Xử lý tài sản khi giấy phép khai thác khoáng sản bị thu hôi

08/09/2017 00:00

(TN&MT) - Đầu tháng 8/2017, công ty của tôi bị thu hồi Giấy phép khai thác khoáng sản, nhưng hợp đồng thuê đất của chúng tôi vẫn còn hiệu lực đến hết năm 2019. Vậy xin hỏi, khi Giấy phép khai thác khoáng sản bị thu hồi thì hợp đồng thuê đất của chúng tôi được xử lý như thế nào? Những công trình chúng tôi đầu tư trên đất để phục vụ quá trình khai thác sẽ xử lý ra sao?

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trả lời

Câu hỏi của bạn Báo Tài nguyên & Môi trường xin tư vấn như sau:

Theo  Điều 31 Luật Khoáng sản năm 2010: “1. Tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản phải thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai, trừ trường hợp không sử dụng lớp đất mặt hoặc hoạt động khoáng sản không ảnh hưởng đến việc sử dụng mặt đất của tổ chức, cá nhân đang sử dụng đất hợp pháp. Khi Giấy phép thăm dò khoáng sản, Giấy phép khai thác khoáng sản chấm dứt hiệu lực thì hợp đồng thuê đất cũng chấm dứt hiệu lực; khi từng phần diện tích thăm dò khoáng sản, khai thác khoáng sản được trả lại thì hợp đồng thuê đất cũng được thay đổi tương ứng. Khi có sự thay đổi tổ chức, cá nhân được phép thăm dò, khai thác khoáng sản thì hợp đồng thuê đất được ký lại.

2. Tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản được sử dụng hệ thống giao thông, thông tin liên lạc, điện và hạ tầng kỹ thuật khác để phục vụ hoạt động khoáng sản theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, khi Giấy phép khai thác khoáng sản bị thu hồi thì hợp đồng thuê đất cảu công ty của bạn cũng hết hiệu lực.

Xử lý tài sản khi giấy phép khai thác khoáng sản bị thu hồi

 Điều 58 Luật Khoáng sản 2010 quy định:  “1. Giấy phép khai thác khoáng sản bị thu hồi trong các trường hợp sau đây:

a) Sau 12 tháng, kể từ ngày giấy phép có hiệu lực, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản chưa xây dựng cơ bản mỏ, trừ trường hợp bất khả kháng;

b) Sau 12 tháng, kể từ ngày dự kiến bắt đầu khai thác, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản chưa tiến hành khai thác, trừ trường hợp bất khả kháng;

c) Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản vi phạm một trong các nghĩa vụ quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e và g khoản 2 Điều 55 của Luật này mà không khắc phục trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về khoáng sản có thông báo bằng văn bản;

d) Khu vực được phép khai thác khoáng sản bị công bố là khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản.

2. Giấy phép khai thác khoáng sản chấm dứt hiệu lực khi xảy ra một trong các trường hợp sau đây:

a) Giấy phép bị thu hồi;

b) Giấy phép hết hạn;

c) Giấy phép được trả lại;

d) Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản giải thể hoặc phá sản.

3. Khi Giấy phép khai thác khoáng sản chấm dứt hiệu lực thì các công trình, thiết bị bảo đảm an toàn mỏ, bảo vệ môi trường ở khu vực khai thác khoáng sản thuộc sở hữu nhà nước, không được tháo dỡ, phá huỷ. Trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày Giấy phép khai thác khoáng sản chấm dứt hiệu lực, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải di chuyển tài sản còn lại của mình và của các bên có liên quan ra khỏi khu vực khai thác khoáng sản; sau thời hạn này, tài sản còn lại thuộc sở hữu nhà nước.

4. Trong thời hạn quy định tại khoản 3 Điều này, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải thực hiện các nghĩa vụ có liên quan đến việc đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường và đất đai theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan”.

Vậy, khi Giấy phép khai thác khoáng sản chấm dứt hiệu lực thì các công trình, thiết bị đảm bảo an toàn mỏ, bảo vệ môi trường ở khu vực khai thác khoáng sản thuộc sở hữu nhà nước nếu không được phép thì không được tháo dỡ, phá hủy. Đồng thời, trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày Giấy phép khai thác khoáng sản chấm dứt hiệu lực, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải di chuyển tài sản còn lại của mình và của các bên có liên quan ra khỏi khu vực khai thác khoáng sản; sau thời hạn này, tài sản còn lại thuộc sở hữu nhà nước.

Báo TN&MT

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý tài sản khi giấy phép khai thác khoáng sản bị thu hôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO