Chàng thanh niên khởi nghiệp với Slogan “Lan tỏa nếp sống xanh”
Với Slogan “Lan tỏa nếp sống xanh”, mong muốn đưa những sản phẩm được sản xuất từ nguồn nguyên liệu địa phương, thân thiện với môi trường tới người tiêu dùng. Chàng thanh niên Trịnh Đình Toàn đã khởi nghiệp từ những ý tưởng táo bạo, bước đầu đã có những thành công nhất định từ các sản phẩm tre luồng, để thấy được con đường anh đi dù chông gai nhưng đã có hiệu quả.
Khởi nghiệp lần thứ nhất thất bại
Sinh ra trong một gia đình thuần nông, ở đất lúa xã Thăng Thọ, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Bố mẹ quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” vẫn chưa thể thoát nghèo”. Tuổi mới ngoài đôi mươi, chàng thanh niên ấy, rời xa quê hương, gia đình vào Thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai khởi nghiệp với vài chục triệu bố mẹ dành dụm bao năm lam lũ. Nhen nhóm ý tưởng sản xuất những sản phẩm từ nguồn nguyên liệu tự nhiên, thân thiện với môi trường, Anh Toàn nghĩ tới các sản phẩm làm từ tre luồng, vì đây là nguồn nguyên liệu sẵn có ở xứ Thanh nơi anh sinh ra.
Ban đầu, anh thành lập một cơ sở nhỏ, nhập nguyên liệu luồng về sản xuất ống hút và cốc uống nước. Xa quê hương, nguồn vốn ít ỏi có những lúc tưởng chừng như gục ngã. Vừa sản xuất vừa tìm đầu ra cho sản phẩm.
Theo anh Toàn, những năm 2015-2016 nói tới ống hút tre và sản phẩm như cốc uống nước, hộp bút, đồng hồ… làm từ tre người dân vẫn còn lạ lẫm và chưa tin dùng. Một là vì tư tưởng sử dụng nhựa dùng một lần giá thành vừa rẻ, lại không cần tái sử dụng, nhanh gọn. Nên ban đầu việc tìm đầu ra cho các sản phẩm gặp vô vàn khó khăn.
Hàng ngày Anh đều mày mò lên các trang mạng xã hội quảng bá sản phẩm, vào các hội nhóm tre luồng giới thiệu về tính thân thiện với môi trường và lợi ích đối với sức khỏe khi sử dụng những vật dụng có nguồn gốc từ thiên nhiên. Và rồi những đơn hàng đầu tiên tới, Anh hồ hởi tuyển công nhân, mua thêm máy móc phát triển sản xuất.
Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, cơn bão đại dịch COVID -19 ập tới, khiến sản xuất ngưng trệ, không có đơn hàng, Anh buộc phải cho công nhân nghỉ việc, thanh lý máy móc, trở về quê hương, mà theo Anh Toàn đúng nghĩa với việc phá sản.
Và thành công với sản phẩm OCOP 3 sao
Về gần gia đình, sau một thời gian ổn định tâm lý, với sự động viên từ gia đình, lại nhìn thấy lợi thế khi gần vùng nguyên liệu, chi phí cho sản xuất đã giảm đi đáng kể. Anh lại mạnh dạn vay vốn, tiếp tục khởi nghiệp lần thứ 2. Với lợi thế không phải thuê đất để xây dựng nhà xưởng, mà sử dụng luôn đất của gia đình, nguồn lao động tại địa phương lại rất dồi dào đã tạo thêm động lực để anh phấn đấu.
Sau 6 năm về quê khởi nghiệp, hiện tại HTX tre Thăng Thọ do anh Trịnh Đình Toàn làm giám đốc đã có các sản phẩm rất đa dạng như: bình giữ nhiệt, hộp trà, hộp đựng thuốc lào, đồng hồ, bút, khay đựng bánh kẹo… Trong đó ống hút tre đã đạt chất lượng OCOP 3 sao vào năm 2022, đây là sản phẩm thân thiện với môi trường, có thể tái sử dụng nhiều lần.
Doanh thu năm 2023 của HTX tre Thăng Thọ là hơn 2,5 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 15 lao động địa phương và nhiều lao động thời vụ khi có các đơn hàng lớn.
Anh Trịnh Đình Toàn chia sẻ: Ống hút tre là sản phẩm thân thiện với môi trường, chỉ mất từ 3-6 tháng là đã phân hủy hoàn toàn. Trong khi đó ống hút nhựa phải mất tới 200 năm để có thể phân hủy, ngoài ra khi sử dụng có nhiều tác hại tới sức khỏe. Vì vậy các sản phẩm của HTX tre Thăng Thọ đều hướng tới tính thân thiện với môi trường, an toàn với sức khỏe của người tiêu dùng, tái sử dụng được nhiều lần nên rất tiết kiệm.
Trong thời gian tới, HTX định hướng đưa sản phẩm bình giữ nhiệt bằng tre trở thành sản phẩm OCOP thứ 2. Hiện tại HTX tre Thăng Thọ có hai gian hàng trưng bày và bán sản phẩm cố định ở phố cổ Hoa Lư. Hàng năm anh Toàn tham gia hàng chục hội chợ, triển lãm ở khắp cả nước; với mục đích chính là quảng bá sản phẩm quê hương.
“Tre luồng được biết tới là cây thoát nghèo của người dân ở các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên chủ yếu là sản xuất vàng mã, bột giấy. Để nâng tầm vị thế cây luồng xứ Thanh, những vật dụng thành phẩm như ống hút, cốc uống nước, đồ lưu niệm… có giá trị kinh tế rất cao. Để người dân cả nước biết tới xứ Thanh không chỉ là thủ phủ tre luồng, mà còn có những sản phẩm độc đáo, vừa có tính thẩm mỹ và ứng dụng cao trong sinh hoạt hàng ngày” – A Toàn chia sẻ.
Đáp ứng nhu cầu của khách hàng, các sản phẩm của HTX tre Thăng Thọ được vẽ thủ công tinh tế, tính thẩm mỹ cao khi được đặt hàng. Người họa sĩ đã thổi hồn vào từng sản phẩm tre luồng với những bức tranh bích họa về đồng quê, con người cảnh vật hết sức sống động.
Trong thời gian tới, anh Toàn định hướng mở rộng làm thêm đồ dùng nhà bếp, đồ dao dĩa cũng bằng tre để xuất khẩu sang các nước Châu Âu và Nhật Bản. Đó cũng là mục tiêu mở rộng sản xuất, đa dạng các sản phẩm của HTX và tăng thu nhập, tạo được nhiều việc làm hơn nữa cho người dân địa phương.
Những thành công bước đầu của Anh Toàn đã minh chứng cho việc dám nghĩ, dám làm và theo đuổi đam mê tới cùng. Anh Toàn tin tưởng trong tương lai gần những sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên, thân thiện với môi trường và an toàn cho người sử dụng sẽ chiếm lĩnh thị trường, tạo được bứt phá trong phát triển sản xuất.