(TN&MT) - Mặc dù mới đầu mùa khô nhưng hơn 10 ngày qua, xã Bông Trang (huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) đã không có nước tưới phục vụ sản xuất. Tình trạng khô hạn này khiến hơn 108ha nông sản trái vụ của 50 hộ dân đang vào thời điểm kết trái có khả năng mất trắng, thiệt hại ước khoảng gần 10 tỷ đồng.
NÔNG DÂN NHƯ “NGỒI TRÊN ĐỐNG LỬA”
Vườn thanh long ruột đỏ trái vụ của ông Hồ Đức Vinh (ấp Trang Nghiêm, xã Bông Trang) có diện tích 1,2ha đã đồng loạt cho trái. Như những năm trước, khoảng 1,5 tháng nữa vườn của ông Vinh sẽ thu hoạch và bán ra thị trường với giá 50 ngàn đồng/kg (cao gấp 5 lần so với thanh long chính vụ). Tuy nhiên, từ đầu tháng 3 đến nay, nước từ hồ Sông Hỏa không chảy về kênh dẫn nên vườn thanh long của ông Vinh đang trong tình trạng hấp hối. 10 giờ sáng ngày 15-3, chúng tôi có mặt tài vườn thanh long của ông Vinh. Hai công nhân đang bê từng ụ rơm đến tấp vào những trụ thanh long để giữ ẩm, nhằm cầm cự trong những ngày nắng nóng. Nhờ tích nước ở một hồ nhỏ phía sau vườn nên có một chùm khoảng 20 trụ thanh long gần phía sau nhà ông Vinh đang được tưới phun sương. Ông Vinh cho biết, theo lịch đăng ký nước tưới thì mỗi tuần ông được sử dụng nước tưới 2 lần từ các kênh thủy lợi. Nhưng hơn 10 ngày qua, nước không dẫn về kênh, nông dân không có nước tưới cho các vườn cây đang ra trái. “Nếu không có nước tưới trong khoảng 5-7 ngày nữa thì vườn thanh long nhà tôi sẽ rụng trái hết. Còn vài ngày nữa nếu có nước về thì năng suất thanh long trái vụ năm nay may chi cũng chỉ được ½ so với năm ngoái”, ông Vinh cho biết.
Không may mắn như nhà ông Vinh, 49 hộ trồng nông sản trái vụ khác ở ấp Trang Hoàng và Trang Nghiêm của xã Bông Trang những ngày qua không hề có giọt nước nào để tưới cho cây. Khoanh tay ngồi trước cửa nhà, nhìn ra vườn nhãn tiêu da bò 2ha đang cho những chùm trái xum xuê, anh Hồ Đình Lâm (tổ 7, ấp Trang Hoàng) buồn bã. Theo anh Lâm, khu vực ấp Trang Hoàng không có nhà nào khoan hoặc đào được giếng để lấy nước tưới. Vì vậy hoạt động canh tác của người dân ở đây đều dựa vào nguồn nước dẫn về từ hồ Sông Hỏa. “Nhưng nhiều ngày rồi nước không có, người dân chúng tôi như đang ngồi trên đống lửa. Ở thời điểm ra trái, nhãn cần nước tưới ít nhất là 2 lần/tuần. Nhưng đã hơn 10 ngày rồi, vườn nhãn nhà tôi không có một giọt nước nào. Nếu ít ngày nữa mà không có nước thì nhãn sẽ rụng trái hết”, anh Lâm nói. Cuối tháng 2 anh Lâm còn khấp khởi mừng vì nhãn trái vụ năm nay cho trái nhiều và đều hơn mọi năm. Với giá bán 30.000 đồng/kg tại vườn, anh Lâm nhẩm tính vụ này nếu thuận có thể thu về khoảng 800 triệu đồng. “Nhưng tình trạng khô hạn thiếu nước như vầy, chắc là vụ này tôi trắng tay”, anh Lâm buồn rầu.
Mọi năm, đến thời điểm này, ông Nguyễn Văn Lên (ấp Trang Hoàng) đã bắt đầu làm vụ nhãn trái mùa. Nhưng trong 2 tuần qua, khu vực ấp Trang Hoàng không có nước tưới nên ông đành bỏ vụ nhãn này. Ông Nguyễn Văn Lên cho biết, so với vụ chính thường làm trái vụ nhãn sẽ cho thu nhập cao hơn, như năm 2017, với 4 sào nhãn trái vụ ông thu được hơn 110 triệu đồng. “Giờ không có nước, tôi đành phải bỏ vườn. Nếu canh tác mà không có nước thì còn khổ hơn”, ông Lên cho biết.
THIỆT HẠI ƯỚC KHOẢNG 10 TỶ ĐỒNG
Đi dọc các kênh dẫn nước từ hồ chứa nước sông Hỏa về xã Bông Trang, tất cả các kênh đều khô rạc, trơ trọi nền xi măng. Nhìn vào những vườn nhãn, thanh long của nông dân xã Bông Trang, từng đám cỏ cũng đã cháy vàng. Ở một số vườn thỉnh thoảng có những cây đã chết khô.
Ông Phạm Văn Khanh, Tổ trưởng tổ dẫn nước xã Bông Trang cho biết, do khu vực xã Bông Trang không có nguồn nước ngầm nên người dân không khoan, không đào được giếng. Nguồn nước tưới tiêu cho 108ha cây trồng lâu năm như nhãn, thanh long trên địa bàn 2 ấp Trang Hoàng, Trang Nghiêm hoàn toàn dựa vào nguồn nước từ hồ Sông Hỏa. Nước từ hồ Sông Hỏa được tổ dẫn nước điều phối qua 16 kênh dẫn nước về phục vụ tưới tiêu cho bà con khu vực này. Theo lịch đăng ký, tổ dẫn nước sẽ mở nước để phục vụ nhu cầu tưới cho các hộ đăng ký, trung bình mỗi hộ được tưới 2 lần/tuần. Ông Khanh thông tin thêm, thông thường đến khoảng cuối tháng 4, đầu tháng 5 (cao điểm mùa khô của BR-VT) thì lượng nước trong hồ Sông Hỏa mới sụt giảm, không đủ để tự chảy vào các kênh. Khi đó, Trạm thủy nông huyện Xuyên Mộc sẽ lắp đặt máy bơm nước để bơm hỗ trợ dẫn nước về giúp cho bà con. Nhưng năm nay, mới đầu tháng 3 hồ Sông Hỏa đã có dấu hiệu cạn nước. Gần 10 ngày qua, nước không được bơm về các kênh dẫn, làm cho nhiều hộ đang canh tác trái vụ đứng ngồi không yên.
Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Bông Trang cho biết, trước tình trạng thiếu nước nghiêm trọng trên địa bàn gây khó khăn cho canh tác của bà con, ngày 14-3, UBND xã Bông Trang đã có văn bản kiến nghị Phòng NN-PTNT huyện Xuyên Mộc tiến hành bố trí máy bơm để bơm nước tưới để không ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Theo ông Phương, các loại cây trồng trái vụ như nhãn, thanh long trên địa bàn xã Bông Trang thường cho năng suất cao hơn và giá thành cũng cao hơn so với vụ chính. Với 108ha cả nhãn và thanh long vụ này nếu thiếu nước có khả năng thiệt hại khoảng 10 tỷ đồng.
Nhận được phản ánh của người dân xã Bông Trang, chiều ngày 15-3, đoàn công tác của HĐND tỉnh do đồng chí Trần Đình Khoa, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh BR-VT làm trưởng đoàn đã có cuộc khảo sát hồ chứa nước Sông Hỏa và tình hình thiếu nước sản xuất của nông dân Bông Trang. Đồng chí Trần Đình Khoa cho biết, phản ảnh của người dân về tình trạng thiếu nước là có thực. Nguyên nhân ban đầu được HĐND tỉnh xác nhận là do nguồn nước hồ Sông Hỏa bị ô nhiễm bởi hoạt động nạo vét lòng hồ. Nguồn nước không bảo đảm chất lượng tưới tiêu nên Sở NN-PTNT đã chỉ đạo trạm Thủy nông không bơm nước dẫn về các kênh cho bà con tưới tiêu. Hiện Sở NN-PTNT đang phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tìm giải pháp khắc phục để bảo đảm có nguồn nước tưới sớm nhất cho người dân canh tác trái vụ.