Yên Khánh (Ninh Bình): Ô nhiễm làng nghề, chuyện đến bao giờ?

05/08/2013 00:00

(TN&MT) - Làng nghề bún, bánh Yên Ninh ở thị trấn Yên Ninh, huyện Yên Khánh , tỉnh Ninh Bình là 1 trong 47 làng nghề ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng...

  Làng nghề bún, bánh Yên Ninh ở thị trấn Yên Ninh, huyện Yên Khánh là một trong những điểm đen ô nhiễm nặng nề của tỉnh Ninh Bình; là 1 trong 47 làng nghề ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng trên cả nước.  
  
 Làng nghề bún, bánh Yên Ninh từ năm 2009 trở về trước là làng nghề thuộc xã Khánh Ninh, huyện Yên Khánh. Ngày 03/06/2009 thực hiện Nghị quyết số 23/NQ – CP của Chính phủ về việc mở rộng địa giới hành chính của Thị trấn Yên Ninh trên cở sở hợp nhất xã Khánh Ninh, vì vậy làng nghề nằm trọn trong lòng thị trấn từ bấy giờ. Đây là làng nghề truyền thống có từ lâu đời, chuyên sản xuất bún, bánh đa nức tiếng trong và ngoài tỉnh. Hiện nay, làng có 385/602 hộ làm nghề, chiếm 63,9% số hộ, với tổng số lao động tham gia lên đến 654 người, tập trung chủ yếu ở phố Thượng Đông, Thượng Tây và Trung Lâm. Sản lượng đạt hàng trăm tấn, thậm chí cả nghìn tấn mỗi năm, ước đạt doanh thu hàng chục tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người năm 2012 đạt tới 23 triệu/người/năm. Sự phát triển ồ ạt, tăng trưởng “quá nóng” của làng nghề đã gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe của hàng nghìn hộ dân trong nhiều năm qua mà chính quyền địa phương vẫn loay hoay chưa tìm ra giải pháp?.
  
  
Hệ thống thoát nước chỉ là… cống rãnh lộ thiên gây ô nhiễm nghiêm trọng
  
 Người dân nơi đây vô cùng bức xúc trước tình trạng ngày nắng nước ở các ao, hồ, cống rãnh tràn lan ra khắp đường làng, ngõ xóm và bốc mùi hôi thối nồng nặc. Ngày mưa thì những dòng nước đen kịt, nhầy nhụa ngập vào đến tận nhà người dân. Ông Nguyễn Văn Mạnh ở khu phố 2, thị trấn Yên Ninh cho biết: Nước sản xuất của làng nghề chảy tràn lan vào hệ thống thoát nước rồi tù đọng ở các ao, hồ nên nguồn nước sinh hoạt của gia đình ông và nhiều hộ dân đã có dấu hiệu bị ô nhiễm nặng. Nhiều hôm bơm nước lên để vài tiếng dưới ánh nắng thì thấy sủi bọt và nổi váng nên chúng tôi đã hạn chế dùng mà chủ yếu dùng nước mưa hoặc đi xin ở các xã xung quanh. Cùng với đó là mùi hôi thối từ các cống rãnh thoát nước bốc lên làm ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý và đời sống của các hộ dân trong làng nghề và khu vực lân cận. Hiện nay, một điều mà rất nhiều hộ dân nơi đây lo lắng là nguồn nước mặt ô nhiễm đó đã ảnh hưởng như thế nào tới nguồn nước ngầm? Mức độ ảnh hưởng cũng như những yếu tố độc hại nào đang tồn tại trong nguồn nước ngầm thì chưa hề có lời giải?
  
 Trao đổi xung quanh vấn đề này ông Lại Văn Luân – Phó Chủ tịch UBND thị trấn Yên Ninh cho biết: Làng nghề bún, bánh Yên Ninh được công nhận tại Quyết định số 11/QĐ – UBND, ngày 02/01/2007 của UBND tỉnh Ninh Bình và từ đó đến nay, đời sống của người dân có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, để một sản phẩm “ra lò”, các hộ sản xuất phải sử dụng rất nhiều nước ở các khâu như: ngâm, xay, nghiền, vắt, nấu,… đó là chưa kể đến việc họ sử dụng một số hóa chất tẩy màu, làm trắng và bảo quản. Còn hệ thống đường ống thu gom nước thải của làng nghề được xây dựng từ năm 2003, chạy dọc theo 2 tổ dân phố, do sự phát triển của dân cư quá nhanh nên hệ thống này đã xuống cấp gây tình trạng luôn ách tắc, không tiêu kịp trong mùa mưa nên thường gây ngập úng, gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, quy mô sản xuất tại làng nghề chủ yếu là nhỏ lẻ, tự phát, các hộ không đủ vốn để đầu tư thiết bị hiện đại dẫn đến tình trạng thất thoát, lãng phí nguyên vật liệu và không tận dụng được nguồn nước có hiệu quả. Trung bình có đến 600m3/ngày nước thải của làng nghề được xả thẳng ra ngoài môi trường, con số này được nhân lên 2 – 3 lần vào các dịp cao điểm như lễ, tết. Việc nguồn nước sinh hoạt của nhiều hộ dân bị ô nhiễm và các bệnh ngoài da “hoành hành” trong thời gian qua theo ông Luân là hoàn toàn có thật và biện pháp bảo vệ môi trường duy nhất ở đây mới dừng lại ở tuyên truyền vận động nhân dân là chính?
  
Nước thải đen ngòm, hôi thối tràn lan khắp ngõ xóm
  
 Trao đổi với PV Báo Tài nguyên và Môi trường bà Đặng Thị Thanh Hương – Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Ninh Bình cho biết: Kết quả phân tích mẫu nước gần đây nhất tại kênh thị trấn Yên Ninh và nước ao tại làng nghề thì đều đã bị ô nhiễm bởi nhiều chỉ tiêu đã vượt quá giới hạn tiêu chuẩn cho phép như: Nhu cầu oxi sinh học (BOD5) cao gấp 2,8 lần; nhu cầu oxi hóa học (COD) cao gấp 2,67 lần; nồng độ NO2 cao gấp 1,9 lần; nồng độ NO3 cao gấp 1,8 lần; TSS cao gấp 2,15 lần; Colifrom cao gấp 2,05 lần;…
 Hiện tượng ô nhiễm nghiêm trọng kéo dài đã gây nên nhiều hệ lụy xấu, giờ đây giải quyết bài toán ô nhiễm làng nghề này đã vượt ra khỏi “tầm với” của chính quyền địa phương. Ngày 26/12/2011, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành thông tư số 46/2011/TT – BTNMT quy định về bảo vệ môi trường; xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 577/QĐ – TTg ngày 11/04/2013. Năm 2013, Chương trình mục tiêu Quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường với kinh phí từ ngân sách Trung ương đã cấp 50 tỷ đồng cho 4 dự án, trong đó có dự án dành cho làng nghề bún bánh Yên Ninh. Tuy nhiên, theo ông Luân chỉ riêng việc xử lý ô nhiễm đã tiêu tốn khoảng 1/5 tổng số tiền trên, cộng với việc giãn dân, quy hoạch lại làng nghề, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng cho đồng bộ thì con số đó còn lớn hơn rất nhiều. Như  vậy, biết đến bao giờ Yên Ninh mới hết ô nhiễm!?
                                              Bài & ảnh: Anh Tú- Thanh Tâm
  
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Yên Khánh (Ninh Bình): Ô nhiễm làng nghề, chuyện đến bao giờ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO