Báo Tài nguyên và Môi trường ghi nhận một số ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia xung quanh vấn đề này.
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Như - Chánh Thanh tra Sở TN&MT TP. Đà Nẵng: Cơ sở để ngăn chặn lấn chiếm, xây dựng trái phép
Đối với TP. Đà Nẵng, hiện nhiều khu vực ở quận Liên Chiểu, tình trạng lấn chiếm, xây dựng trái phép tại các khu dân cư vẫn diễn ra.
Với Nghị định số 91, nếu chúng ta thực hiện nghiêm sẽ góp phần lập lại trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực đất đai. Bởi, bên cạnh các hình thức xử phạt chính và hình thức xử phạt bổ sung, Nghị định số 91 còn quy định 17 biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc khôi phục lại hiện trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp; buộc thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai; buộc hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai; buộc hoàn thành việc đầu tư xây dựng; thu hồi đất..
Sử dụng đất đai hiệu quả - ảnh minh hoạ |
Ông Đặng Tuấn Khoa, Chánh Thanh tra Sở TN&MT TP.HCM: Giảm thiểu tự ý chuyển mục đích sử dụng đất
Việc quán triệt, triển khai nghiêm túc Nghị định số 91 của Chính phủ sẽ giúp các cơ quan chức năng ở địa phương thuận lợi trong việc xác định các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Đặc biệt, tại Nghị định số 91, những vi phạm phổ biến hiện nay như tự ý chuyển từ đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp, lấn chiếm đất đai… được quy định hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục rất nghiêm khắc, chắc chắn sẽ góp phần giảm thiểu những hành vi này.
Tuy vậy, Nghị định số 91 vẫn còn một số điểm cần các Bộ ngành Trung ương phối hợp làm rõ, điển hình như: Quy định xử phạt công trình xây dựng trên đất nông nghiệp (hiện nay hành vi này cũng đang được quy định tại Nghị định 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ “Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng… quản lý sử dụng nhà và công sở”).
Sử dụng đất đai hợp lý. Ảnh minh họa |
Luật sư Lê Cao Long, Công ty Luật TNHH Tân Long - Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Ninh: Chặt chẽ, khoa học và dễ áp dụng
So với Nghị định số 102, Nghị định số 91 có nhiều điểm mới, phù hợp với yêu cầu thực tiễn trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai như quy định rõ thế nào là hành vi hủy hoại đất (Khoản 3 Điều 3 của Nghị định).
Nếu như ở Nghị định 102 hành vi chiếm đất được quy định rất chung chung thì tại Nghị định số 91, hành vi chiếm đất đã được mô tả chi tiết, rất dễ áp dụng khi thực hiện trong công tác quản lý Nhà nước và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai (Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 91).
Đồng thời, Nghị định số 91 đã quy định rất rõ các biện pháp khắc phục hậu quả tại Khoản 3 Điều 5 về biện pháp khắc phục hậu quả nên về mặt kỹ thuật lập pháp Nghị định được thiết kế chặt chẽ, khoa học, dễ hiểu, dễ áp dụng, phát huy hiệu quả tích cực và đi vào cuộc sống.