Yên Bái: Cơ quan điều tra có “bỏ lọt” tội phạm?

26/10/2014 00:00

(TN&MT) - Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Yến Bái ban hành kết luận xác minh nội dung tố cáo của công dân để lại nhiều nghi vấn trong dư luận xã hội.

(TN&MT) - Trong đơn khiếu nại, tố cáo khẩn cấp gửi tới các cơ quan báo chí, bà Trần Thị Hường, Giám đốc Cty TNHH Thẩm Hường (Cty Thẩm Hường) có trụ sở tại thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái phản ánh, một số cán bộ Ngân hàng NN&PTNT huyện Trấn Yên, câu kết với cán bộ Cty Thẩm Hường có hành vi gian dối, tự ý sửa chữa phụ lục hợp đồng tín dụng, giả mạo chữ ký… gây thất thoát cho Cty Thẩm Hường với số tiền hàng chục tỷ đồng. 
   
Không làm rõ số tiền rút ra rơi vào tay ai?
   
  Cty Thẩm Hường đã tố cáo những việc làm đó đến Công an tỉnh Yên Bái nhưng trong quá trình điều tra, xác minh làm rõ vụ việc, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Yến Bái đã ban hành kết luận về việc xác minh nội dung tố cáo có quan điểm bao che người phạm tội.
   
   
Đơn tố cáo của Công ty Thẩm Hường về việc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm của Công an Yên Bái
   
  Cụ thể, tại Kết luận số 82 ngày 29/10/2012 của Cơn quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Yên Bái về việc xác minh nội dung tố cáo Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Trấn Yên (Agribank Trấn Yên) có hành vi gian dối, tự ý sửa chữa phụ lục hợp đồng tín dúng, giả mạo chữ ký… của Cty Thẩm Hường, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Yên Bái đã kết luận: Từ tháng 10/2008 đến tháng 12/2011, Cty Thẩm Hường thực hiện giao dịch rút tiền mặt ra khỏi tài khoản tiền gửi số 8703201000457, với tông số tiền là 19.111.200.000 đồng (Mười chín tỷ một trăm mười một triệu hai trăm nghìn đồng).
   
  Trong đó: Bà Lê Thị Anh Đào nhận 11.089.600.000 đồng (Mười một tỷ không trăm tám mươi chín triệu sáu trăm nghìn đồng), ông Nguyễn Minh Trí nhận 7.103.000.000 đồng (Bảy tỷ một trăm linh ba triệu đồng), bà Phạm Thị Nhàn nhận 127.000.000 đồng (Một trăm hai mươi bảy triệu đồng).
   
  Theo Cơ quan CSĐT, các cá nhân trên đều khai đã nhận đủ số tiền trên lĩnh từ tài khoản tiền gửi của Cty Thẩm Hường tại Agibank Trấn Yên và đã được bà giao lại cho bà Trần Thị Hường và ông Nguyễn Văn Thẩm (chồng bà Hường) nhưng quá trình giao nhận không viết giấy biên nhận và không ký nhận.
   
  Tuy nhiên, cá nhân bà Trần Thị Hường đã khẳng định tại Cơ quan CSĐT là không hề rút tổng số tiền trên từ tài khoản của Cty Thẩm Hường mở tại Agribank Trấn Yên. 
   
  Câu hỏi đặt ra: Vậy số tiền gần 20 tỷ đồng trên, các cá nhân Đào, Trí, Nhàn rút ra từ tài khoản của Cty Thẩm Hường tài Agribank Trấn Yên có được giao nhận cho bà Hường – Giám đốc Cty Thẩm Hường?
   
  Rất tiếc, câu trả lời của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Yên Bái là “không có căn cứ xác minh tiếp và không đủ chứng cứ để xác định Lê Thị Anh Đào và Nguyễn Minh Trí chiếm đoạt tiền của Cty Thẩm Hường”. Lý do được đơn vị này đưa ra để không truy cứu tiếp lại rất đơn giản: do Cty Thẩm Hường không xuất trình sổ kế toán và chứng từ kế toán.
   
  Đường đi của một số tiền lớn lên đến hàng chục tỷ đồng liên quan đến vận mệnh của cả một doanh nghiệp, hàng trăm lao động, uy tín, danh dự của người tố cáo, cũng như người bị tố cáo tại sao không được Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Yên Bái truy cứu đến cùng? Có hay không việc Trí, Đào chiếm đoạt tiền? Có hay không việc bà Hường vu cáo khiến dư luận không khỏi hoài nghi về sự “khách quan” trong kết luận trên của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Yên Bái.
   
   
Quản lý tài khoản khách hàng: Ngân hàng có lỗi
   
  Tại kết luận số 82 của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Yên Bái, đơn vị này cũng đã phải thừa nhận và chỉ ra rõ những sai phạm của một số cán bộ Agribank Yên Bái trong quản lý tài khoản của khách hàng. Tuy nhiên, một tài khoản của khách hàng số tiền giao dịch thường xuyên lên đến hàng chục tỷ đồng nhưng khi xảy ra lỗi lại được Cơ quan CSĐT cho rằng đó chỉ là những lỗi nhỏ, sơ suất không đáng như trong tác nghiệp xử lý nghiệp vụ còn chứa cẩn thận, chưa thực hiện đúng quy định về ghi chép, kiểm tra, kiểm soát chứng từ.
   
  Theo Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Yên Bái những lỗi đó chỉ làm ảnh hưởng đến uy tín của Ngân hàng chứ không gây thất thoát tiền của Ngân hàng và khách hàng nên đề nghị Agribank Yên Bái kiểm điểm và có hình thức xử lý kỷ luật các cá nhân vi phạm.
   
  Cho đến nay bà Hường vẫn phủ nhận chưa hề nhận được số tiền gần hai mươi tỷ đồng bị Đào, Trí rút ra từ tài khoản của Cty Thẩm Hường do bà Hường làm chủ tài khoản. Trong khi, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Yên Bái cũng không kết luận được số tiền trên bà Hường đã nhận được hay chưa, hay là bị Đào, Trí chiếm đoạt. Toàn bộ số tiền này đến nay vẫn chưa được làm rõ. Đồng nghĩa với việc số tiền trong tài khoản của khách hàng bị rút ra trong đó không thể phủ nhận có sự đóng góp dù theo quan điểm của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Yên Bái chỉ là những sai sót nhỏ của cán bộ ngân hàng cho đến nay của khách hàng có bị thất thoát hay không vẫn là câu hỏi nhức nhối?.
   
   Tại biên bản làm việc ngày 10/8/2012 giữa Cty Thẩm Hường và Agribank Trấn Yên, ban lãnh đạo Agribank Trấn Yên đã phải thừa nhận: Trong các lần giải ngân có một số lần bà Nguyễn Thị Hải Hà – Trưởng phòng tín dụng khách hàng và bà Vũ Thị Thanh – Cán bộ tín dụng Agribank Trấn Yên có tự lập hồ sơ vay vốn giải ngân khống một số lần để thu tiền hỗ trợ lãi suất theo Quyết định 131/QĐ-TTg của Chính phủ. 
    
   Không hiểu vì sao một chi tiết quan trọng như vậy nhưng lại không hề được Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Yên Bái đề cập tới trong Kết luận số 82. 
   
   
Bản Kết luận số 82 của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Yên Bái
   
Có dấu hiệu “bỏ lọt” tội phạm?
   
  Theo bà Hường, một số lần bà có ủy quyền cho bà Đào lĩnh tiền, rút tiền từ tài khoản của Cty tại Agribank Trấn Yên. Tháng 6/2011, khi Cty Thẩm Hường lập tổ kiểm tra rà soát chứng từ hoạt động SXKD từ năm 2008 đến năm 2011 đã phát hiện những vấn đề bất cập liên quan đến giao dịch ngân hàng.
   
  Cụ thể, có 2 giấy ủy quyền lĩnh tiền, ủy quyền cho bà Đào rút tiền trong tài khoản của Cty Thẩm Hường là không hợp lệ. Hai giấy ủy quyền đều ghi rõ, bà Lê Thị Anh Đào được toàn quyền thay mặt chủ tài khoản là bà Hường lĩnh tiền từ tài khoản tiền gửi số 8703201000457 tại Agribank Trấn Yên từ ngày 1/1/2010 đến 31/12/2010, và từ ngày 1/1/2011 đến 30/12/2011. Tuy nhiên, hai giấy ủy quyền này đã sử dụng con dấu cũ của Cty không còn hiệu lực (từ ngày 23/7/2009, Cty Thẩm Hường đổi con dấu mới, có xác nhận của CA tỉnh Yên Bái).
   
  Việc này, đại diện Agribank Trấn Yên thừa nhận, giấy ủy quyền rút tiền của bà Đào trong năm 2010 và 2011 là do giao dịch viên Dương Kim Ngọc đã lấy giấy ủy quyền bản gốc năm 2009 (bản được Cty Thẩm Hường thừa nhận hợp pháp) photo thành 2 bản, chữa các con số ghi năm 2009 thành 2010 và 2011. Thế nhưng, đại diện ngân hàng này vẫn khẳng định, sự sửa chữa này không làm thay đổi bản chất sự việc, nên giấy ủy quyền vẫn hợp lệ, và việc giao dịch giữa ngân hàng và bà Đào vẫn đúng với các qui định của hoạt động ngân hàng.
   
  Ngoài ra, bà Hường còn tố cáo bà Đào đã sử dụng giấy ủy quyền hết hiệu lực trong thời gian từ 3/3/2008 đến 3/10/2008 để rút số tiền hơn 2,6 tỷ đồng; sử dụng giấy ủy quyền được đóng con dấu cũ trong thời gian từ 23/7/2009 đến 31/12/2009 rút gần 2,1 tỷ đồng nhưng không bị Agribank Trấn Yên “phát hiện”.
   
  Còn ông Nguyễn Minh Trí, kế toán Cty Thẩm Hường cũng sử dụng một giấy ủy quyền thay mặt chủ tài khoản là bà Trần Thị Hường lĩnh tiền trên tài khoản số: 870321000457 từ 19/5/2010 đến 31/12/2010, nhưng số tài khoản ủy quyền cho ông Nguyễn Minh Trí không đúng số tài khoản của Cty Thẩm Hường. Agribank Trấn Yên cho rằng, giấy ủy quyền cho ông Trí ghi sai số tài khoản của Cty là do Giám đốc Cty Thẩm Hường “nhầm lẫn”, chứ không phải lỗi tại ngân hàng và điều này cũng không gây ảnh hưởng gì đến Cty Thẩm Hường, cũng như bản chất giao dịch giữa ngân hàng và khách hàng.
   
  Bà Hường cho biết, sau khi sự việc xảy ra, bà Đào và ông Trí đều đã có bản tường trình sự việc gửi Công ty. Bà Đào thừa nhận trong quá trình giao dịch trả vay cho các khoản vay của Công ty, có lần bà Đào đã giả mạo chữ ký bà Hường vào chứng từ của ngân hàng để rút tiền, nhưng do thời gian quá lâu bà Đào không nhớ rõ bao nhiêu lần và bao nhiêu tiền.
   
  Ông Trí cũng cho biết, sổ sách chứng từ, ông Trí đã lập đầy đủ theo đúng quy định song do tác động từ cá nhân bà Đào đặt vấn đề nhờ ông Trí giúp đỡ, lập chứng từ cân đối sổ sách theo dõi kinh doanh của Công ty. Ông Trí đã phát hiện nhiều lần bà Đào lấy tiền của Công ty nhưng ông Trí không biết cụ thể là bao nhiêu lần.
   
  Đến đây không thể không đặt ra câu hỏi "Agribank Trấn Yên có làm đúng các quy định về hoạt động nghiệp vụ hay không?. Liệu ngân hàng này có bao che cho cán bộ ngân hàng câu kết với ông Trí, bà Đào làm giả giấy ủy quyền để rút tiền của Cty Thẩm Hường là những vấn đề mà dư luận đang chờ các cơ quan chức năng tỉnh Yên Bái vào cuộc, làm rõ để giải quyết dứt điểm vụ việc, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các bên, cũng như xử lý nghiêm những vi phạm xảy ra.
   
  Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
   
Luật sư Nguyễn Minh Long - Giám đốc Cty luật TNHH Dragon khẳng định: Hành vi của các cán bộ ngân hàng không phát hiện ra sai sót trong các giấy ủy quyền, tự tiện sửa chữa trong giấy ủy quyền lĩnh tiền, rút tiền của Cty Thẩm Hường là vi phạm các quy định quản lý kinh tế của Nhà nước, có dấu hiệu cấu thành tội “Cố ý làm trái các qui định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, theo Điều 165 Bộ luật Hình sự.
    
   
Mạnh Hưng
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Yên Bái: Cơ quan điều tra có “bỏ lọt” tội phạm?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO