Xử nghiêm với hành vi gây ô nhiễm

02/12/2014 00:00

(TN&MT) - Người gây ô nhiễm phải trả tiền xử lý ô nhiễm, và xử lý nước thải phải đáp ứng từng bước và tiến tới bù đắp chi phí dịch vụ thoát nước.

(TN&MT) -Người gây ô nhiễm phải trả tiền xử lý ô nhiễm, nguồn thu từ dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải phải đáp ứng từng bước và tiến tới bù đắp chi phí dịch vụ thoát nước. Đó là nguyên tắc chung quản lý thoát nước và xử lý nước thải được quy định tại Nghị định 80/2014/NĐ-CP về thoát nước và xử lý nước thải có hiệu lực từ 1/1/2015 tới đây.
   
Hậu họa đã rõ
   
  Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng, sự gia tăng dân số đã gây áp lực ngày càng lớn đối với tài nguyên nước ở Việt Nam, dẫn đến môi trường nước mặt ở nhiều đô thị, khu công nghiệp, các làng nghề ngày càng bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi nước thải và chất thải rắn.
   
  Những đô thị lớn như TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng… bị ô nhiễm nguồn nước rất nặng nề. Đô thị ngày càng phình ra, nhưng cơ sở hạ tầng lại phát triển không cân xứng, đặc biệt hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tại các đô thị vô cùng thờ ơ. Theo Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (VACNE), nước thải sinh hoạt chiếm khoảng 80% tổng số nước thải ở các thành phố, là một nguyên nhân chính gây nên tình trạng ô nhiễm nước, và vấn đề này có xu hướng ngày càng xấu đi. Ước tính, hiện chỉ có khoảng 6% lượng nước thải đô thị được xử lý.
   
  76% số dân đang sinh sống ở nông thôn, là nơi cơ sở hạ tầng còn lạc hậu, phần lớn các chất thải của con người và gia súc không được xử lý nên thấm xuống đất hoặc rửa trôi làm cho tình trạng ô nhiễm nguồn nước về mặt hữu cơ và vi sinh vật ngày càng cao, nhất là việc lạm dụng các chất bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp dẫn đến các nguồn nước ở sông, hồ, kênh, mương bị ô nhiễm và ảnh hưởng rất lớn đến môi trường và sức khỏe.
   
Nước thải đô thị - bài toán chưa có  lời giải
   
  Hiện, cả nước đã có 283 KCN, KCX được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên 80 nghìn ha trên phạm vi 58 tỉnh, thành phố, trong đó diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê đạt gần 52 nghìn ha, chiếm 65% tổng diện tích đất tự nhiên. Ngoài ra, còn có khoảng 878 CCN do địa phương thành lập. Tuy nhiên, thực tế cho thấy công tác quy hoạch các KCN, CCN hiện tại không tuân theo quy hoạch thống nhất, một số nơi thiếu cơ sở khoa học do chưa được giải quyết đồng bộ giữa đầu tư cơ sở hạ tầng và bảo vệ môi trường.
   
  Riêng với nước thải đô thị, Việt Nam đặt ra mục tiêu 70% dân số đô thị, tương đương khoảng 35 triệu người được kết nối với hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung vào năm 2025. Tuy nhiên, hiện nay, chỉ có khoảng 2,5 triệu người được kết nối với hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung.
   
  Theo tính toán của Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB, các chi phí bình quân đầu người cho việc kết nối với một hệ thống xử lý nước thải mới, đầy đủ là 200 – 600 USD. Điều đó cho thấy, Việt Nam sẽ cần phải đầu tư thêm khoảng 6,4 – 20 tỷ USD trong 12 năm tới để đạt được mục tiêu đề ra.
   
Cột chặt trách nhiệm người gây ô nhiễm
   
   
  Nhằm mục đích tăng cường hiệu quả quản lý thoát nước và xử lý nước thải tại đô thị, khu công nghiệp và khu dân cư tập trung nông thôn cũng như sử dụng nguồn tài nguyên nước bền vững, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2014/NĐ-CP (Nghị định 80). Nghị định này sẽ có hiệu lực từ ngày 1 tháng tháng 1 năm 2015 và thay thế Nghị định 88/2007/NĐ-CP về thoát nước đô thị và khu công nghiệp.
   
  Nghị định 80 đưa ra những nguyên tắc chung trong quản lý thoát nước và xử lý nước thải gồm người gây ô nhiễm phải trả tiền xử lý ô nhiễm và nguồn thu từ dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải phải đáp ứng từng bước và tiến tới bù đắp chi phí dịch vụ thoát nước; nước mưa, nước thải phải được thu gom, nước thải phải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật theo quy định; nước thải có tính chất nguy hại phải được quản lý theo quy định; hệ thống thoát nước được xây dựng đồng bộ và được duy tu, bảo dưỡng; Huy động sự tham gia của cộng đồng vào việc đầu tư, quản lý, vận hành hệ thống thoát nước…
   
  Điểm khác biệt căn bản giữa hai Nghị định, đó là quy định về giá dịch vụ thoát nước thay cho phí thoát nước. Cụ thể, theo quy định cũ, tất cả các hộ thoát nước xả thải vào hệ thống thoát nước phải trả phí thoát nước. Phương pháp xác định phí đối với nước thải sinh hoạt được tính theo khối lượng nước thải, còn với các loại nước thải khác tính theo khối lượng nước thải và hàm lượng chất gây ô nhiễm trong nước thải. Tuy nhiên, theo Nghị định mới, các hộ thoát nước sử dụng hoặc không sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung đều phải trả tiền dịch vụ thoát nước. Việc định giá tiền dịch vụ thoát nước căn cứ vào khối lượng nước thải và hàm lượng chất gây ô nhiễm trong nước thải, trong đó khối lượng nước thải được tính bằng 100% (đối với các hộ sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung) hoặc 80% (đối với các hộ không sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung).
   
  Ngoài điểm khác biệt nêu trên, Nghị định mới cũng bổ sung một số nội dung về phạm vi điều chỉnh, quy định quy chuẩn về nước thải, đầu tư phát triển hệ thống thoát nước, đấu nối hệ thống thoát nước, đồng thời bổ sung mới hoàn toàn nội dung về nguyên tắc chung quản lý thoát nước và xử lý nước thải và các tiêu chí lựa chọn công nghệ xử lý nước thải so với Nghị định cũ.
   
Phương Anh
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử nghiêm với hành vi gây ô nhiễm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO