Yên Bái triển khai và nhân rộng 7 mô hình chuyển đổi số

Thanh Ngà (thực hiện)| 27/02/2023 14:02

(TN&MT) - Năm 2023 được tỉnh Yên Bái chọn là năm “bứt phá trong chuyển đổi số (CĐS)”. Để đảm bảo CĐS đạt được những mục tiêu ở một số lĩnh vực quan trọng trên 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và phấn đấu thứ hạng của tỉnh Yên Bái vào nhóm 25/63 tỉnh, thành phố cả nước về CĐS. Về vấn đề này, PV Báo TN&MT đã trao đổi với ông Hoàng Minh Tiến - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Yên Bái.

stttt-dsc_0542(1).jpg
Ông Hoàng Minh Tiến - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Yên Bái

PV: Ông có thể cho biết những kết quả nổi bật của tỉnh Yên Bái đã đạt được trong chuyển đổi số năm 2022?

Ông Hoàng Minh Tiến: Năm 2022 là năm Yên Bái vào cuộc CĐS, là năm có chủ đề: Đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước lên môi trường số thông qua phổ cập sử dụng các nền tảng số Việt Nam.

Trong năm qua, Yên Bái đã đạt được một số kết quả nổi bật, được thể hiện cụ thể thông qua các con số sau. Tỉnh Yên Bái đã triển khai thí điểm và nhân rộng 7 mô hình chuyển đổi số: Tổ chuyển đổi số cộng đồng, mô hình chuyển đổi số cấp xã, mô hình chuyển đổi số tại trường học, mô hình cơ quan nhà nước, Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái, mô hình chuyển đổi số cấp huyện, mô hình công dân số.

Về thể chế, CĐS trong công tác Đảng và chính quyền số, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành 30 quyết định, kế hoạch, chương trình, chỉ thị về lĩnh vực CĐS, so với năm 2021 thì gấp hơn 3 lần về số văn bản. Với hệ thống văn bản này, về cơ bản, tỉnh đã tạo lập được “con đường đi” của CĐS cho giai đoạn 2022 - 2025 và các năm tiếp theo.

Nền tảng “Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái” đã triển khai tới 43,8% tổng số chi bộ trên toàn tỉnh. Số lượng đảng viên đã tạo tài khoản đạt 45,6% tổng số đảng viên toàn tỉnh.

Số tài khoản trên cổng dịch vụ công quốc gia/tỉnh tạo lập mới trong năm 2022 là 50.595, gấp 22,6 lần so với năm 2021.

Về kinh tế số, Yên Bái đưa 5.277 sản phẩm nông nghiệp lên 2 sàn thương mại điện tử, đứng thứ 7/63 các tỉnh, thành trên cả nước về số sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử.

Yên Bái đứng thứ 15/63 về số lượng tài khoản hoạt động trên 2 sàn thương mại điện tử là voso và PostMart. Số lượt giao dịch mua sắm trên 2 sàn thương mại điện tử này đạt 7.739 lượt, tăng hơn 12 lần so với năm 2021.

Về xã hội số - thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt: Số tài khoản ngân hàng khách hàng cá nhân tăng trưởng 30,77%, số tài khoản Mobile Money tăng trưởng 72,7%, tỷ lệ thanh toán tiện điện không dùng tiền mặt tăng 16,2%, tỷ lệ thanh toán tiền nước không dùng tiền mặt đạt 40%, tăng 6% so với năm 2021.

PV: Vậy qua những con số cụ thể đó, Yên Bái được đánh giá như thế nào trong thực hiện chuyển đổi số thưa ông?

Ông Hoàng Minh Tiến: Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông tỉnh Yên Bái đã tăng 13 bậc trong xếp hạng CĐS quốc gia DTI, từ thứ 40 lên 27/63 các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong 14 tỉnh thuộc khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, Yên Bái xếp thứ 5 và là tỉnh có thứ hạng tăng cao nhất trong năm 2022.

Đây là kết quả ban đầu đáng khích lệ đối với công cuộc CĐS trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, chúng ta chưa hài lòng với kết quả này. Sở Thông tin và truyền thông tiếp tục tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 01/12/2022, đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, nâng cao thứ bậc xếp hạng CĐS (DTI) của Yên Bái. Theo đó, mục tiêu đặt ra tại Chương trình hành động số 135-CTr/TU ngày 18/11/2022 của Tỉnh ủy đưa Yên Bái lọt vào nhóm 25 tỉnh, thành dẫn đầu về CĐS trong năm 2023.

PV: Vậy để đặt được những mục tiêu đó, Sở Thông tin và truyền thông đã có kế hoạch như thế nào? 

Ông Hoàng Minh Tiến: Năm 2023 được tỉnh chọn là năm bứt phá trong CĐS. Sở tiếp tục tham mưu hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách thúc đẩy CĐS. Đổi mới cách thức, nội dung tuyên truyền và đào tạo để đưa nhận thức, kỹ năng về CĐS vào thực chất.

Cụ, thể tuyên truyền tới người dân thực hiện nguyên tắc “3-gì”, trong đó nền tảng số là gì? sử dụng vào việc gì? và đem lại lợi ích gì? Việc tuyên truyền phải ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ và đi thẳng vào vấn đề.

Từ tháng 10/2022, Sở TT&TT đã chỉ đạo các trung tâm truyền thông - văn hóa các huyện, thị xã, thành phố thực hiện chuỗi các chương trình truyền thông “Mỗi tuần một nền tảng số” thông qua hệ thống truyền thanh cơ sở.

Đối với cán bộ, công chức, đặt mục tiêu đào tạo nhận thức, kỹ năng về CĐS cho 30% tổng số cán bộ, công chức của tỉnh. Thay đổi hình thức đào tạo từ trực tiếp sang trực tuyến. Năm 2023, Sở sẽ tập trung đào tạo thành viên các tổ CĐS cộng đồng. Vì chỉ khi các thành viên này có kiến thức, hiểu biết và kỹ năng cơ bản về CĐS thì mới có thể trở thành các “hạt nhân lan toả” về CĐS.

Cùng với đó, sẽ tham mưu ban hành “quy hoạch” dữ liệu số và thiết lập, vận hành cổng dữ liệu mở của tỉnh Yên Bái. Muốn phát triển nhanh thì cần tài nguyên, cần nguồn lực. CĐS tạo ra một loại tài nguyên mới, đó là dữ liệu. Dữ liệu sẽ càng có ý nghĩa nếu được chia sẻ: “lên - xuống” giữa tỉnh với các địa phương, đến tận cấp xã; “ngang - dọc” giữa các sở, ngành và theo ngành dọc; và “trong - ngoài” giữa khu vực công với khu vực tư.

Sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy hoạch về dữ liệu số để xác định các nguồn dữ liệu quan trọng của tỉnh, giao trách nhiệm tạo lập, quản lý, sử dụng, cập nhật và bảo vệ cho cụ thể của các sở, ban, ngành, địa phương. Bên cạnh đó, Sở cũng sẽ đề xuất thiết lập cổng dữ liệu mở của tỉnh, đây chính là đầu mối trên không gian mạng để trao đổi, chia sẻ dữ liệu giữa khu vực công và khu vực tư.

Bên cạnh đó, giải pháp được coi là quan trọng nhất trong năm 2023 là “Tổ CĐS cộng đồng”. Yên Bái là 1 trong 3 tỉnh đầu tiên trên cả nước (cùng Lạng Sơn, Thái Nguyên) thành lập được 100% Tổ CĐS cộng đồng cấp xã, cấp thôn. Có thể thấy, đây được xem là lực lượng nòng cốt ở mỗi địa phương, sẽ là lực lượng “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để hướng dẫn và đưa người dân lên môi trường mạng thông qua các nền tảng số quốc gia.

“Nền tảng công dân số tỉnh Yên Bái” cũng là một trong những giải pháp quan trọng. Nền tảng công dân số tỉnh Yên Bái là một ứng dụng duy nhất dành cho công dân của tỉnh Yên Bái. Trước mắt sẽ tập trung vào giải quyết 3 vấn đề: Thực hiện dịch vụ công trực tuyến; phản ánh, trả lời kiến nghị giữa người dân và cơ quan nhà nước có thẩm quyền; cung cấp thông tin về các hoạt động của tỉnh, các địa phương.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Yên Bái triển khai và nhân rộng 7 mô hình chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO