Cơ sở dữ liệu liên ngành về ĐBSCL: Đảm bảo hiện đại, kết nối cao

X.Hợp| 08/10/2019 14:12

(TN&MT) - Việt Nam hướng đến xây dựng khung cơ sở dữ liệu liên ngành vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có tính hệ thống, tính liên ngành đa lĩnh vực, tính liên kết giữa cơ sở dữ liệu được xây dựng quản lý, cập nhật bởi các cơ quan Trung ương, địa phương.Đây là thông tin tại cuộc họp về việc xây dựng Đề án “Xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu liên ngành về đồng bằng sông Cửu Long phục vụ phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu”, do Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên đã chủ trì, vào sáng ngày 8/1

TT Kien
Thứ trưởng Trần Quý Kiên (ngoài cùng bên phải) phát biểu chỉ đạo

Báo cáo về dự thảo Đề án, đại diện Cục CNTTDL TN&MT cho biết, Đề án nhằm triển khai nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.
Hệ thống cơ sở dữ liệu liên ngành vùng ĐBSCL sẽ được xây dựng trên cơ sở tổng hợp cơ sở dữ liệu vĩ mô cấp vùng của các Bộ, ngành tại Trung ương, cơ sở dữ liệu chi tiết của các địa phương và dữ liệu các tổ chức trong nước và quốc tế. Đây là nguồn thông tin đầu vào quan trọng cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng đồng bằng sông Cửu Long và của từng địa phương trong Vùng; tăng cường năng lực cạnh tranh trong điều kiện hội nhập quốc tế; nâng cao sinh kế, tạo việc làm mới, tăng thu nhập, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và bảo vệ môi trường sinh thái.

Cuc CNTT
Đại diện Cục CNTTDL TN&MT báo cáo về việc xây dựng Đề án

Trong đó, nội dung thông tin, dữ liệu được tổ chức theo các nhóm lớp bao gồm: Hạ tầng không gian địa lý (nền địa lý, viễn thám);  Nhóm dữ liệu về tài nguyên và môi trường; Nhóm dữ liệu về kinh tế - xã hội; Nhóm dữ liệu về quy hoạch và cơ chế chính sách; Nhóm dữ liệu về thống kê báo cáo và dự báo thiên tai; Nhóm dữ liệu về biến đổi khí hậu; Nhóm dữ liệu về mô hình sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu...
Với các nhóm/lớp dữ liệu này, Đề án sẽ tạo lập các kênh cung cấp thông tin dữ liệu, các dữ liệu giá trị gia tăng, các bản tin, báo cáo, các dịch vụ dữ liệu, các sản phẩm tri thức… một cách thuận tiện, nhanh chóng, chính xác đáp ứng nhu cầu khai thác của các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân, người dân, doanh nghiệp.
Theo đại diện Cục CNTTDL TN&MT: Mục tiêu cuả Đề án là xây dựng được khung cơ sở dữ liệu liên ngành vùng Đồng bằng sông Cửu Long có tính hệ thống, tính liên ngành đa lĩnh vực, có tính liên kết giữa cơ sở dữ liệu được xây dựng quản lý, cập nhật bởi các cơ quan Trung ương, địa phương, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, Ủy hội sông Mê Công quốc tế và các tổ chức có liên quan khác. Đồng thời, chúng ta cũng đưa vào vận hành Trung tâm tích hợp dữ liệu vùng đồng bằng sông Cửu Long.
“Đề án này sẽ tạo lập hạ tầng thông tin, dữ liệu và hạ tầng tri thức bảo đảm triển khai Chính phủ điện tử/Chính quyền điện tử hướng tới Chính phủ điện tử số, nền kinh tế số vùng đồng bằng sông Cửu Long”, đại diện đơn vị soạn thảo nhấn mạnh.

Góp ý vào dự thảo Đề án, lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Khoa học và Công nghệ, Văn phòng Bộ đề xuất, đề án cần làm rõ hơn nữa căn cứ pháp lý, mối quan hệ giữa các dữ liệu đã có trước đây khi tích hợp vào Đề án này, đồng thời sắp xếp xây dựng các nhóm dữ liệu lấy TN&MT là trọng tâm... 
Cục CNTTDL TN&MT cho biết, trước khi cuộc họp diễn ra, Bộ TN&MT đã nhận được góp ý từ Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, đồng thời tiếp thu, giải trình nội dung về hiện trạng thông tin, dữ liệu vùng đồng bằng sông Cửu Long, mối liên quan giữa hệ thống cơ sở dữ liệu liên ngành với các hệ thống đã, đang xây dựng, đưa ra cấu trúc dữ liệu của hệ thống cơ sở dữ liệu liên ngành…

Toan canh
Toàn cảnh cuộc họp

Đánh giá cao việc xây dựng đề án của Cục CNTTDL TN&MT, Thứ trưởng Trần Quý Kiên nhấn mạnh, Đề án có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng đối với việc phát triển bền vững ĐBSCL theo Nghị quyết 120 của Chính phủ. Do đó, cơ sở dữ liệu liên ngành về ĐBSCL phải được tiếp cận đa ngành, đa lĩnh vực để xử lý đồng bộ, tổng thể với một tầm nhìn dài hạn với sự phối hơp tham gia của tất cả các ngành kỹ thuật, kinh tế - xã hội bằng những công cụ hiện đại, mang tính kết nối cao phục vụ quản lý, điều hành để giải quyết và ứng phó kịp thời với sự tác động của biến đổi khí hậu mang tính liên vùng, liên khu vực và quốc tế.
Việc này cũng phục vụ đắc lực cho xây dựng, triển khai, phát triển Chính phủ điện tử/Chính quyền điện tử; cung cấp hạ tầng dữ liệu cho tỉnh, đô thị thông minh, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; tạo điều kiện việc triển khai Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Vì vậy, Thứ trưởng yêu cầu, Cục CNTTDL TN&MT tiếp thu ý kiến góp ý của các đơn vị liên quan, nhanh chóng sửa đổi, hoàn thiện Đề án để trình lãnh đạo Bộ trong tháng 10 này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ sở dữ liệu liên ngành về ĐBSCL: Đảm bảo hiện đại, kết nối cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO