Đồng thời, việc lựa chọn nhiều hình thức canh tác kết hợp với các tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng góp phần bảo tồn độ phì của đất, tiết kiệm nước, năng lượng và sức lao động, từ đó mang lại nhiều lợi ích không chỉ cho người nông dân mà cho cả xã hội. Một trong những giải pháp mang tính bền vững có thể kể đến là cây trồng công nghệ sinh học (GMO).
Nền nông nghiệp đối diện nhiều thách thức
Dựa vào tính toán của Liên Hiệp Quốc, dân số toàn cầu sẽ đạt mốc 9,8 tỉ người vào năm 2050, tăng 2,3 tỉ. Để 2,3 tỉ người này không rơi vào cảnh “đói lương thực”, năng lực sản xuất lương thực nông nghiệp thế giới cần có những bước tiến vượt trội. Bên cạnh mối đe dọa an ninh lương thực, người nông dân còn đối mặt với nhiều gánh nặng và rủi ro khi canh tác, như phải chịu sự bấp bênh về giá, đối mặt với khí hậu thất thường, hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn hay côn trùng thích nghi biến đổi khí hậu có khả năng phá hoại mùa màng.
Theo dự đoán, trong vòng 5 - 10 năm tới, sẽ có khoảng 590.000 héc-ta đất canh tác trên thế giới sẽ bị mất đi do biến đổi khí hậu. Trong khi đó, nhu cầu lúa gạo toàn cầu sẽ tăng gấp đôi sản lượng hiện có và Việt Nam, một trong những quốc gia sản xuất lúa gạo lớn nhất trên thế giới, chắc chắn sẽ chịu nhiều hậu quả nặng nề về lương thực, cây trồng nếu không có những ứng phó từ sớm. Điển hình ở Việt Nam vào năm 2016, khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long – trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của đất nước đã chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của hạn hán, sụt lún đất và xâm nhập ngập mặn. Người nông dân Việt Nam thực sự cần những giải pháp nông nghiệp công nghệ cao để có thể đảm bảo điều kiện canh tác và sản xuất ra lúa gạo chất lượng cao đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Ông Ba Trung, một nhà nông trồng bưởi có vườn cỡ lớn ở Bến Tre cho biết: “Với nông dân chúng tôi, dịch bệnh và thời tiết bất thường không chỉ để lại thiệt hại kinh tế nặng nề, mà còn ảnh hưởng chất lượng mùa vụ tiếp theo. Vì thế, chúng tôi cần có sự đa dạng trong phương thức canh tác để có thể lựa chọn giải pháp phù hợp giúp cây trồng khỏe mạnh, có thể kháng sâu bệnh, chịu được sự khắc nghiệt của thời tiết, từ đó nông dân chúng tôi không bị thiệt hại hoặc phải ứng phó quá vất vả để cứu vườn cây của mình.”
Công nghệ sinh học trong nông nghiệp – Thêm lựa chọn cho nông dân trong quá trình canh tác
Có nhiều sự lựa chọn cho người nông dân từ canh tác hữu cơ, canh tác truyền thống đến canh tác áp dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp (GMO). Người nông dân cũng có thể gieo trồng kết hợp cả 3 phương thức này trên cùng một diện tích đất mà vẫn đem lại hiệu quả năng suất cao.
Nhiều bằng chứng khoa học thuyết phục cho thấy không có sự khác biệt đáng kể giữa cây trồng hữu cơ, cây trồng áp dụng công nghệ sinh học và cây trồng được canh tác theo phương pháp truyền thống về mặt mùi vị, dinh dưỡng và sự an toàn. Bên cạnh đó, hầu hết nông sản GMO không tồn tại trong thực phẩm chúng ta ăn hàng ngày.
Về số lượng, chỉ có 10 loại cây trồng áp dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp được chấp thuận thương mại tại Hoa Kỳ như ngô, đậu nành, bông, cải dầu, cỏ linh lăng, củ cải đường, đu đủ cầu vồng, bí ngô, khoai tây và táo. Tại Việt Nam, chỉ mới có giống ngô và bông vải biến đổi gen được trồng vào năm 2015, sản lượng cũng còn hạn chế. Các hạt giống GMO luôn được nghiên cứu, đánh giá gắt gao trước khi được chứng nhận an toàn sinh học và cấp phép sử dụng.
Tổ chức Y tế Thế giới WHO từng đề cập đến thực phẩm GMO trong một báo cáo: “Thực phẩm biến đổi gen trên thị trường thế giới hiện nay đã qua kiểm định an toàn và không có khả năng gây rủi ro đối với sức khỏe con người. Hơn nữa, chưa có tác hại nào gây ra cho sức khỏe con người trong quá trình tiêu thụ loại thực phẩm này của người dân tại những quốc gia đã được phép lưu hành.”
Việc sử dụng các hạt giống GMO vào hoạt động canh tác nông nghiệp cho phép Việt Nam đa dạng hóa nguồn nông sản nguyên liệu. Thực tế, Việt Nam phải nhập khẩu quy mô lớn thực phẩm như đậu nành, đậu tương để phục vụ nhu cầu trong nước. Ngành nông nghiệp, chế biến thực phẩm và chăn nuôi là những ngành của Việt Nam có nhu cầu rất lớn với đậu nành. Hằng năm, sản lượng đậu nành tại Việt Nam được nhập khẩu hoàn toàn từ các nước Ấn Độ, Mỹ, Argentina, Canada,… và 90% trong số đó là đậu nành GMO.
Một yếu tố khác khiến ngành nông nghiệp cần áp dụng hạt giống công nghệ sinh học vì từ lâu nông nghiệp trên thế giới sử dụng khoảng 70% lượng nước ngọt trái đất. Hiện nay, lượng nước ngầm ngày càng bị khai thác triệt để, nước ngọt khan hiếm, những loại hạt giống ưu việt được nghiên cứu để sử dụng ít nước hơn, không cần xới đất khi trồng giúp nông dân tiết kiệm được nước tưới và giảm khí thải CO2 ra ngoài môi trường.
Trên thực tế, có những ý kiến khác nhau về việc làm thế nào nông nghiệp có thể đáp ứng nhu cầu của một thế giới ngày một đông đúc, hay người nông dân nên áp dụng phương thức canh tác nào và người tiêu dùng đón nhận nông phẩm từ các phương thức này ra sao. Tuy nhiên, có một điều rõ ràng: nếu chúng ta phải tăng gấp đôi sản lượng lương thực trong vài thập niên tới, chúng ta phải tối ưu hóa các phương thức canh tác và hoạt động nông nghiệp hiệu quả hơn vì lý do không thể tăng gấp đôi diện tích đất và lượng nước chúng ta đã, đang và sẽ sử dụng.