Ông Tô Văn Hùng - Giám đốc Sở TN&MT TP. Đà Nẵng cho rằng, thời gian qua, tình hình quản lý thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố còn thiếu tính chủ động, phối hợp giữa các cơ quan đơn vị. Để khắc phục tình trạng này, UBND thành phố vừa ban hành Kế hoạch số 698/KH-UBND về việc phòng ngừa, ứng phó các sự cố trong xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố. Kế hoạch nhằm giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của các sự cố đến môi trường, con người, góp phần ổn định về môi trường kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự.
Theo kế hoạch, trong trường hợp xảy ra sự cố kéo dài đến 2 ngày, UBND các quận, huyện phối hợp với Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng xác định các điểm tập kết rác ở đường Lê Thanh Nghị, Yên Khê 1, Trần Nam Trung, Đinh Liệt, Nguyễn Xí, ngã ba đường Vân Đồn - Bùi Quốc Hưng và khu vực Đa Phước để lưu chứa rác trong đô thị hợp lý với thời gian lưu chứa không quá 3 ngày.
Lực lượng chức năng được huy động để thông đường cho xe vào bãi rác Khánh Sơn vì người dân phản đối |
Khi thời gian xảy ra sự cố về rác sinh hoạt kéo dài, Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng phối hợp với UBND quận Cẩm Lệ triển khai tập kết rác tại khu vực mỏ đá Hòa Phát (phường Hòa Phát) với diện tích 1ha và phối hợp với UBND huyện Hòa Vang triển khai tập kết rác tạm tại 3 khu vực ở xã Hòa Nhơn gồm: 2 mỏ đá có tổng diện tích 3,7ha thuộc khu vực quy hoạch Cụm công nghiệp Hòa Nhơn và khu vực rộng 3ha thuộc phạm vi quy hoạch Khu đô thị sinh thái - biệt thự nhà vườn đường Hoàng Văn Thái.
Kế hoạch cũng phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị chức năng, trong đó, Sở TN&MT là cơ quan đầu mối, tham mưu cho UBND triển khai các giải pháp phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố. UBND các quận, huyện tổ chức vận động người dân lưu giữ rác thải trong thời gian xảy ra sự cố.
Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng và các doanh nghiệp liên quan đến xử lý chất thải rắn sinh hoạt khẩn trương xây dựng kế hoạch, đầu tư nguồn lực chuẩn bị các phương tiện, vật tư, thiết bị để kịp thời ứng phó với các tình huống sự cố xảy ra theo kế hoạch và các quy định khác liên quan; thực hiện tốt công tác quản lý, vận hành, khai thác các công trình tại bãi rác Khánh Sơn (Hòa Khánh Nam, Liên Chiểu); hạn chế đến mức thấp nhất việc phát tán mùi hôi của rác thải và nước thải ra môi trường xung quanh, không gây ảnh hưởng đến người dân sinh sống khu vực; kịp thời thông báo đến chính quyền địa phương, các cơ quan, ban, ngành có chuyên môn về sự quản lý, vận hành không bảo đảm về các tiêu chí vệ sinh môi trường của các dự án nằm trong khuôn viên và lân cận bãi rác Khánh Sơn.
Theo Sở TN&MT TP. Đà Nẵng trung bình mỗi ngày, thành phố phát sinh hơn 1.100 tấn rác thải. Dự kiến, từ năm 2020 - 2025, phát sinh hơn 1.800 tấn/ngày; giai đoạn năm 2025 - 2030, hơn 2.400 tấn/ngày và hơn 3.000 tấn/ngày trong thời gian từ năm 2030 - 2040. Những con số cảnh báo trên cho thấy, đô thị Đà Nẵng đang đối mặt với quá nhiều áp lực về vấn đề rác thải trong tương lai.
Hiện TP. Đà Nẵng đã cơ bản lựa chọn được công nghệ phù hợp cho Nhà máy xử lý rác thải rắn Khánh Sơn dự kiến đến tháng 9/2023 sẽ đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, nhà máy đốt rác công suất 650 tấn/ngày đêm của Công ty Môi trường Việt Nam đang triển khai nâng cấp công nghệ, dự án Trạm Xử lý nước rỉ rác giai đoạn 2 đang thực hiện bước lựa chọn nhà thầu sẽ hoàn thành trong năm 2021, dự án Nâng cấp bãi rác Khánh Sơn sẽ khởi công tháng 10/2020, sắp tới, thành phố sẽ đầu tư thêm 1 lò đốt rác thải y tế... để giải quyết bài toán môi trường của Đà Nẵng trong tương lai.