Năm 2022, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng là xã duy nhất trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn được chọn chỉ đạo điểm phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu. Ngay từ đầu năm, xã chủ động xây dựng kế hoạch để củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao đã đạt và từng bước hoàn thành tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân cùng chung tay, góp sức thực hiện một số tiêu chí có khả năng thực hiện trước như: giao thông, thủy lợi, môi trường, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập…
Để nâng cao thu nhập cho người dân, từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội, người dân Chi Lăng đã tập trung phát triển các mô hình kinh tế, đặc biệt là trồng cây ăn quả và phát triển kinh tế đồi rừng. Cùng với đó, đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Tập trung chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hướng dẫn người dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sử dụng giống mới năng suất cao, có giá trị kinh tế phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, phương thức canh tác của huyện.
Đồng thời, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, khai thác tiềm năng, thế mạnh để tăng diện tích các cây trồng có giá trị kinh tế cao như cây na, thuốc lá, bưởi, cam quýt, ớt... Đến nay, toàn xã đã trồng và chăm sóc được 420 ha na, gần 600 ha rừng… Qua đó, nhiều hộ dân ở địa phương này đã vươn lên thoát nghèo, xây dựng nhà cửa khang trang. Hiệu quả từ nguồn vốn vay ưu đãi đã góp phần tích cực nâng cao thu nhập của người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo. Hiện, thu nhập bình quân trên địa bàn xã đạt 49,5 triệu đồng/người/năm, tăng gấp đôi so với năm 2016; tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn hơn 0,9%.
Cùng với phát triển kinh tế, xã Chi Lăng cũng đã quan tâm chỉ đạo các ban, đoàn thể, các thôn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của chương trình xây dựng nông thôn mới nói chung và tiêu chí môi trường nói riêng, góp phần làm thay đổi từ nhận thức đến hành động của nhân dân. Nhờ vậy, các gia đình tích cực chung tay thực hiện, chủ động xây dựng nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh, di dời chuồng trại đảm bảo vệ sinh môi trường.
Các tổ chức đoàn thể, hàng xóm hỗ trợ ngày công cho gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn xây dựng nhà tắm, nhà tiêu, chuồng trại chăn nuôi… Mỗi năm, các thôn tổ chức phát quang đường làng, ngõ xóm được gần 30 km, người dân đóng góp hàng chục nghìn ngày công vệ sinh môi trường; tổ chức thu gom bao bì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tại các vườn cây ăn quả…
Còn tại xã thuần nông Hải Yến, huyện Cao Lộc, với hơn 98% dân số là đồng bào dân tộc Nùng, trước đây, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, ý thức bảo vệ môi trường còn nhiều hạn chế. Nhưng với quyết tâm cao độ, năm 2016, Hải Yến được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Để giữ vững, duy trì và nâng cao các tiêu chí, đảm bảo đời sống người dân, Hải Yến đã xây dựng nhiều mô hình cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Toàn xã có 200 ha thông, hơn 100 ha mận cơm, hồng và các cây ăn quả khác. Bên cạnh đó, xã tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, phát huy được thế mạnh của đất vườn, nương bãi nên đời sống của bà con nông dân trong xã đã được cải thiện rõ rệt, bộ mặt nông thôn không ngừng đổi mới.
Đặc biệt, Hải Yến đã tập trung xây dựng 3 khu dân cư kiểu mẫu làm mô hình điểm cho các địa phương khác học tập, làm theo. Để triển khai, xã đã cử cán bộ xã hướng dẫn về cách thực hiện từng yêu cầu của tiêu chí môi trường đối với cán bộ thôn, khu dân cư. Trực tiếp đến dự các buổi họp thôn, buổi tuyên truyền bảo vệ môi trường hàng tháng, quý để kịp thời giải đáp thắc mắc, tháo gỡ khó khăn cho người dân.
Đồng thời kết hợp tuyên truyền qua hệ thống áp phích, khẩu hiệu, loa truyền thanh, xây dựng quy chế, hương ước thôn. Vận động 100% hộ dân ký cam kết bảo vệ môi trường, ra quân vệ sinh đường làng, ngõ xóm 2 lần/tháng. Tham gia cùng người dân trồng hàng rào cây, hoa hai bên đường để tạo khí thế và sự hòa hợp giữa chính quyền với người dân…
Theo ông Nguyễn Hữu Trực – Phó Giám đốc Sở TN&MT Lạng Sơn, ngay từ đầu năm, Sở đã ban hành các văn bản, kế hoạch để hướng dẫn các huyện, thành phố triển khai thực hiện công tác bảo vệ môi trường, nhất là việc thực hiện hiệu quả tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Năm 2022, việc triển khai tiêu chí môi trường cũng khó khăn hơn những năm trước với 12 chỉ tiêu, tăng 4 chỉ tiêu so với giai đoạn trước. Vì vậy, Sở TN&MT đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu, chung tay, tích cực thực hiện các hoạt động về bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Nhờ đó, người dân trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã đóng góp hơn 70.000 công lao động để làm thủy lợi, vệ sinh môi trường, sửa chữa 32 công trình nước sinh hoạt, gần 5.300 m đường dẫn nước; xây dựng mới trên 200 lò đốt rác, hơn 200 nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh.
Song song đó, Sở TN&MT đã triển khai rà soát tiêu chí ở các xã điểm, kịp thời nắm bắt được khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để có giải pháp tháo gỡ. Đặc biệt, từ nguồn Quỹ Bảo vệ môi trường, cơ quan liên quan đã cân đối, xem xét hỗ trợ tối đa 80 triệu đồng/xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới để tạo động lực giúp người dân phấn đấu cùng thực hiện các tiêu chí…
Từ đầu năm đến nay, Sở TN&TM Lạng Sơn đã chỉ đạo Chi cục Bảo vệ môi trường phối hợp với Phòng TN&MT các huyện, UBND các xã tổ chức tập huấn tiêu chí môi trường (đối với các xã xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu) được 11 lớp tập huấn cho 16 xã với hơn 1.100 người tham gia. Đồng thời, tổ chức kiểm tra việc duy trì thực hiện tiêu chí môi trường tại 9 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Qua đó góp phần tạo chuyển biến tích cực về nhận thức trong bảo vệ, giữ gìn môi trường nông thôn xanh – sạch – đẹp.