Xi Măng Hà Giang - Bài 1: Sau cổ phần hoá công ty, 3 bố con chia nhau nắm quyền trục lợi?

01/05/2014 00:00

(TN&MT) - Sau gần 10 năm cổ phần hóa, 3 cha con nhà ông chủ tịch HĐQT đã để lại món nợ hơn 100 tỉ đồng cho những người ở lại gánh chịu.

  
(TN&MT) - Cách đây 8 năm, Công ty cổ phần xi măng Hà Giang là doanh nghiệp nhà nước, sau đó công ty này được UBND tỉnh Hà Giang cho phép cổ phần hóa. Hội đồng quản trị (HĐQT) đã bầu ông Vũ Duy Chanh giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty. Từ đó đến nay, công ty không những không phát triển được mà ngày càng bị lâm vào tình cảnh nợ nần với hàng chục khoản nợ hàng trăm tỉ đồng. Vì sao lại như vậy?.

Cháy nhà ra mặt chuột

 Phải tới khi gần 200 cán bộ công nhân viên của Công ty Cổ phần Xi măng Hà Giang lâm vào tình trạng thất nghiệp thì Ban kiểm soát của công ty mới “sờ” đến các hạng mục kinh doanh của công ty. Tất cả đều sững sờ bởi hầu như lĩnh vực nào của Công ty kinh doanh cũng đều phát hiện sai phạm. Vì vậy, các cổ đông yêu cầu HĐQT phải tổ chức tiến hành hội nghị cổ đông bất thường để làm rõ mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. Tại đại hội cổ đông bất thường lần 3 (ngày 22/10/2012), các cổ đông đã bỏ phiếu nhất trí phế truất Chủ tịch HĐQT là ông Vũ Duy Chanh cùng hai con trai hiện đang giữ chức Giám đốc điều hành (Vũ Duy Quang) và Phó Giám đốc Vũ Duy Quân (em ruột Quang). Ngoài ra một số thành viên quản lý khác của công ty cũng bị bãi nhiệm. Đồng thời, đại hội đã bầu ông Nguyễn Quốc Lập làm Chủ tịch HĐQT là người đại diện theo pháp luật của công ty; ông Bùi Quang Bồng làm Giám đốc và ông Hoàng Trọng Hiếu làm Phó Giám đốc thay thế 3 bố con vị cựu chủ tịch HĐQT.
  
  
  
Một góc dây chuyền nhà máy xi măng Hà Giang

 Ngay sau khi có ban quản trị mới, HĐQT tiến hành kiểm kê, đánh giá lại tài sản và tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh. Qua đó phát hiện ra nhiều sai phạm trong quá trình quản lý, điều hành công ty thời 3 bố con ông Chanh làm quản lý. Lúc này, các cổ đông mới được biết Công ty Cổ phần Xi măng Hà Giang đang lâm vào tình trạng phá sản, vì các khoản nợ đến hạn không còn khả năng thanh toán.

 Không thể chấp nhận sự vô lý của việc "quýt làm nhưng lại bắt cam chịu", ngày 25/5/2013, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Xi măng Hà Giang Nguyễn Quốc Lập ký văn bản số 97/XMHG-BC gửi Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Giang báo cáo tình hình thiệt hại của Công ty do các sai phạm mà bố con ông Chanh cùng “bộ sậu cũ” để lại với tổng thiệt hại ước khoảng 136 tỷ đồng. Trong đó, nợ tiền lương của người lao động 13 tháng (từ tháng 4/2012 - 5/2013) khoảng 1,2 tỷ đồng; nợ bảo hiểm xã hội hơn 874 triệu đồng; nợ thuế giá trị gia tăng hơn 1,92 tỷ đồng… Đặc biệt là các khoản vay đến hạn đối với các tổ chức tín dụng, cá nhân và các khách hàng khác lên đến hơn 78 tỷ đồng, khiến Công ty Cổ phần Xi măng Hà Giang mất khả năng thanh toán.

Ai được hưởng lợi khi công ty bị thua lỗ?

 Trong bản báo cáo do HĐQT mới lập ra cho biết, lỗ lũy kế trong 3 năm liên tiếp (2009, 2010 và 2011) là 51 tỷ đồng, nhưng ông Giám đốc Vũ Duy Quang chỉ báo cáo là 9 tỷ đồng; số lỗ còn lại (42 tỉ đồng) thì ông Quang (cựu giám đốc điều hành, con trai ông Chanh) và Phòng Tài vụ kế toán của Công ty Cổ phần Xi măng Hà Giang phù phép hạch toán vào chi phí xây dựng dở dang (?!). Không những vậy, số vật tư tồn kho thực tế chỉ khoảng 2 tỷ đồng, nhưng ông Quang đã chơi trò "nhảy múa với các con số" lên đến 29 tỷ đồng, gấp gần 15 lần giá trị thực tế.
  
  
  
Quyết định khởi tố vụ án hình sự "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản"


 Ngoài ra, năm 2008, Công ty Cổ phần Xi măng Hà Giang ký hợp đồng mua hơn 10,8 nghìn tấn than của công ty CP SX&KD vận tải thiết bị (Hà Nội) với giá hơn 10,3 tỷ đồng và đã thanh toán số tiền 6,9 tỷ đồng, còn nợ hơn 3,4 tỷ đồng. Thế nhưng, không hiểu vì lí do gì mà giá trị hàng hoá trên chứng từ bán ra lại lên tới hơn 15,9 tỷ đồng. Liệu số tiền chênh lệch hơn 5,6 tỷ đồng có rơi vào túi đối tác hay tiếp tục vào hầu bao của ông Chanh?.

 Cũng trong năm này, ông Chanh cùng bộ sậu tiếp tục làm giả hồ sơ, chứng từ mua hơn 30 nghìn tấn than trị giá hơn 8,3 tỷ đồng của công ty cổ phần Đồng Tâm, có trụ sở ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ do chính ông Chanh sáng lập và làm Chủ tịch HĐQT. Việc này, ông Nguyễn Quốc Lập (người được bầu làm chủ tịch HĐQT thay ông Chanh) cho biết, thời điểm năm 2008 Công ty CP Xi măng Hà Giang không mua 30 nghìn tấn than nhưng đã thanh toán cho công ty cổ phần Đồng Tâm hơn 6 tỷ đồng; đồng thời phải nhận nợ với công ty này hơn 2,3 tỷ đồng còn lại. Số tiền này ai đã trục lợi và chiếm đoạt ?

 Trước các sai phạm mang động cơ trục lợi và có hệ thống nêu trên, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở Hà Giang xử lý ra sao?. Ngày 28/3/2013, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Giang đã ra Quyết định số 09/QĐ-PC46 hởi tố vụ án hình sự “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” được quy định tại Điều 140 BLHS với hậu quả gây ra là đặc biệt nghiêm trọng.

 Tiếp đó, ngày 18/3/2014, UBND tỉnh Hà Giang ra Văn bản số 36/TB-UBND truyền đạt kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Đàm Văn Bông: “Giao Sở Kế hoạch &Đầu tư làm việc với các thành viên trong HĐQT Công ty Cổ phần Xi măng Hà Giang, giúp lựa chọn mời đơn vị kiểm toán độc lập để xác định rõ việc góp vốn của từng cổ đông trong Công ty Cổ phần Xi măng Hà Giang; xác định rõ các khoản công nợ của công ty trong quá trình sản xuất kinh doanh. Sở Kế hoạch & Đầu tư có trách nhiệm phối hợp với đơn vị kiểm toán để báo cáo kết quả với Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 30/4/2014”.

 Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin sự việc.
  
Bài & ảnh: Mạnh Hưng 
  
       
Theo thông báo số 223/TBKL-UBND ngày 3/12/2012 của UBND tỉnh Hà Giang, Công ty cổ phần Xi măng Hà Giang còn nợ 3.469,96 tấn ximăng, tương đương 4.284,2 triệu đồng, cụ thể nợ huyện Quản Bạ: 308,6 tấn; nợ huyện Đồng Văn: 583,15 tấn; Vị Xuyên: 1.598,63 tấn; TP.Hà Giang: 979,58 tấn. UBND tỉnh Hà Giang đã yêu cầu Cty phải có trách nhiệm cung ứng đầy đủ cho các xã, các huyện số ximăng còn nợ trước ngày 30.4.2013, đồng thời phải có trách nhiệm hoàn trả số kinh phí chênh lệch giá ximăng do nhà máy chậm giao hàng làm cho các địa phương phải đi mua nơi khác để hoàn thiện công trình.
       
   

  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xi Măng Hà Giang - Bài 1: Sau cổ phần hoá công ty, 3 bố con chia nhau nắm quyền trục lợi?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO