Tham dự tại Hội nghị có Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành, đại diện Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT, các Đại sứ quán, các Đối tác phát triển, các định chế tài chính.
Cuộc họp nhằm cập nhật với các Đại sứ quán, các Đối tác phát triển, các định chế tài chính các thông tin về nỗ lực Việt Nam đã và đang thực hiện để triển khai thực hiện cam kết COP26; những ưu tiên của Việt Nam triển khai thực hiện trong thời gian tới nhằm mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” và chuyển đổi năng lượng; thảo luận về phương thức hợp tác giữa Việt Nam và các đối tác phát triển trong thời gian tới, để hỗ trợ Việt Nam đạt phát thải ròng bằng “0” và chuyển đổi năng lượng. Thông tin trao đổi, thảo luận tại Cuộc họp nhằm giúp chuẩn bị tốt cho Hội nghị đối thoại hợp tác triển khai thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” và chuyển đổi năng lượng sẽ do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, dự kiến được tổ chức vào cuối tháng 9/2022.
Thông tin tới Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cập nhật các nỗ lực của Việt Nam đã triển khai sau thời gian 10 tháng kể từ khi Hội nghị COP26 kết thúc: Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo và thành lập ngay Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26; đã phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai thực hiện kết quả Hội nghị COP26, Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050, Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030, Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải, Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và nhiều văn bản quan trọng khác để thực hiện các cam kết tại COP26…
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” và chuyển đổi năng lượng như mong muốn, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, đây không thể là công việc, nhiệm vụ của một quốc gia, tổ chức mà phải là tập hợp của các quốc gia trên thế giới cùng đi chung trên một con đường với mục tiêu thống nhất, đồng bộ. Do đó, Việt Nam nói riêng và các nước đang phát triển mong muốn cùng với các đối tác phát triển thiết lập một cơ chế hợp tác chung để cùng nhau thực hiện các mục tiêu chung về BĐKH.
Để chuẩn bị tốt cho Hội nghị đối thoại hợp tác triển khai thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” và chuyển đổi năng lượng do Thủ tướng Chính phủ chủ trì sắp tới đây, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị các đối tác quốc tế chia sẻ, cho ý kiến đối với các nội dung hợp tác cụ thể của các đối tác dự kiến hợp tác với Việt Nam nhằm hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” và chuyển đổi năng lượng; đưa ra các sáng kiến của các Đối tác phát triển để thực hiện cam kết theo kỳ vọng của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, đề xuất các khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, kiến nghị Chính phủ Việt Nam để tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tác hỗ trợ Việt Nam đạt được các cam kết tại COP26.
Phát biểu tại Cuộc họp, các đại biểu đánh giá cao sự chuẩn bị kỹ lưỡng của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho Cuộc họp, cảm ơn Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã cập nhật những nỗ lực của Việt Nam triển khai thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COP26 trong thời gian 10 tháng qua, đa phần các đối tác quốc tế bày tỏ mong muốn hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” và chuyển đổi năng lượng. Bên cạnh đó, các đối tác cũng nhấn mạnh Việt Nam cần có xây dựng chính sách cụ thể, cần nâng cao đào tạo trong khoa học và công nghệ.
Ông Pier Giorgio Aliberti, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh Châu Âu cho biết, lĩnh vực năng lượng là chìa khóa để đạt được mức phát thải ròng bằng “0” và JETP là tiềm năng để thu hút tài chính. Có thể sử dụng mô hình “Nhóm đối tác năng lượng Việt Nam” (VEPG) như hiện nay để tăng cường sự phối hợp. Tuy nhiên, cần có cải cách mạnh mẽ về các chính sách trong lĩnh vực năng lượng trong đó, cần đảm bảo tính công bằng và bao hàm cả người tiêu dùng, người lao động toàn xã hội.
Đại sứ Vương quốc Liên Hiệp Anh và Bắc Ireland nêu bật những thách thức cho việc thực hiện phát thải ròng bằng “0” kể từ sau Hội nghị COP26, trong đó, có việc đảm bảo an ninh năng lượng. Ông cho rằng, việc tham gia đàm phán JETP là bước khỏi đầu tốt cho Việt Nam. Cần có những chính sách hỗ trợ thích đáng để khuyến khích khối doanh nghiệp tư nhân tìm kiếm các nguồn tài chính để cải tổ doanh nghiệp theo hướng xanh, hiện đại.
Bà Amal Abdel, Đại sứ Ai Cập cho rằng, để đạt được các cam kết về phát thải ròng bằng “0”, các hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế là rất quan trọng, đặc biệt là về tài chính. Bên cạnh đó, cần có giám sát chặt chẽ quá trình chuyển đổi.
Ngài đại sứ Canada Shawn Steil cho rằng, để thúc đẩy chuyển đổi xanh, Việt Nam cần có các chính sách môi trường phù hợp. Bên cạnh đó, cần đào tạo ra nguồn nhân lực không những giỏi về công nghệ mà còn cần các kỹ năng mềm phù hợp. Về điều phối, cần được dẫn dắt theo các nhóm chủ đề, các chương trình, dựa trên cơ sở đó, sẽ đề ra các cơ quan đầu mối phù hợp.
Đại diện Ngân hàng Thế giới cho rằng, theo báo cáo CCDR, thách thức của khủng hoảng khí hậu tại các nước đang phát triển cho thấy, chi phí cho các hoạt động thích ứng gấp 2 lần chi phí cho các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính. Đặc biệt, lĩnh vực năng lượng đánh đổi khả năng thực hiện cần có kế hoạch triển khai rõ ràng.
Đại diện USAID cho rằng, tại cuộc Hội nghị đối thoại với Thủ tướng Chính phủ cần tập trung vào vấn đề tài chính khí hậu.
Ông Daryl Jame Dong, Phó Giám đốc Công ty Tài chính quốc tế nhấn mạnh, Chứng chỉ xanh toàn cầu là giấy thông hành quan trọng để Việt Nam tiếp cận nguồn tài chính xanh. Cần có môi trường thuận lợi, các chính sách phù hợp để thúc đẩy các tác động tốt và bền vững. Tài trợ xanh là điểm mạnh của IFC.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cảm ơn các ý kiến của các đối tác đã truyền năng lượng và cảm hứng mạnh mẽ, các ý kiến toàn diện, sâu sắc, cụ thể với vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu. Thông qua những ý kiến, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đưa ra các nhóm vấn đề để các bên tiếp tục thảo luận, nhằm chuẩn bị thật tốt cho Hội nghị đối thoại hợp tác triển khai thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” và chuyển đổi năng lượng sẽ do Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì sắp tới đây.
Cụ thể, về vấn đề về giảm phát thải khí nhà kính, để đạt được mục tiêu giảm giảm phát thải khí nhà kính, vấn đề chuyển đổi năng lượng là chủ đề mọi người quan tâm. Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) không chỉ là nội dung giữa Việt Nam và các nước G7 mà các nước cùng tham gia trao đổi, cùng thực hiện. Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, để thực hiện được chúng ta phải nhìn một cách đa chiều, không chỉ là an ninh năng lượng, cần đảm bảo chuyển đổi bao trùm, chuyển đổi được kinh tế, sinh kế của người dân (vấn đề xã hội), chuyển đổi năng lực quản trị. Cần xác định đây là một chủ đề quan trọng, xuất phát từ thể thế, chính sách, tài chính, quản trị.
Về vấn đề nghiên cứu khoa học công nghệ, đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực: cần bổ sung kiến thức, nguồn lực, quản trị gắn với đổi mới chính sách và thể chế. Thể chế để chuyển đổi mô hình sang nền kinh tế tuần hoàn, nền kinh tế các-bon thấp, tài chính xanh. Đây là vấn đề bao trùm, việc cụ thể hóa bằng thể chế chính sách để toàn xã hội cùng thực hiện. Thể chế phải đi đầu, mang tính chất quyết định có thành công không, cần tập trung vào vấn đề cốt lõi là con người, vì con người, tính đến hiệu quả kinh tế và bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau.
Về vấn đề về thích ứng với biến đổi khí hậu, Bộ trưởng cho biết, người dân Việt Nam hàng ngày chịu tác động của biến đổi khí hậu, nói về thích ứng không chỉ nói đến giải pháp cụ thể như đê, kè mà là vấn đề phục hồi hệ sinh thái tự nhiên, thích ứng phục hồi rừng ngập mặn, hướng tới kinh tế dựa vào phát triển và phục hồi tự nhiên.
Về vấn đề về tài chính khí hậu, đây là vấn đề được tính toán minh bạch, khoa học và rõ ràng. Cần đưa ra các công cụ định hướng lựa chọn các dự án đầu tư tốt nhất mang lại hiểu quả kinh tế, xã hội và môi trường; cần xác định cơ chế tài chính phù hợp như cung cấp tài chính trực tiếp cho tư nhân do định chế tài chính đánh giá và đầu tư hay chuyển dần từ đầu tư công sang tư nhân; dùng nguồn lực hỗ trợ của các đối tác phát triển (100 tỷ một năm) hay lựa chọn các khoản vay để vượt qua giai đoạn đầu; bổ sung nguồn lực thông qua thị trường các-bon; hoặc huy động nguồn lực thông qua JETP…
Về vấn đề điều phối, Bộ trưởng cho biết, khoa học công nghệ là trung tâm quyết định, Việt Nam cần gì về công nghệ để chuyển toàn bộ nền kinh tế sang xanh, công nghệ thu giữ và lưu trữ các-bon, hydrogen xanh, amoniac…. Chúng ta cần thảo luận để đưa ra một cơ chế, làm sao có cơ chế để chia sẻ công bằng. Chương trình Hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC) được vận hành trong thời gian từ năm 2009-2020 có thể là một mô hình tốt để đề xuất cơ chế điều phối phù hợp. Bộ trưởng cũng bày tỏ mong muốn các đối tác có cơ chế/tổ chức điều phối để thảo luận các vấn đề nêu trên.
Tại cuộc họp này, với nhu cầu của Việt Nam và dự kiến tham gia của các đối tác, Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn các đối tác phát triển xem xét lựa chọn sẽ hỗ trợ Việt Nam thực hiện nhóm nhiệm vụ gì; đưa ra các sáng kiến tại. Hội nghị đối thoại hợp tác triển khai thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” và chuyển đổi năng lượng sẽ do Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì, dự kiến được tổ chức vào cuối tháng 9 năm nay.