Yên Bái - Phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường

04/08/2017 00:00

(TN&MT) - Trong những nằm gần đây, tỉnh Yên Bái đang có những bước chuyển mình tích cực về kinh tế - xã hội. Hoạt động khai thác khoáng sản đã tạo công ăn việc làm cho người lao động, đóng góp cho ngân sách Nhà nước, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp. Tuy vậy, tỉnh Yên Bái cũng xác định rõ phát triển kinh tế phải gắn chặt với công tác bảo vệ môi trường (BVMT).

Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm

Hiện Yên Bái có khoảng 257 mỏ và điểm quặng, trong đó, một số loại có trữ lượng lớn, chất lượng tốt như: Đá vôi trắng, caolanh - felspat, quặng sắt, grafit... Đồng thời, có 122 giấy phép khai thác khoáng sản, được cấp cho 92 doanh nghiệp với 17 loại khoáng sản. Tại các điểm mỏ hoạt động khai thác khoáng sản khó tránh khỏi những tồn tại, ảnh hưởng tiêu cực gây đến môi trường và cơ sở hạ tầng trong khu vực.

Nhằm thắt chặt công tác quản lý, Sở TN&MT Yên Bái đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính, kiến nghị UBND tỉnh Yên Bái yêu cầu dừng hoạt động một số trường hợp vi phạm.

Nhà máy Thủy điện Thác Bà cung cấp sản lượng điện khoảng 400 triệu kWh/năm
Nhà máy Thủy điện Thác Bà cung cấp sản lượng điện khoảng 400 triệu kWh/năm

Bên cạnh đó, Sở TN&MT đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Yên Bái thu hồi giấy phép khai thác của 11 doanh nghiệp, trong đó, có 7 doanh nghiệp khai thác quặng sắt, 1 doanh nghiệp khai thác vàng, 3 doanh nghiệp khai thác đá, đá vật liệu xây dựng, đá thạch anh.

Tính riêng từ đầu năm 2017 đến nay, Sở TN&MT Yên Bái đã đề nghị UBND tỉnh ban hành 7 quyết định đóng cửa mỏ, 7 quyết định thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản trên địa bàn.

Cùng với đó, hoạt động khai thác cát sỏi trái phép trên địa bàn tỉnh Yên Bái cũng đang được các ngành chức năng tăng cường kiểm soát và xử lý.

Từ đầu năm 2017 đến nay, UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành Chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác, vận chuyển và tiêu thụ cát, sỏi tại lòng sông trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Trong đó, giao nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, ngành và UBND các huyện, thành phố, thị xã trong công tác quản lý cát, sỏi.

Có thể thấy, các cơ quan chức năng của tỉnh đã tích cực vào cuộc quyết liệt xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn. Hạn chế thấp nhất các trường hợp vi phạm xảy ra.

Đầu tư công nghệ hiện đại trong khai thác, chế biến

Để sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả nguồn tài nguyên sẵn có tại địa phương. Sở TN&MT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành những chính sách quản lý khoáng sản tại địa phương, đưa các hoạt động khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường.

Đặc biệt, ưu tiên cho các nhà đầu tư có năng lực tài chính, có kinh nghiệm trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản, sử dụng công nghệ khai thác, chế biến tiên tiến, thân thiện với môi trường, tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao, phù hợp với chiến lược khoáng sản theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có Cty TNHH Đá cẩm thạch R.K Việt Nam (Cty) đã áp dụng công nghệ, máy móc chế biến hiện đại, chính sách quản lý chuyên nghiệp và chiến lược kinh doanh dài hạn. Nhờ vậy, Cty đã đưa sản phẩm của mình tới 60 quốc gia trên toàn thế giới.

Công ty TNHH cẩm thạch R.K Việt Nam đầu tư công nghệ, máy móc từ Ấn Độ, Ý
Công ty TNHH cẩm thạch R.K Việt Nam đầu tư công nghệ, máy móc từ Ấn Độ, Ý

Cty TNHH Đá cẩm thạch R.K Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực khai thác và sản xuất đá hoa trắng gồm 2 sản phẩm: Chế biến đá hoa trắng tấm nhỏ và đá hoa trắng tấm lớn. Nhà máy chế biến đá với trang thiết bị máy móc hiện đại, mới 100% nhập khẩu từ Ý, Ấn Độ… Đá hoa trắng được cắt từ đỉnh núi có độ cao 550 m trở xuống bằng công nghệ máy cắt dây kim cương hiện đại, được xây dựng trên diện tích 6ha, công suất đạt khoảng 500.000 m2/năm, đã tạo công ăn việc làm cho 250 lao động địa phương.

Trao đổi với ông Trần Ngọc Hùng - Trưởng phòng Hành chính nhân sự Cty TNHH Đá cẩm thạch R.K Việt Nam cho biết: Thời gian đầu nhà máy đi vào hoạt động, hầu hết các khối đá nhỏ không được sử dụng và thải ra ngoài môi trường gây lãng phí nguồn tài nguyên. Nhưng khi nhà máy chế biến đá ốp lát tấm nhỏ đi vào hoạt động các nguyên liệu đó được tận dụng chế biến đá tấm nhỏ, tận dụng tối đa nguồn tài nguyên.

Ông Hùng cũng cho biết thêm: Đi cùng với đó, công nghệ xử lý nước thải cũng được Cty quan tâm đầu tư. Với mức hoạt động chế biến đá một ngày khá lớn, Cty đã đầu tư hệ thống xử lý nước tuần hoàn có quy mô lớn và hiện đại. Chính vì vậy, nguồn nước tiêu thụ được tiết kiệm, trung bình chỉ 500 m3/ngày, hạn chế xả thải ra môi trường. Đồng thời, không khí bên trong và khu vực nhà máy chế biến được phân tích định kỳ nhằm theo dõi để hạn chế tác động đến môi trường.

Hơn nữa, các doanh nghiệp trên địa bàn luôn cố gắng chấp hành tốt những quy pháp luật trong hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản, hạn chế thấp nhất tình trạng gây ô nhiễm môi trường.

Trao đổi với Tổng Giám đốc Cty Cổ phần khoáng sản Yên Bái VPG Trương Ngọc Hoàn cho biết: Hiện Cty hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản, các điểm mỏ nằm rải rác tại các huyện trên địa bàn tỉnh. Trong hoạt động khai thác và chế biến Cty luôn chấp hành tốt quy định của pháp luật về môi trường để tránh ảnh hưởng đến môi trường cũng như cuộc sống của người dân quanh điểm mỏ.

“Đặc biệt, hàng năm, các Sở ban ngành và Cty có những buổi kiểm tra, đánh giá định kỳ để chỉ ra những mặt còn tồn tại để Cty có hướng khắc phục kịp thời. Ngoài ra, Cty cũng thường xuyên cập nhật những quy định của luật khoáng sản để đảm bảo luôn chấp hành đúng quy định của pháp luật”, ông Hoàn nói.

Sử dụng hiệu quả tiềm năng sẵn có

Để sử dụng hiệu quả tiềm năng, thế mạnh sẵn có, tỉnh Yên Bái đã và đang đi sâu khai thác, phát triển ngành du lịch. Hồ Thác Bà là một trong những địa điểm du lịch của tỉnh. Tại hồ Nhà máy thủy điện Thác Bà được xây dựng và được ví như “Con chim đầu đàn của ngành thủy điện Việt Nam”. Nhà máy Thủy điện Thác Bà, ngoài việc cung cấp sản lượng điện khoảng 400 triệu kWh/năm, nhà máy còn góp phần giảm cắt lũ, cung cấp nước cho sản xuất nông, lâm nghiệp cũng như sinh hoạt của nhân dân vùng hạ lưu sông Chảy, đồng bằng Trung du Bắc Bộ.

Hồ Thác Bà là 1 trong 3 hồ nhân tạo lớn nhất Việt Nam với diện tích gần 21.000 ha với hơn 1.000 hòn đảo cùng các dãy núi tạo nên phong cảnh hữu tình, nơi đây được ví như “Vịnh Hạ Long trên núi”. Danh thắng hồ Thác Bà đã được Nhà nước xếp hạng Danh thắng cấp quốc gia. Hiện nay, hồ Thác Bà nằm trong tour du lịch Yên Bái – Lào Cai – Vân Nam (Trung Quốc), Yên Bái – Lào Cai – Phú Thọ. Với lợi thế mặt nước hồ sẵn có, tỉnh Yên Bái không chỉ phát triển ngành du lịch còn phát triển kinh tế rừng, nuôi trồng thủy sản nhằm sử dụng và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên sẵn có.

Ngoài ra, tại một số huyện, tỉnh đã thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Trong đó, Cty Thịnh Đạt đã và đang phát triển ngành du lịch tại huyện Mù Cang Chải và thị xã Nghĩa Lộ. Từ đó, huyện vùng cao đã có bước thay đổi, cuộc sống của người dân được nâng lên đã góp phần chung cho sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Để sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên sẵn có trên địa bàn tỉnh Yên Bái và hạn chế thấp nhất các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực BVMT. Ngành TN&MT tỉnh Yên Bái thường xuyên tiến hành thành tra, kiểm tra kịp thời phát hiện xử lý các trường hợp vi phạm.

Năm 2015, tỉnh Yên Bái đã tiến hành thanh tra, kiểm tra tại 34 đơn vị; lập biên bản xử lý hành chính đối với 12 trường hợp vi phạm với tổng số tiền là trên 1,5 tỷ đồng.

Năm 2016, tỉnh tiến hành thanh tra, kiểm tra tại 28 đơn vị; lập biên bản xử lý hành chính đối với 6 trường hợp vi phạm với tổng số tiền là 159 triệu đồng.

Ông Hà Mạnh Cường – Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái cho biết: Bên cạnh những đơn vị có ý thực chấp hành tốt công tác BVMT, sử dụng tiết kiệm hiệu quả nguồn tài nguyên vẫn còn nhiều trường hợp vi phạm. Nguyên nhân, một phần do ý thức của các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản, một phần do công tác phối hợp của các cơ quan quản lý Nhà nước và chính quyền địa phương chưa thực sự chặt chẽ. Cụ thể, công tác thanh tra, kiểm tra đôi khi còn chồng chéo, trùng lặp; việc xử phạt vi phạm hành chính còn hạn chế, chưa kiên quyết; chưa có cơ chế phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra giữa các Sở, ngành liên quan.

Để làm tốt công tác quản lý khoáng sản và bảo vệ môi trường, trong thời gian tới, tỉnh Yên Bái tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong quản lý khoáng sản, bảo vệ môi trường; xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách về bảo vệ môi trường theo phân cấp của Chính phủ. Trên cơ sở quy định của Luật Khoáng sản và các văn bản quy phạm pháp luật do Trung ương ban hành, nghiên cứu, rà soát để sửa đổi, bổ sung Quy định quản lý khoáng sản ở địa phương cho phù hợp với tình hình hoạt động thực tế, đảm bảo khai thác, sử dụng hiệu quả khoáng sản, tiết kiệm tài nguyên, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường; quy định cụ thể trách nhiệm của các ngành, chính quyền địa phương trong quản lý, bảo vệ khoáng sản.

Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện quy định của pháp luật về khoáng sản và bảo vệ môi trường, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật; kiểm soát ô nhiễm môi trường, không để phát sinh các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mới.

Ngày 22/12/2016, UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Yên Bái tại Quyết định số 3644/QĐ-UBND.

Ngày 18/1/2017, Sở TN&MT tỉnh Yên Bái bàn hành Văn bản số 92/STNMT-BVMT về việc thực hiện Quyết định số 3644/QĐ-UBND ngày 22/12/2016 của UBND tỉnh. Tại Văn bản này, Sở TN&MT yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai, thực hiện Kế hoạch có hiệu quả và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Bài và ảnh: Tiến Dũng - Thanh Ngà

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Yên Bái - Phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO