Biến đổi khí hậu

Cơ hội và thách thức phát triển thị trường việc làm xanh

Minh Hạnh - Ảnh: Khánh Ly 20/09/2023 - 15:40

(TN&MT) - Chuyển dịch năng lượng là quá trình phức tạp nhưng sẽ mang đến nhiều cơ hội lớn hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Đây là nhận định của TS. Guido Hildner, Đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam, tại Hội thảo “Chuyển dịch năng lượng công bằng = Cơ hội cho thị trường lao động Việt Nam? Góc nhìn của Đức và Việt Nam về nhu cầu lao động và kỹ năng”, diễn ra ngày 20/9 tại Hà Nội. Hội thảo nhằm phân tích và đánh giá tác động của quá trình chuyển dịch năng lượng tới sự phát triển kinh tế, cũng như thị trường lao động của Việt Nam

379833842_702806758558920_303402155362401308_n.jpg
TS. Guido Hildner, Đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Đại sứ Guido Hildner đánh giá cao mục tiêu trung hoà carbon vào năm 2050 và cam kết chuyển dịch năng lượng công bằng của Việt Nam. Các mục tiêu này là chất xúc tác mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy xu hướng việc làm chất lượng cao và phát triển các kỹ năng công việc mới.

Đại sứ nhấn mạnh, sự hợp tác giữa các quốc gia đóng vai trò vô cùng quan trọng, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch năng lượng trên toàn thế giới, hướng tới hiện thực hóa các mục tiêu khí hậu nói chung. Đồng thời, Đại sứ khẳng định CHLB Đức và Việt Nam là những đối tác mạnh mẽ để thúc đẩy chuyển dịch năng lượng công bằng ở Việt Nam và trên toàn cầu; CHLB Đức sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong chuyển dịch năng lượng công bằng đựa trên những kinh nghiệm đã có.

Đồng tình với ý kiến này, ông Tạ Đình Thi – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội – cho rằng, chuyển dịch năng lượng, với mục tiêu tìm kiếm các nguồn năng lượng xanh, sạch thay thế cho các nguồn năng lượng truyền thống, sẽ tạo ra cơ hội mới nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu theo hướng bền vững, công bằng hơn. Đồng thời, quá trình này cũng sẽ góp phần giảm thiểu tác động xấu, tiêu cực của biến đổi khí hậu cũng như môi trường, qua đó nâng cao chất lượng cuộc sống cho con người.

anh-2(1).jpg
Ông Tạ Đình Thi – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội phát biểu tại Hội thảo

Dựa trên các cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị các bên tham gia Công ước Liên hợp quốc về chống biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy chuyển dịch năng lượng thông qua việc xây dựng và ban hành khuôn khổ chiến lược và chính sách mới có liên quan để hiện thực hoá các mục tiêu khí hậu.

Bà Nguyễn Thị Hà - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - cho biết do đặc điểm về vị trí địa lý, Việt Nam là một trong những quốc chịu tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu, đứng thứ 5 về chỉ số rủi ro khí hậu toàn cầu năm 2018 và thứ 8 về chỉ số rủi ro khí hậu dài hạn. Đặc điểm này đang đặt ra những thách thức không nhỏ đối với việc thực hiện mục tiêu phát triển của Việt Nam trở thành nước công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào 2030 và là nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2050.

379850415_702806725225590_6647374216999105620_n.jpg
Bà Nguyễn Thị Hà - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hia sẻ về việc triển khai các giải pháp thúc đẩy việc làm và kỹ năng gắn với chuyển dịch năng lượng

Với vai trò là một trong những thành viên tham gia triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), trong thời gian tới, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng tới xây dựng kế hoạch triển khai và đưa ra các giải pháp nằm thúc đẩy việc làm và phát triển kỹ năng gắn với dịch chuyển năng lượng như: Tạo thêm cơ hội việc làm thông qua hoàn thiện cơ chế, chính sách về phát triển các ngành, phát triển các chuỗi giá trị liên quan đến dịch chuyển năng lượng; xây dựng các tiêu chuẩn nghề liên quan đến các ngành, nghề năng lượng tái tạo và thúc đẩy, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực cho việc chuyển đổi năng lượng…

Về tác động của chuyển dịch năng lượng, TS. Makus Janser, đến từ Viện nghiên cứu việc làm Đức nhấn mạnh, chuyển dịch năng lượng đã kích hoạt xu hướng chuyển động trên thị trường lao động và cơ cấu thị trường lao động. Một mặt, quá trình này thúc đẩy tạo ra việc làm mới. Mặt khác, chuyển dịch năng lượng cũng dẫn đến sự xoá bỏ đối với việc làm cũ. Nhìn chung, đây là tác động mang tính tích cực nhưng cũng tồn tại những thách thức liên quan tới trình độ, tay nghề người lao động.

379864473_702806828558913_2688000356486611132_n.jpg
Phiên thảo luận chung của các chuyên gia

Theo ông Makus. Jancer, chuyển dịch năng lượng tạo ra cơ hội quan trọng giúp người lao động phát triển mọi trình độ kỹ năng, dù là học sinh, sinh viên, lao động trong lĩnh vực năng lượng hóa thạch hay người thay đổi nghề nghiệp. Thông qua các hoạt động đào tạo kỹ năng, người lao động có thể làm quen với việc làm mới, đặc biệt lao động nữ sẽ nhận được các cơ hội việc làm công bằng hơn.

Dựa trên những kinh nghiệm đã có, chuyên gia Đức nhận định cần thúc đẩy quá trình xanh hoá, thay đổi chương trình giảng dạy trong chương trình đào tạo dựa trên các chính sách về khí hậu; hỗ trợ đào tạo kỹ năng, tập trung vào các ngành nhiên liệu hoá thạch; hỗ trợ các công ty tham gia chuyển đổi xanh như mô hình xanh, đào tạo nhân viên; hỗ trợ công ty khởi nghiệp xanh, giúp họ tìm được công nhân lành nghề. Đặc biệt, cần có các hoạt động đào tạo ngay từ trường học về các kỹ năng cơ bản trong chuyển dịch xanh và giao tiếp hệ thống.

379857096_702806641892265_2850177315393665987_n.jpg
Gần 500 đại biểu tham gia trực tiếp và trực tuyến

Cũng tại Hội thảo, đại diện doanh nghiệp, các chuyên gia nước ngoài khác đã chia sẻ về kinh nghiệm và nghiên cứu về tác động giữa chuyển dịch năng lượng với thị trường việc làm xanh, bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ hội và thách thức phát triển thị trường việc làm xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO