Tàu bệnh viện 561 hoạt động trên biển Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Bảo Chi |
Bệnh viện nổi hiện đại trên biển
Trong “hàng ngũ” của những con tàu hiện của Quân chủng Hải quân có “bệnh viện đa khoa” phải kể đến tàu 561 của Vùng 4 Hải quân. Đây là con tàu có bệnh viện đầu tiên của Việt Nam tên dân sự là Khánh Hòa 01. Tàu này được biên chế vào Hải đội 411, Lữ đoàn tàu đổ bộ vận tải 955, Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải quân đầu năm 2013.
Ngoài chức năng nhiệm vụ vận tải biển, chở cán bộ chiến sĩ thực hiện các nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, thay quân; tàu 561 còn có một nhiệm vụ đặc biệt khác là chuyên khám, chữa bệnh, cấp cứu nhanh khẩn cấp khi cán bộ chiến sĩ gặp sự cố về sức khỏe, hoặc bà con ngư dân gặp nạn trên biển nguy kịch đến tính mạng. Ngoài 200 thủy thủ, tàu còn được biên chế một ê kíp y, bác sĩ đầy đủ từ ý bác sĩ nội, ngoại khoa đến các bác sĩ chấn thương chỉnh hình, hồi sức cấp cứu.
Bác sĩ tàu bệnh viện 561 khám bệnh cho chiến sĩ mới tại tàu. Ảnh: Bảo Chi |
Thuyền trưởng tàu 561- Đại úy, Phạm Văn An cho biết, với chức năng hiện đại như một bệnh viện thu nhỏ, tàu 561 bảo đảm khám, chữa bệnh, cấp cứu, điều trị cho vài trăm bệnh nhân cùng một lúc. Các thiết bị, máy móc y tế như siêu âm, nội soi, chụp CT, Scan đầy đủ tiêu chuẩn như một bệnh viện quốc tế. “Khi có bệnh nhân, các thiết bị y tế như máy siêu âm 4 màu, máy thở, máy điện tim, máy tạo ôxy, máy rửa dạ dày tự động, buồng chụp X-quang đều đáp ứng được cho người bệnh; kể cả truyền hình nối mạng qua vệ tinh, tìm sự hỗ trợ kết nối với các bác sĩ Bệnh viện 108, 175 Bộ Quốc phòng. Đối với đội ngũ y bác sĩ đủ trình độ và năng lực làm việc trong điều kiện sóng to gió lớn. Trong trường hợp biển động, tàu sẽ được thả vây chống rung lắc giúp các bác sĩ có môi trường ổn định nhất để làm việc”, đại úy Phạm Văn An cho hay.
Cũng theo thuyền trưởng Phạm Văn An, từ khi đi vào hoạt động đến nay, tàu 561 đã khám bệnh, cấp phát thuốc, tổ chức cấp cứu cho hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ và ngư dân tại huyện đảo Trường Sa, DK1, chở các đoàn khách từ đất liền ra thăm bộ đội Trường Sa, tất cả an toàn. “Với trang bị y tế hiện có trên tàu và các bác sĩ có trình độ cao, cán bộ chiến sĩ đi tàu hoàn toàn yên tâm. Khi có người bệnh hoặc ca cấp cứu trong điều kiện sóng to gió lớn giữa biển khơi, tàu sẽ neo đậu cố định chống rung lắc, chịu sóng gió cấp 10, hoạt động liên tục trên biển 45 ngày. Lương thực dự trữ, thuốc chữa bệnh đủ cơ số cho bệnh viện hoạt động dài ngày trên biển”- Đại úy An chia sẻ.
Tình người giữa biển
Tháng 5/2020, Đoàn đại biểu thành phố Hồ Chí Minh vượt biển ra thăm cán bộ chiến sĩ, quân và dân Trường Sa và các chiến sĩ nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Sau khi rời cảng Vùng 4 Hải quân, tàu 561 “chồm lên ngụp xuống” trong sóng gió.
Các ngư dân còn được bộ đội bệnh viện 561 tặng mì tôm, rau xanh muối ăn, nước ngọt miễn phí. Ảnh: Bảo Chi |
Sau khi đi thăm cán bộ chiến sĩ quân và dân một số đảo nổi như Trường Sa Lớn, Sơn Ca, Sinh Tồn, tàu 561 đến vùng biển đảo Tiên Nữ, nhận được tin cấp cứu khẩn cấp một ngư dân đánh bắt hải sản gần đó bị tai nạn lao động. Không ngần ngại, thuyền trưởng Đại úy Phạm Văn An đã nhanh chóng triển khai tổ cấp cứu, khẩn cấp cơ động đến tàu KH 92673 TS - nơi có ngư dân Thiều Dũng gặp nạn. Qua sơ cứu ban đầu, ngư dân Dũng bị gãy chân trái (cẳng chân sau), trong khi đó, ngư dân này còn có bệnh nền đau đại tràng mạn tính. Tình huống không quá cấp bách nhưng nếu không kịp thời cấp cứu sẽ nguy hiểm đến tính mạng, nhất là vết gãy sâu, nguy cơ nhiễm trùng cao.
Để thuận lợi cho việc phẫu thuật, ngư dân Dũng được chuyển sang bệnh viện trên tàu 561. Tại đây, các bác sĩ vô khuẩn vết thương, nhanh chóng gây mê tiến hành phẫu thuật. Dưới bóng đèn ne-on sáng rực, khuôn mặt của bác sĩ ngoại khoa Đại úy Đặng Đình Công tấm tấm mồ hôi. Gần một tiếng trôi qua, ca mổ thành công giữa xúc động của nhiều người. Nắm chặt tay bệnh nhân Dũng, bác sĩ Đặng Đình Công bảo: “Cứu chữa ngư dân gặp nạn trên biển ngoài trách nhiệm, còn là tình người giữa ngàn khơi xa. Chỉ có những người đi biển mới thấu hiểu được tình cảm của những người ở biển, tình đoàn kết giữa bà con ngư dân và bộ đội Hải quân thắm thiết thế nào”.