Yên Bái: Thu thuế tài nguyên còn nhiều bất cập

04/07/2016 00:00

(TN&MT) - Yên Bái có nhiều nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng. Tuy vậy, việc thực hiện Luật Thuế tài nguyên trong khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn còn nhiều bất cập.

Thâm hụt sản lượng tính thuế

Trong giai đoạn 5 năm 2011 - 2015, tổng số thuế tài nguyên thu được đạt 485,6 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 7,8% tổng số thu ngân sách nội địa, trong đó số thu thuế tài nguyên từ khoáng sản đạt 337,9 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 5,42% tổng số thu ngân sách nội địa trên địa bàn (năm 2011, đạt 45,616 tỷ đồng; năm 2012, đạt 51,170  tỷ đồng; năm 2013, đạt  65,160 tỷ đồng, năm 2014, đạt  80,387  tỷ đồng; năm 2015, đạt  95,169 tỷ đồng). Tuy vậy, có thể thấy rằng, các nguồn thu từ hoạt động khoáng sản còn thấp, chưa tương xứng với quy mô khai thác, sự xuống cấp của hạ tầng, ảnh hưởng môi trường, nguồn tài nguyên không tái tạo đang cạn kiệt. Một trong những nguyên nhân của việc thu quá ít từ hoạt động khoáng sản cho ngân sách là chính sách thuế tài nguyên chưa hợp lý.

Điều này thể hiện tại Điều 5, Luật Thuế tài nguyên sản lượng tính thuế trong sản lượng thực tế khai thác. Sản lượng thực tế khai thác do các doanh nghiệp (DN) kê khai, báo cáo với các cơ quan quản lý Nhà nước  thực tế hiện nay, do thực hiện cơ chế tự tính, tự khai, tự nộp, trong khi chưa có cơ chế giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý Nhà nước. Điều này, dẫn tới việc một số doanh nghiệp được cấp phép khai thác loại khoáng sản quý hiếm và có giá trị kinh tế cao như: Chì kẽm, vàng, đồng, đá quý, đất hiếm không trung thực trong việc kê khai đủ sản lượng khai thác để nộp thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, do các mỏ được cấp đều năm ở vùng sâu, vùng xa, loại quặng này thường được vận chuyển lên biên giới để xuất tiểu ngạch.

Thu thuế tài nguyên ở Yên Bái còn nhiều hạn chế
Thu thuế tài nguyên ở Yên Bái còn nhiều hạn chế

Mặt khác, do thuế tài nguyên tính trên sản lượng thực tế khai thác do người khai thác khai báo, nên chưa khuyến khích tận dụng hết tài nguyên trong khai thác chế biến . Nhiều DN khi khai thác đã bỏ tại nơi khai thác quá nhiều tài nguyên có giá trị thấp, ví dụ, đá hoa trắng, theo phản ánh của các DN khai thác thu hồi đạt dưới 10% trữ lượng khai thác đối với loại đá BLOK để xẻ tấm và tiêu thu nguyên khối (đá hoa trắng BLOK xẻ tấm khi bán với già 35 -40 triệu/m3, nếu bán nguyên khối cũng đạt gần 20 triệu /m3). DN chỉ cần tiêu thụ số sản phẩm này đã đem lại lợi nhuận tới 50% tổng doanh thu, số sản phẩm chất lượng thấp bỏ tại bãi không cần tận dụng vì không phải đóng thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường.

Giá tính thuế chưa cân bằng

Một trong những bất cập nữa trong việc thu thuế tài nguyên tại Yên Bái còn được thể hiện tại Điều 6, Luật Thuế tài nguyên. Theo quy định hiện hành, giá tính thuế tài nguyên là giá bán đơn vị sản phẩm tài nguyên của tổ chức, cá nhân khai thác chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Trong thực tế, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản đang áp dụng phương pháp khai thác, đầu tư công nghệ chế biến khác nhau nhưng giá tính thuế tài nguyên áp dụng chung trên giá bán ra của sản phẩm tài nguyên nên đã không khuyến khích các doanh nghiệp chế biến sâu, tạo nên sự bất bình đẳng và  không công bằng giữa các doanh nghiệp khai thác chế biến khoáng sản trên cùng địa bàn. Ví dụ như đối với quặng sắt, trong thực tế các điểm mỏ đều có hàm lượng Fe khác nhau dao động từ 20% - 60%, quặng có từ và quặng không từ, các doanh nghiệp khai thác phải đầu tư công nghệ để tuyển quặng nhằm nâng hàm lượng Fe đảm bảo tiêu chuẩn để tiêu thụ và xuất khẩu trên 54% với giá bán trung bình là 1.300.000 đồng - 1.900.000 đồng/tấn, doanh nhiệp phải kê khai tính thuế tài nguyên theo giá bán trên, trong đó, phải chi phí thêm trên 40%  giá bán trong quá trình tinh luyện (giá quặng thô trước khi tuyển quặng chỉ từ 250.000 đồng - 400.000 đồng/tấn).

Theo ông Nông Xuân Hùng, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Yên Bái, tại Khoản 4, Điều 6, Luật Thuế tài nguyên quy định UBND tỉnh quy định cụ thể giá tính thuế đối với tài nguyên chưa xác định được giá bán đơn vị sản phẩm tài nguyên… Việc làm này là phù hợp với thực tế để quản lý nguồn tài nguyên nhất là tài nguyên không tái tạo, chống được việc chuyển giá, gian lận trong giá bán của các tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên. Tuy vậy, trong thực tế hiện nay, trên địa bàn, có một số DN đầu tư nước ngoài đang hoạt động khai thác khoáng sản với quy mô lớn, sản phẩm khai thác được bán chủ yếu cho Công ty mẹ tại nước ngoài dẫn tới việc thiếu thống nhất trong quy định giá bán sản phẩm. Chính vì vậy, việc quy định giá tối thiểu là rất cần thiết cho cả các DN nước ngoài và DN trong nước.

Hiện, tỉnh Yên Bái gặp vướng về tiêu chí xác định sản phẩm công nghiệp với sản phẩm tài nguyên đã qua chế biến (Ví dụ: Đá hoa trắng qua chế biến thành bột đá siêu mịn xuất khẩu, đá làm vật liệu xây dựng thông thường qua chế biến thành các loại đá dăm, đá Base, Sub Base là sản phẩm công nghiệp hay sản phẩm tài nguyên). Trong quy định tại Khoản 3, Điều 5 Thông tư 152/2015/TT-BTC, “Việc xác định sản phẩm bán ra sau quá trình chế biến là sản phẩm công nghiệp hay không phải là sản phẩm công nghiệp do Bộ quản lý Nhà nước chuyên ngành thực hiện theo thẩm quyền”. Hiện nay, do Bộ cụ thể nào quy định cho khoáng sản chưa rõ, mà quy định các khoản chi phí được trừ do UBND cấp tỉnh quy định. Vì vậy, để ban hành được chi phí được trừ đang gây khó khăn bất cập cho địa phương.

Nguyễn Cường

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Yên Bái: Thu thuế tài nguyên còn nhiều bất cập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO