Xử lý hình sự các vi phạm môi trường còn khó khăn

19/10/2017 00:00

(TN&MT) - Trước yêu cầu bảo vệ môi trường bằng pháp luật hình sự, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã có nhiều quy định đổi mới liên quan đến cấu thành tội phạm và hình phạt đối với tội phạm môi trường. Tuy nhiên, việc xử lý hình sự các hành vi xâm hại môi trường vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Ảnh minh họa (nguồn Internet).
Ảnh minh họa (nguồn Internet).

Đây là ý kiến của nhiều chuyên gia tại Hội thảo khoa học “Tư pháp hình sự Trung Quốc và Việt Nam về tội phạm môi trường và kinh tế” vừa được Trường Đại học Luật hà Nội tổ chức mới đây.

Theo ông PGS.TS Phạm Văn Lợi, Viện trưởng Viện Khoa học Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường: Những khó khăn trong việc xử lý hình sự các hành vi vi phạm pháp luật môi trường hiện nay có thể kể đến như:việc phát hiện tội phạm trong lĩnh vực môi trường thường không nhanh, có thể kéo dài 1-2 năm; việc thu thập dữ liệu, chứng cứ còn nhiều khó khăn bởi các mẫu phân tích có thể thay đổi vào các thời điểm khác nhau; khó khăn trong thu thập và bảo quản chứng cứ bởi có chứng cứ phải bảo quản, có chứng cứ buộc phải thả ngay như động vật hoang dã; trình tự, thủ tục giám định còn chưa đầy đủ…

Ngoài ra, một vụ việc nhưng gây hậu quả cho nhiều địa phương thì phân định thẩm quyền tố tụng như thế nào, quy chuẩn pháp luật môi trường tại mỗi tỉnh, thành phố khác nhau thì nên áp dụng ra sao, ai là người đứng ra thay mặt những người chịu thiệt hại để khởi kiện? Do đó, cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về tội phạm môi trường, đảm bảo đồng bộ với các quy định pháp luật khác cũng như pháp luật quốc tế.

Đồng quan điểm này, PGS.TS Vũ Thị Lan Anh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội cho rằng: Để thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, tạo cơ sở để phát triển kinh tế thì mỗi quốc gia cần xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ để nhận diện và xử lý nghiêm các sai phạm trong lĩnh vực này. Thời gian qua, cùng với sự phát triển của pháp luật nói chung, pháp luật về bảo vệ môi trường ngày càng được hoàn thiện song thực tế áp dụng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nên cần tích cực học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm từ bạn bè quốc tế.

Còn theo TS. Lê Trung Kiên, Phó Trưởng khoa Đào tạo sau đại học, Học viện Cảnh sát nhân dân: Để tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng Cảnh sát môi trường trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, ngoài việc hoàn thiện về tổ chức, bố trí lực lượng, đầu tư cơ sở vật chất, trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật… thì việc tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hệ thống pháp luật là yêu cầu hết sức cần thiết và cấp bách.

Theo đó, cần ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện các quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự năm 2015 về các tội phạm về môi trường phù hợp với thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường và các văn bản có liên quan. Sửa đổi, bổ sung các quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, đề xuất cơ quan có thẩm quyền bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho lực lượng Cảnh sát Môi trường trong một số lĩnh vực như về quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, khoáng sản, vệ sinh an toàn thực phẩm… Cùng với đó, cần tiếp tục thể chế hóa Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.

Chương XIX Bộ luật Hình sự năm 2015 gồm có 12 điều (từ Điều 235 đến Điều 246) quy định các tội phạm xâm phạm đến môi trường và hệ sinh thái. Cá tội về môi trường gồm có: Tội gây ô nhiễm môi trường; Tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại; Tội vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường; Tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông; Tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam; Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người; Tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật; Tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản; Tội hủy hoại rừng; Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm; Tội vi phạm các quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên; Tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại

P. Oanh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý hình sự các vi phạm môi trường còn khó khăn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO