Yên Bái: Tỉnh lộ 166 đang "kêu cứu"

02/07/2016 00:00

(TN&MT) - Nhiều năm qua, tình trạng sạt lở bãi bồi trên xã Quy Mông, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái diễn ra hết sức nghiêm trọng, khiến hàng nghìn mét vuông đất canh tác của người dân bị cuốn trôi. Đặc biệt, đoạn km16+400 trên tỉnh lộ 166, Hữu Ngạn sông Hồng thuộc địa phận xã Quy Mông, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã bị sạt lở sát tới chân đường.

Tình trạng sạt lở đất đã xoáy sát chân đoạn km16+400 trên tỉnh lộ 166.
Tình trạng sạt lở đất đã xoáy sát chân đoạn km16+400 trên tỉnh lộ 166.

Sói lở đất canh tác do khai thác tài nguyên trái phép

Theo người dân cho biết, nguyên dân dẫn đến sạt lở đất là do một đơn vị đang khai thác cát sỏi, đào đãi vàng trên sông Hồng từ nhiều năm nay gây ra và sạt lở nhiều nhất bắt đầu từ năm 2014.

Tình trạng này đã khiến hơn 20 hộ dân của thôn 2, thôn 3 của xã Quy Mông, huyện Trấn Yên mất đất sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, ngày 21/4/2016 trên địa bàn tỉnh Yên Bái có mưa lớn, kèm theo nước sông Hồng dâng cao đã gây sạt lở đất và cuốn trôi cột điện của Viettel Yên Bái dựng bên lề đường tỉnh lộ 166.

Ngậm ngùi nhìn diện tích đất canh tác của gia đình mình bị cuốn trôi mỗi ngày, anh Vũ Văn Đức, thôn 2, xã Quy Mông, huyện Trấn Yên, cho biết: “Trước đây dù mưa to, nước dâng cũng không ảnh hưởng gì. Nhưng giờ chỉ cần một trận mưa nhỏ, dòng nước cũng có thể cuốn trôi nhiều mét khối đất. Nguyên nhân, do một đơn vị đang khai thác cát sỏi làm thay đổi dòng chảy của con sông nên mới xảy ra tình trạng sạt lở này. Gia đình tôi có hơn 1.000m2 đất, giờ bị cuốn trôi gần hết. Tôi lo rằng hết mùa mưa lũ năm nay nhà tôi sẽ không còn đất trồng ngô.”

Sẽ còn sạt lở mạnh trong mùa mưa lũ.
Sẽ còn sạt lở mạnh trong mùa mưa lũ.

Thực tế cho thấy, đoạn sông này phía bên kia dòng sông thuộc địa phận xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên có rất nhiều mô sỏi, đá lởm chởm nhô lên khiến dòng nước chảy sang bên Hữu Ngạn của xã Quy Mông, dòng nước chảy xiết đục ngầu.

Ông Nguyễn Văn Ý, thôn 2, xã Quy Mông, huyện Trấn Yên, cho biết: “Ở đây gia đình tôi có 360m2 đất và đã được cấp sổ đỏ nhưng đến giờ chỉ còn 160m2 vì đã bị lở xuống sông. Nhiều lần thấy người ta về khai thác cát, sỏi trên sông, chúng tôi cũng ra ngăn nhưng chẳng ăn thua. Chúng tôi cũng báo lên UBND xã Quy Mông, nhưng cũng chưa thay đổi được gì.”

Đã đến lúc UBND tỉnh Yên Bái và các sở, ngành vào cuộc

Điều đáng nói ở đây là tình trạng sạt lở đất diễn ra suốt nhiều năm, cho tới giờ tình trạng đó ngày một nghiêm trọng. Không chỉ đất sản xuất của người dân bị cuốn trôi mà đoạn đường trên Tỉnh lộ 166 đang có nguy cơ không còn trong mùa mưa lũ năm nay. Người dân và chính quyền xã đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên nhưng đến giờ mới đi tìm nguyên nhân.

Ông Nguyễn Duy Khánh, Chủ tịch UBND xã Quy Mông, cho biết: “Hiện diện tích đất canh tác của người dân 2 thôn bị sạt lở khoảng 4.000m2, còn diện tích đất khai hoang đã mất con số gấp 3 đến 4 lần như vậy. Mong các cấp sớm có giải pháp để khắc phục tình trạng sạt lở trên để bà con yêm tâm lao động, sản xuất. Đồng thời cần phải xem xét việc khai thác khoáng sản, cát sỏi trên sông Hồng khu vực xã Quy Mông và xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên."

Rất nhiều mô sỏi, đá lởm chởm nhô lên bên kia dòng sông thuộc địa phận xã Đào Thịnh.
Rất nhiều mô sỏi, đá lởm chởm nhô lên bên kia dòng sông thuộc địa phận xã Đào Thịnh.

Trao đổi với PV Báo TN&MT, ông Phạm Thế Phước, Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên, cho rằng: “Nguyên nhân dẫn tới sạt lở và việc đình chỉ khai thác cát sỏi cần phải có kết luận của ngành chức năng. Giải pháp lâu dài là đầu tư xây dựng kè cho đoạn sông này nếu không Tỉnh lộ 166 sẽ không còn trong mùa mưa lũ. Hiện nay, huyện Trấn Yên đã có quyết định phối hợp cùng các đoàn kiểm tra, đánh giá, xác định mức độ, nguyên nhân sạt lở hai bờ sông Hồng trên địa bàn huyện. Nếu Hợp tác xã Hợp Nhất vi phạm quy trình khai thác, huyện sẽ phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra và đề nghị UBND tỉnh ra quyết định đình chỉ việc khai thác này”.- ông Phước nói.

Được biết, năm 2016, Cục Dự trữ Nhà nước đã phải chuyển 541.935 tấn gạo hỗ trợ nhân dân tỉnh Yên Bái. Riêng huyện Trấn Yên gần 7.000 hộ dân phải cứu đói mùa giáp hạt. Ai cũng biết, để đảm bảo an ninh lương thực cho đồng bào vùng cao thì phải có quỹ đất sản xuất nông nghiệp rồi rào. Để làm được điều này Nhà nước và nhân dân các dân tộc đã mất không ít công sức và tiền của để khai hoang đất nương thoải, đất dốc có bờ thành ruộng bậc thang; xây dựng hệ thống kênh mương tưới tiêu nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

Thế nhưng, tại xã Quy Mông, huyện Trấn Yên đã nhiều năm qua để diện tích đất canh tác nông nghiệp của người dân cuốn trôi một cách vô cớ mà đến giờ UBND huyện Trấn Yên mới “đang triển khai, vào cuộc làm rõ nguyên nhân” thì e là quá muộn. Bên cạnh đó, tuyến Tỉnh lộ 166 cũng đang trong tình trạng bị “đe dọa” cuốn trôi trong mùa mưa lũ năm nay. Nhưng dẫu muộn cũng còn hơn không. Đã đến lúc, những người ngồi trên chiếc ghế trách nhiệm tỉnh Yên Bái đặt mình vào vị trí những người dân mất đất nông nghiệp để gỡ khó thay vì chỉ biết kêu khó. UBND tỉnh Yên Bái và các sở, ngành sớm vào cuộc và có giải pháp để diện tích đất canh tác của người dân không bị cuốn trôi và cứu tỉnh lộ 166 khi vẫn còn thời gian.

Bài & ảnh: Thanh Ngà

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Yên Bái: Tỉnh lộ 166 đang "kêu cứu"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO