Có 4.458 xã đạt chuẩn NTM
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, sau gần 10 năm triển khai Chương trình, đến nay, cả nước đã có 4.458 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 50,01% tổng số xã, tăng gần gấp 3 lần so với năm 2015, về đích trước hơn 1 năm so với mục tiêu 50% số xã đạt chuẩn vào năm 2020... Trong đó, Nam Định, Bình Dương, Đồng Nai, Đà Nẵng là các địa phương đầu tiên của cả nước có 100% số xã đạt chuẩn NTM.
Kinh tế hộ nông thôn chuyển dịch theo hướng phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hình thành nhiều trang trại với quy mô lớn hơn, hiệu quả cao hơn. Nước ta đã có nhiều hợp tác xã (HTX) kiểu mới được hình thành và phát triển, hỗ trợ tốt hơn cho sự phát triển kinh tế hộ gia đình. Các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao dần được hình. Mô hình “Cánh đồng lớn” được nhân rộng ở nhiều địa phương, cả nước hiện có 2.262 điểm với tổng diện tích 579,3 nghìn ha.
Công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn phát triển nhanh cả về giá trị sản xuất và lĩnh vực, hình thức hoạt động. Giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn có xu hướng tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp, bình quân giai đoạn 2008 - 2017 đạt 12,2%. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn đã tăng gấp 3 lần từ năm 2010 đến năm 2018.
Bảo vệ môi trường có nhiều chuyển biến
Đến nay, cả nước đã có khoảng 42 tỉnh, thành phố có kế hoạch xử lý rác thải tập trung ở nông thôn; có 22 địa phương đã phê duyệt chủ trương đầu tư các nhà máy xử lý chất thải rắn nông thôn quy mô liên huyện và cấp tỉnh; có 3.210 xã và 19.500 thôn có hệ thống thoát nước thải sinh hoạt (chiếm 35,8% tổng số xã và 24,4% tổng số thôn). Tỷ lệ xã có thu gom rác thải sinh hoạt tăng từ 44,1% năm 2011 lên 63,5% năm 2018; tỷ lệ thôn có thu gom rác thải sinh hoạt tăng từ 25,8% lên 47,3%.
Một số huyện có mô hình phân loại rác hữu cơ và rác vô cơ tương đối thành công, đạt tỷ lệ trên 30% số hộ trên địa bàn như: Nghi Xuân, Can Lộc, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh); Cam Lộ (Quảng Trị). Tỷ lệ xã có điểm thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật cả nước đạt 21%. Một số địa phương như Hà Tĩnh, Thái Nguyên, An Giang đã thí điểm mô hình xử lý nước thải sinh hoạt nông thôn quy mô hộ gia đình, liên hộ theo hình thức phân tán hoặc bán tập trung. Bên cạnh đó, các tỉnh Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình, An Giang… đang triển khai thí điểm mô hình cánh đồng lớn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV).
Kết quả điều tra của một số cơ quan nghiên cứu cho thấy, khoảng 84,78% số hộ nông thôn hài lòng về xây dựng NTM (rất hài lòng 25,06%; hài lòng 59,72%); 14,29% số hộ có mức hài lòng trung bình. Cùng với quá trình tham gia các hoạt động xây dựng NTM, người dân đã ngày càng nhận thức rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của mình.
Còn đó nhiều băn khoăn
Chương trình MTQG xây dựng NTM đã thực hiện lồng ghép với Chương trình 135 để đạt được những kết quả nổi bật trong vấn đề nước sạch sinh hoạt ở các vùng nông thôn. Cụ thể, tỷ lệ hộ có nguồn nước sử dụng hợp vệ sinh ở nông thôn trên toàn quốc đạt 90,8%, trong đó, có 2 vùng đạt dưới 90% là vùng Trung du và miền núi phía Bắc (đạt 81,3%) và Tây Nguyên (đạt 87,5%). |
Tại Hội nghị tổng kết 10 năm Chương trình MTQG xây dựng NTM khu vực miền núi phía Bắc vừa diễn ra tại Hòa Bình, nhiều ý kiến cho rằng, những kết quả này vẫn chưa thực sự bền vững.
Cụ thể, khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng NTM giữa các vùng, miền còn khá lớn. Trong khi, một số địa phương đã hoàn thành xây dựng NTM trên địa bàn (TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương, Nam Định, Hà Nam, TP. Hà Nội, Hải Dương, Thái Bình…) để chuyển sang giai đoạn nâng cao và xây dựng NTM kiểu mẫu, một số địa phương khác có số xã đạt chuẩn rất thấp như: Cao Bằng, Sơn La, Điện Biên, Bắc Kạn, Kon Tum, Đắk Nông. Chất lượng đạt chuẩn và công tác duy trì bền vững kết quả sau đạt chuẩn còn nhiều hạn chế. Một số địa phương chạy theo phong trào, chỉ chú trọng phát triển hạ tầng, chưa quan tâm đúng mức tới phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng đời sống văn hóa, nâng cao đời sống của người dân. Việc này còn kéo theo vấn đề nợ đọng xây dựng cơ bản…
Cơ cấu lại nền nông nghiệp chưa thực hiện đồng đều giữa các địa phương. Công nghiệp chế biến phát triển còn hạn chế, số lượng lớn sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu ở dạng thô hoặc sơ chế. Nông sản xuất khẩu chủ yếu là xuất thô, chưa định rõ loại hình chất lượng, 80% lượng nông sản chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác. Một số vùng chuyên nông nghiệp chính như Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên vẫn thiếu các trục giao thông huyết mạch, không có cảng biển nước sâu phục vụ xuất khẩu làm tăng chi phí giao dịch và cản trở thu hút đầu tư.
Tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn có xu hướng trầm trọng hơn, dễ dẫn tới xung đột về môi trường mà thiếu các giải pháp đồng bộ để khắc phục. Đã xuất hiện thảm họa môi trường trên diện rộng gây thiệt hại lớn cho kinh tế - xã hội. hiện tượng chạy theo thành tích ở các xã và vấn đề nợ đọng xây dựng cơ bản…
Bộ trưởng Bộ TN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, trong vòng 10 - 15 năm tới, việc triển khai Chương trình MTQG xây dựng NTM phải gắn chặt với cơ cấu lại ngành nông nghiệp với cách tiếp cận mới, đi vào chiều sâu, đảm bảo tính bền vững. Cần lấy thay đổi tư duy, nếp sống, năng lực của người dân làm mục tiêu, cư dân nông thôn làm chủ thể, cộng đồng thôn, bản là đơn vị để đánh giá. Cần đẩy mạnh phân cấp, trao quyền cho địa phương và cộng đồng thôn bản. Phát triển nông thôn cần được triển khai song song với đô thị hóa nông thôn bền vững; xây dựng NTM cần gắn chặt với bảo vệ môi trường.
Giai đoạn 2011 - 2018, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân ngành nông nghiệp đạt 2,95%/năm. Nếu như năm 2008, chỉ có 5 mặt hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, đến nay, đã có 10 nhóm mặt hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Xuất khẩu nông sản Việt Nam đứng thứ 15 thế giới, thứ 2 Đông Nam Á và đã xuất sang thị trường hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. |