại rừng, đất trồng lúa, đất của người DTTS do Nhà nước giao theo chính sách hỗ trợ… Việc thẩm định hồ sơ vay vốn, một số cán bộ nhân viên Ngân hàng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy trình thẩm định tài sản thế chấp; chủ quan, tin tưởng vào giao dịch bảo đảm hoặc không kiểm tra thực tế nên duyệt hồ sơ cho vay cao hơn giá trị thực tế dẫn đến thiệt hại cho ngân hàng.

Nhiều người dân tộc thiểu số ở huyện Chư Sê bỗng dưng bị mất đất vì tin lời những kẻ lừa đảo

Điển hình trong vụ này là liên quan đến vụ án Lê Thị Toan, 4 cán bộ tại huyện Chư Sê bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo đó, đầu tháng 8-2019, Công an tỉnh Gia Lai ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Trần Văn Lam - Chánh Văn phòng UBND huyện Chư Sê; Trần Xuân Cảnh - Chủ tịch UBND xã Ia Ko, Lê Văn Toan - Cán bộ địa chính - xây dựng xã Ia Ko; Huỳnh Thị Phượng - Cán bộ Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Chư Sê để điều tra hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Các bị can trên bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì liên quan đến việc lừa đảo cho vay tiền để chiếm đất của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn năm 2014 - 2015 do Toan thực hiện. Quá trình điều tra, lực lượng Công an phát hiện 4 cán bộ trên có liên quan đến vụ án lừa đảo của bị can Toan. Theo đó, giai đoạn 2014 - 2015, ông Lam giữ chức vụ phó Phòng Tài nguyên - Môi trường, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Chư Sê, sau đó được bổ nhiệm làm Chánh Văn phòng UBND, HĐND huyện này.

Nhiều người dân tộc thiểu số ở huyện Chư Sê bỗng dưng bị mất đất vì tin lời những kẻ lừa đảo

Trước tình hình trên, để chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, xử lý tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trong việc cấp, chuyển nhượng, thế chấp quyền sử dụng đất, Công an tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo lực lượng Công an cơ sở thường xuyên nắm tình hình cơ sở, nhất trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, kịp thời nắm bắt, phát hiện, xử lý kịp thời các vụ việc phát sinh tại cơ sở; các đơn vị nghiệp vụ khẩn trương điều tra, xác minh điều tra làm rõ nhiều vụ việc để ngăn chặn kịp thời những vụ lừa đảo đối với người DTTS trên địa bàn; đẩy mạnh công tác phòng ngừa xã hội, phối hợp với các ban ngành thực hiện tốt công tác tuyên truyền phương thức, thủ đoạn có liên quan để người dân nêu cao tinh thần cảnh giác.

Bài liên quan
  • Nỗ lực “xóa khát” cho đồng bào dân tộc thiểu số
    (TN&MT) - Chương trình điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất để cung cấp nước sinh hoạt ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã góp phần cung cấp nước sinh hoạt, tạo điều kiện nâng cao đời sống nhân dân, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong nỗ lực “xóa khát” đó có dấu ấn lớn của ngành Tài nguyên và Môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Bá Thước (Thanh Hóa): Nhiều điển hình sản xuất kinh doanh giỏi
Trong những năm qua, nhờ có nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế ở các huyện miền Núi, vùng sâu, vùng xa đã có nhiều khởi sắc. Đặc biệt, chỉ trong 2 năm 2021- 2023, huyện Bá Thước có 5 tập thể và 21 cá nhân được Chủ tịch UBND huyện tặng Giấy khen đạt thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi cấp huyện, 30 cá nhân và 4 tập thể được Hội Nông dân khen thưởng.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO