Xét xử sơ thẩm vụ tham nhũng tại Vinalines: Dương Chí Dũng: “Tôi không bao giờ can thiệp vào công việc của anh em”

13/12/2013 00:00

Tòa án nhân dân TP.Hà Nội mở phiên sơ thẩm vụ “tham ô tài sản” và “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”

Sáng 12/12/2013, Tòa án nhân dân TP.Hà Nội đã mở phiên sơ thẩm xét xử vụ “tham ô tài sản” và “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Nhân vật được dư luận chú ý nhiều nhất là bị cáo Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Vinalines. Dự kiến phiên tòa diễn ra trong ba ngày, từ 12 đến 14/12/2013.
   
An ninh được siết chặt
   
  Ngay từ sáng sớm, khá đông lực lượng Cảnh sát và An ninh đã có mặt tại các ngã tư dẫn vào Tòa án nhân dân TP.Hà Nội, trực tiếp bảo vệ phiên tòa cũng như kiểm tra gắt gao những người đến dự phiên xét xử theo giấy mời của tòa. Khoảng 30 phóng viên thuộc các cơ quan báo chí tại Hà Nội đã có mặt đưa tin, mỗi người chỉ được mang theo một cuốn sổ, cây bút, còn toàn bộ phương tiện tác nghiệp như máy ghi âm, điện thoại, máy ảnh... đều phải gửi lại bộ phận an ninh.
   
  Khoảng gần 8 giờ sáng, chiếc xe đặc chủng chở Dương Chí Dũng và các bị cáo lao vun vút vào sân tòa nhưng đi theo cổng khác nên phóng viên rất khó tiếp cận. Sau vài tháng bị tạm giam, Dương Chí Dũng có vẻ gầy đi nhưng gương mặt vẫn giữ được vẻ bình thản thường ngày trong bộ áo trắng sơ-vin quần âu sẫm màu, khoác chiếc áo xanh bên ngoài.
   
   
Dương Chí Dũng tại tòa.
   
  Suốt buổi sáng 12/12, Tòa án nhân dân TP.Hà Nội đã dành thời gian đọc bản cáo trạng truy tố Dương Chí Dũng và các bị cáo gồm: Mai Văn Phúc (cựu TGĐ Vinalines), Trần Hữu Chiều (cựu Phó TGĐ kiêm Trưởng ban quản lý dự án mua ụ nổi 83M), Bùi Thị Bích Loan (cựu Kế toán trưởng Vinalines), Lê Văn Dương (đăng kiểm viên), Mai Văn Khang (cán bộ Ban quản lý dự án Vinalines), Lê Ngọc Triện, Lê Văn Lừng và Huỳnh Hữu Đức (đều là cán bộ Chi cục Hải quan Tân Phong, tỉnh Khánh Hòa), Trần Hải Sơn (cựu Giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines). Theo cáo trạng của Viện KSNDTC, từ đầu năm 2007 đến cuối năm 2008 Vinalines triển khai dự án nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam và quyết định việc mua ụ nổi 83M - một hạng mục quan trọng trong dự án, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 366 tỷ đồng, tham ô 28 tỷ. Trên thực tế, ụ nổi 83M do Nhật Bản sản xuất từ năm 1965, đã hỏng nhiều và không còn khả năng hoạt động, được bán với giá 2,3 triệu USD (tương đương 37 tỷ đồng theo tỷ giá năm 2008). Dù vậy, Vinalines vẫn mua ụ này qua Công ty môi giới AP (Singapore) với giá 9 triệu USD (gần 190 tỷ đồng).
   
Dương Chí Dũng: "Không biết, không chỉ đạo"
   
  Trong phần thẩm vấn diễn ra từ 11 giờ 30 cùng ngày, chủ tọa phiên tòa đã hỏi về việc lấy tiền đâu để trả nợ khi vay vốn đầu tư dự án từ ngân hàng, Dương Chí Dũng cho biết Vinalines dự kiến phát hành cổ phần để huy động với 80% giá trị đầu tư, 20% còn lại các đối tác khác góp vốn. Điều đó cho thấy Vinalines chưa xác định được nguồn trả nợ, mà kịch bản xảy ra ai cũng biết là sau đó Vinalines sẽ trình Nhà nước quyết toán khoản này đồng thời ngân sách phải chịu lãi toàn bộ cho khoản vay đầu tư dự án của Vinalines.
   
  Bị cáo cũng trình bày, lúc làm văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề nghị bộ chủ quản báo cáo Thủ tướng về dự án và khi có văn bản đồng ý bổ sung dự án vào quy hoạch ngành hàng hải từ Chính phủ, hiểu rằng đã được chấp nhận về chủ trương nên đã giao Ban giám đốc lập dự án ngay. Dương Chí Dũng thừa nhận chỉ khi làm việc với cơ quan điều tra, ông ta mới biết như thế là sai luật, đúng ra phải chờ dự án được Bộ GTVT cập nhật trong quy hoạch ngành mới có giá trị.
   
  Thừa nhận mình và các đồng phạm biết rõ ụ nổi này hỏng nhiều, không hoạt động được, không đủ điều kiện lưu hành nhưng vẫn tìm cách móc nối nhau hợp thức hóa thủ tục đưa từ Nga về Việt Nam, bị cáo Dương Chí Dũng cho biết ông ta không chỉ đạo cũng chẳng định hướng mua ụ cũ hay mới mà giao cho Mai Văn Phúc thực hiện; việc cử người đi khảo sát ở Nga cũng do HĐQT quyết định và chỉ nghe tổng giám đốc báo cáo trong cuộc họp kèm theo tờ trình mua ụ nổi của Công ty AP giá 9 triệu USD, chứ không nắm trực tiếp từ cán bộ khảo sát.
   
  Về việc phải mua ụ nổi qua Công ty AP của Singapore mà không nhập trực tiếp từ Nga, Dương Chí Dũng giải thích là do “bên dưới” báo cáo vướng mắc một số thủ tục xuất nhập khẩu nên buộc phải thông qua Công ty AP. Tòa hỏi: “Sau khi phê duyệt, bị cáo chỉ đạo gì tiếp theo?”, Dương Chí Dũng trả lời: “Bị cáo không chỉ đạo cụ thể, không biết gì, không được báo cáo” và lý giải nguyên nhân là do: “Mối quan hệ của tôi với Phúc không tốt. Tôi không bao giờ can thiệp vào công việc của anh em”.   
                   
Theo CATPHCM
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xét xử sơ thẩm vụ tham nhũng tại Vinalines: Dương Chí Dũng: “Tôi không bao giờ can thiệp vào công việc của anh em”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO