Xử lý chất thải rắn: Không dừng lại ở chôn lấp

11/11/2014 00:00

(TN&MT) - Tại Việt Nam hiện nay vẫn chôn lấp đến 80% lượng rác thải bỏ, trong khi diện tích dành cho chôn lấp ngày một thiếu.

(TN&MT) - Tại Việt Nam hiện nay vẫn chôn lấp đến 80% lượng rác thải bỏ, trong khi diện tích dành cho chôn lấp ngày một thiếu và cách làm này đang mang lại nhiều mối họa cho môi trường bởi công nghệ xử lý nước rỉ rác và khí thải còn rất lạc hậu. Vì vậy, việc lựa chọn giải pháp bằng hình thức chôn lấp không còn mang lại hiệu quả thiết thực cho tương lai…
   
Chôn lấp không còn khả thi
   
  Theo số liệu thống kê, hiện tổng lượng CTR thải ra tại đô thị khoảng 31.000 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom đạt khoảng 83%, đa phần do các công ty dịch vụ công ích thực hiện. Hiện rác thải đô thị chiếm 1/2 tổng lượng rác trong cả nước nhưng mới có khoảng 458 bãi chôn lấp đang vận hành có quy mô trên 1.800ha, trong đó chỉ có 121 bãi chôn lấp hợp vệ sinh (với diện tích 977ha). Còn lại 337 bãi chôn lấp không hợp vệ sinh phần lớn là bãi rác tạm, lộ thiên, không có hệ thống thu gom, xử lý nước rỉ rác.
   
   
Bãi chất thải rắn được đổ tràn lan tại KCN Tiền Hải – Thái Bình
   
  Cả nước có khoảng 26 nhà máy xử lý loại chất thải rắn đô thị và chủ yếu tập trung tại các đô thị lớn, với tổng công suất xử lý khoảng 6.000 tấn/ngày. Theo đánh giá của các chuyên gia thì Việt Nam mới xử lý được khoảng 20% rác thải tạm xem là đúng quy chuẩn. Trong khi đó, theo dự báo năm 2020 sẽ là 30 triệu tấn/năm, năm 2025 là 40 triệu tấn/năm.
   
  Tại nông thôn, lượng rác thải ra khoảng 30.000 tấn/ngày. Tỷ lệ thu gom rác vùng nông thôn còn thấp, khoảng 40% - 55% tùy địa phương. Với hiện trạng như trên, việc thu gom, xử lý CTR đang là vấn đề cấp bách ở cả đô thị và khu vực dân cư nông thôn. Việc xử lý chất thải rắn bằng hình thức chôn lấp không còn phù hợp bởi lượng rác thải càng ngày càng gia tăng kéo theo sự thu hẹp quỹ đất.
   
  Nhận thấy điều này, Việt Nam đang dần chuyển hướng ứng dụng công nghệ lò đốt rác thải, tận dụng nguyên liệu từ rác trước khi mang chôn lấp như lò đốt tại Nam Định hay ứng dụng công nghệ ủ rác thành phân vi sinh tại Thái Bình... Đặc biệt với sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế trong đó có Nhật Bản phương pháp xử lý đốt rác bằng lò đốt thông minh đã được áp dụng thành công. Hiện, dưới sự hỗ trợ của Nhật Bản, Việt Nam đã bắt đầu vận hành một số nhà máy áp dụng công nghệ này ở TP Hà Nội và một số địa phương.
   
Cần những cơ chế ưu đãi
   
  Mặc dù đã có những bước chuyển nhất định trong việc xử lý chất thải rắn đô thị, tuy nhiên, để phát triển và ứng dụng rộng rãi những công nghệ này đối với Việt Nam còn không ít khó khăn.  Tiến sĩ Nguyễn Văn Lạng, Chủ tịch Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VASTI), nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng,  việc xử lý chất thải của Việt Nam tồn tại  hạn chế do nhiều nguyên nhân, trước hết là rào cản lớn đối với các doanh nghiệp khi thủ tục hành chính còn chồng chéo giữa các chính sách, quy định, thông tư. Bên cạnh đó còn phải kể đến những “yêu sách” của một số địa phương khi cho chủ đầu tư vào thực hiện dự án.
   
  Đứng trước những hạn chế, tồn tại này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo Bộ Xây dựng sớm xây dựng, hoàn thiện danh sách một số dự án thí điểm đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn với những ưu đãi, cơ chế khuyến khích phù hợp để tạo bước đột phá trong triển khai Chương trình đầu tư xử lý chất thải rắn đến năm 2020. Trên cơ sở đề xuất của các địa phương, Bộ Xây dựng lựa chọn các dự án thí điểm đảm bảo các tiêu chí cần thiết về quy mô, công nghệ, khả năng tái chế, tái sử dụng cao, tiết kiệm quỹ đất, chi phí đầu tư, đáp ứng các yêu cầu về môi trường theo quy định.
   
  Dựa trên danh mục này, các Bộ, ngành hữu quan sẽ xem xét các cơ chế ưu đãi về vay vốn tín dụng, mức lãi suất, hỗ trợ kinh phí thực hiện nghiên cứu, thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền sử dụng đất… Phó Thủ tướng lưu ý các địa phương tiếp tục làm tốt công tác quy hoạch quản lý chất thải rắn. Hiện mới có 26/63 tỉnh, thành hoàn thành việc phê duyệt hoặc điều chỉnh quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn. Các cơ quan chuyên môn cũng cần tiến hành đánh giá công nghệ xử lý chất thải rắn đang áp dụng tại Việt Nam để xây dựng các tiêu chuẩn công nghệ phù hợp. Trong đó ưu tiên công nghệ tái chế, công nghệ xử lý phù hợp với từng vùng miền ở Việt Nam.
   
Bài và ảnh:Thụy Anh
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý chất thải rắn: Không dừng lại ở chôn lấp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO