Xử lý rác thải ở Phú Quốc: Không thể chôn lấp

13/02/2017 00:00

(TN&MT) - Đó là quan điểm của Bộ trưởng Trần Hồng Hà trước đề nghị của lãnh đạo tỉnh Kiên Giang với Bộ TN&MT trong việc hỗ trợ công tác xử lý rác thải trên địa bàn huyện đảo Phú Quốc.  

Đồng chủ trì buổi làm việc giữa Bộ TN&MT với tỉnh Kiên Giang về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường với Bộ trưởng Trần Hồng Hà có Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị.

Ủy viên Trung ương Đảng - Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà (giữa) phát biểu tại buổi làm việc chiều 13/2
Ủy viên Trung ương Đảng - Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà (giữa) phát biểu tại buổi làm việc chiều 13/2 giữa lãnh đạo Bộ TN&MT với lãnh đạo tỉnh Kiên Giang

Tham dự buổi làm việc có Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Anh Nhịn, các Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thị Phương Hoa và Võ Tuấn Nhân cùng lãnh đạo các Tổng cục, các Cục, Vụ và Văn phòng Bộ và lãnh đạo Sở TN&MT, lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị, một trong những vấn đề mà cử tri, nhân dân Kiên Giang và du khách hết sức quan tâm đó là tình trạng rác thải chưa được xử lý triệt để ở đảo ngọc Phú Quốc. Đây cũng là một trong những vấn đề mà lãnh đạo tỉnh Kiên Giang kiến nghị Bộ TN&MT tạo điều kiện, phối hợp và giúp đỡ Kiên Giang xử lý.

Về kiến nghị này của Kiên Giang, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị Tổng cục Môi trường và các đơn vị liên quan phối hợp với tỉnh Kiên Giang dựa trên các cơ sở pháp lý đã có là các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ để triển khai.

H2: Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị (giữa) phát biểu tại buổi làm việc chiều 13/2
Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị (giữa) phát biểu tại buổi làm việc chiều 13/2

Theo Bộ trưởng, đối với Phú Quốc, vấn đề xử lý nước thải sinh hoạt, xử lý chất thải rắn, hệ thống bảo vệ môi trường… như thế nào là vấn đề không riêng của Kiên Giang mà đây còn là vấn đề bảo vệ môi trường xuyên biên giới. Bộ trưởng đề nghị Kiên Giang quan tâm đến phương án thu hút đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân vào công tác xử lý rác thải theo cách làm của Hà Nội và TP.HCM. Làm như vậy, doanh nghiệp tư nhân sẽ đem những công nghệ mới nhất vào xử lý rác thải.

Theo Bộ trưởng, nếu Kiên Giang lựa chọn mô hình BOT hoặc BOO thì rất có thể sẽ thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. “Tôi cho rằng, tiêu chí của việc xử lý chất thải rắn hiện nay ở Phú Quốc là bảo vệ được môi trường, tái chế được chất thải, tái sử dụng được năng lượng chất thải và cắt giảm khí nhà kính… Đối với Phú Quốc, sản xuất được MW điện nào đều đáng quý. Phú Quốc không thể chôn lấp rác thải vì nơi đây, từng tấc đất là tấc vàng.” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Quang cảnh buổi làm việc chiều 13/2 tại trụ sở Bộ TN&MT
Quang cảnh buổi làm việc chiều 13/2 tại trụ sở Bộ TN&MT

Ngoài ra, tại buổi làm việc, thay mặt lãnh đạo tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng đã kiến nghị với Bộ TN&MT một số vấn đề liên quan đến công tác quản lý nhà nước về tài nguyên môi trường trên các lĩnh vực như: Việc tiếp cận nguồn vốn, chương trình hành động để triển khai thực hiện các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu; Hỗ trợ tỉnh thực hiện công tác đo đạc địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai; Hỗ trợ hoạt động cho Khu bảo tồn loài sinh cảnh Phú Mỹ, huyện Giang Thành…

Trước từng kiến nghị của tỉnh Kiên Giang, ngay tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà, các Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa và Võ Tuấn Nhân và lãnh đạo các Tổng cục, các Cục, Vụ liên quan đã trao đổi, giải đáp và phân tích, gợi ý cho lãnh đạo tỉnh Kiên Giang những, giải pháp, phương cách để có thể áp dụng vào công tác quản lý nhà nước về tài nguyên môi trường trên địa bàn tỉnh.

Đề án tổng thể bảo vệ môi trường đảo Phú Quốc đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 137/2008/QĐ-TTg nhằm bảo tồn và bảo vệ  môi trường, cảnh quan thiên nhiên đảo Phú Quốc, phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng đảo thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, giao lưu quốc tế, hiện đại của vùng đồng bằng sông Cửu Long và từng buớc hình thành một trung tâm du lịch, giao lưu mang tầm cỡ khu vực và quốc tế.

Mục tiêu cụ thể của Đề án giai đoạn 2008-2010: Tăng cường năng lực, thể chế chính sách, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, 100% các dự án ưu tiên, mô hình trọng điểm về bảo vệ môi trường được lập và thẩm định, phê duyệt và bố trí kinh phí đầy đủ để triển khai, thực hiện đạt hiệu quả, đúng tiến độ. 100% các dự án đầu tư phát triển phải được đánh giá tác động môi trường, lập cam kết bảo vệ môi trường theo đúng pháp luật. 100% các cơ sở xây dựng mới phải áp dụng công nghệ sạch thân thiện với môi trường. 70% hộ gia đình, cá nhân và 100% doanh nghiệp áp dụng phân loại rác tại nguồn. 100% cơ sở sản xuất kinh doanh có sản phẩm xuất khẩu phải áp dụng theo tiêu chuẩn ISO 14001. Cải thiện môi trường cho sông Dương Đông, 100% người dân sử dụng nước sạch, xây dựng 01 nhà máy xử lý chất thải rắn 200 tấn/ngày.

Giai đoạn 2011-2020: Tăng cường năng lực, thể chế, chính sách, ban hành các văn bản cụ thể hóa các quy phạm pháp luật về môi trường có tính đặc thù, ưu đãi áp dụng cho Phú Quốc. Hạn chế mức độ ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường: chất thải công nghiệp, bệnh viện phải được thu gom xử lý theo đúng quy định; 100% khu vực bị ô nhiễm được khắc phục xử lý, tăng độ che phủ rừng lên 75%. Phạm vi của đề án bao gồm toàn bộ phần đất liền và vùng ven bờ của huyện đảo Phú Quốc. Truớc tiên ưu tiên thực hiện 16 dự án của Đề án từ năm 2008 đến 2020, dự kiến cần kinh phí khoảng 800 tỷ đồng.


Tin & ảnh:Việt Hùng

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý rác thải ở Phú Quốc: Không thể chôn lấp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO