Xây dựng mạng lưới trạm định vị toàn cầu bằng vệ tinh trên lãnh thổ Việt Nam

08/04/2016 00:00

(TN&MT) – Sáng 8/4, tại Hà Nội, Cục Đo đạc & Bản đồ Việt Nam tổ chức hội nghị giới thiệu dự án “Xây dựng mạng lưới trạm định vị toàn cầu bằng về tinh trên lãnh thổ Việt Nam” và tổng hợp các ứng dụng trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Cục trưởng Cục Đo đạc & Bản đồ - ông Phan Đức Hiếu cho biết: Đây là một trong những dự án trọng điểm Cục được Bộ Tài nguyên và Môi trường giao triển khai trong giai đoạn 2016 – 2020. Với việc triển khai dự án này, công nghệ và hạ tầng kỹ thuật của ngành đo đạc, bản đồ sẽ có một bước ngoặt lớn. Dự kiến, sau khi dự án hoàn thành các vấn đề như lưới khống chế đo vẽ, đi tìm điểm…sẽ dần dần hạn chế và không còn nữa; có thể đo bản đồ địa chính, địa hình với độ chính xác cao. Song song với việc triển khai dự án, Cục sẽ phải xây dựng các quy định, quy chuẩn kỹ thuật mới trong lĩnh vực đo đạc bản đồ.

Ông Phan Đức Hiếu - Cục trưởng Cục Đo đạc & Bản đồ phát biểu khai mạc hội nghị
Ông Phan Đức Hiếu - Cục trưởng Cục Đo đạc & Bản đồ phát biểu khai mạc hội nghị

Giới thiệu tổng hợp về dự án, ông Phan Ngọc Mai - Phó Cục trưởng Cục Đo đạc & Bản đồ chỉ ra các vấn đề về mục tiêu, quy mô, nội dung và kế hoạch triển khai dự án theo từng giai đoạn. Theo đó, dự án Xây dựng mạng lưới trạm định vị toàn cầu bằng vệ tinh trên lãnh thổ Việt Nam nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới, góp phần tăng năng suất lao động trong lĩnh vực đo đạc, bản đồ; phục vụ cho công tác xây dựng hệ thống quy chiếu động, tham gia vào hệ thống lưới địa động lực quốc tế; đồng thời, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng đo đạc và bản đồ.

Theo Phó Cục trưởng, dự án được xây dựng với tổng số 65 trạm CORS; trong đó trạm Xử lý và Điều khiển Trung tâm được đặt tại Hà Nội có chức năng quản lý, giám sát, thu nhận, xử lý và cấp phát số liệu từ các trạm trên.

Phó Cục trưởng Cục Đo đạc & Bản đồ - ông Phan Ngọc Mai giới thiệu tổng hợp về dự án
Phó Cục trưởng Cục Đo đạc & Bản đồ - ông Phan Ngọc Mai giới thiệu tổng hợp về dự án

Dự án triển khai qua 5 giai đoạn gồm: xây dựng các thiết bị kỹ thuật – Dự toán chi tiết, lập hồ sơ mời thầu và xây dựng cơ sở hạ tầng trạm Geodetic CORS phủ trùm trên cả nước (2016); trong năm 2017, hoàn thiện hạ tầng các trạm trên toàn quốc, xây dựng hạ tầng trạm xử lý trung tâm tại Hà Nội và lắp đặt thiết bị cho một số trạm CORS; năm 2018, mục tiêu sẽ thực hiện các nhiệm vụ lắp đặt hoàn chỉnh thiết bị đối với hệ thống trạm, đo xác định tọa độ, độ cao cho các trạm này, hoàn chỉnh hạ tầng kết nối các trạm trong toàn lưới với Trạm Xử lý và điều khiển trung tâm, vận hành thử nghiệm hệ thống. Giai đoạn 4 của dự án triển khai trong năm 2019 với mục tiêu đào tạo vận hành và chuyển giao công nghệ.

Mr.Neil AshCroft, Giám đốc dòng sản phẩm GNSS & Monitoning, Leica Geosytems - Hãng sản xuất thiết bị trắc địa hàng đầu thế giới
Mr.Neil AshCroft, Giám đốc dòng sản phẩm GNSS & Monitoning, Leica Geosytems - Hãng sản xuất thiết bị trắc địa hàng đầu thế giới

Giai đoạn cuối cùng dự án bắt đầu từ năm 2020 với mục tiêu xác định là “Bên cạnh nguồn vốn đầu tư của Nhà nước để xây dựng bổ sung, Cục Đo đạc & Bản đồ Việt Nam kêu gọi các đơn vị Nhà nước và các tổ chức cá nhân tham gia vào hệ thống cơ sở hạ tầng định vị Việt Nam, nhằm mục tiêu phủ kín những khu vực còn lại trên toàn lãnh thổ”.

Toàn cảnh Hội nghị
Toàn cảnh Hội nghị

Tại hội nghị, Mr.Neil AshCroft, Giám đốc dòng sản phẩm GNSS & Monitoning, Leica Geosytems - Hãng sản xuất thiết bị trắc địa hàng đầu thế giới giới thiệu giải pháp công nghệ liên quan đến hệ thống trạm CORS và chia sẻ kinh nghiệm xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống trạm CORS. Đặc biệt, một số vấn đề liên quan đến việc ứng dụng, khai thác hệ thống trạm CORS để hiện đại hóa hạ tầng kỹ thuật đo đạc và bản đồ Việt Nam cũng được đưa ra và thảo luận.

Tin & ảnh:Tuyết Chinh

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng mạng lưới trạm định vị toàn cầu bằng vệ tinh trên lãnh thổ Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO