Xây dựng khu xử lý chất thải tại các KCN, CCN: Có đầu tư nhưng không đồng bộ

29/06/2017 00:00

(TN&MT) - Thời gian qua, hàng loạt các KCC, CCN được xây dựng làm thay đổi diện mạo của nhiều địa phương. Tuy nhiên, việc hoàn thiện, quản lý, giám sát xây dựng khu xử lý chất thải, nước thải tập trung triệt để trước khi thải ra môi trường tại các KCN vẫn đang là một trong những thách thức không hề nhỏ cho công tác bảo vệ môi trường.

Chỉ có 60% nước thải công nghiệp được xử lý

Theo báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia cho thấy, cả nước hiện có 283 KCN đang hoạt động và có 212 KCN đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung (chiếm 74,9%), 24 KCN đang xây dựng hệ thống còn lại đang có lộ trình đầu tư. Nguồn thải tại các KCN mặc dù tập trung nhưng thải ra môi trường rất lớn; trong khi đó, công tác quản lý cũng như xử lý chất thải còn nhiều hạn chế. Các hệ thống xử lý chất thải tập trung ở KCN chỉ xử lý được khoảng 60% lượng nước thải phát sinh. Lượng nước còn lại một phần do các cơ sở miễn trừ đầu nối và tự xử lý, một phần xả thẳng ra môi trường.

Bên cạnh đó, cả nước hiện có 878 CCN đã có quyết định thành lập hoặc đã được phê duyệt với tổng diện tích 32.481ha. Tuy nhiên, số liệu nghiên cứu cho thấy, mức độ phát thải trên đơn vị diện tích của các CCN không hề thua kém các KCN với trung bình từ 15 – 20 m3/ ngày đêm. Tính đến tháng 10/2014, chỉ có khoảng 3- 5% trong tổng số các CCN đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung, còn lại tự xử lý hoặc xả thải ra ngoài môi trường. Đánh giá cho thấy, hệ thống xử lý nước thải tập trung chưa được đầu tư đồng bộ, một số hoạt động chưa thực sự hiệu quả (cả nước chỉ có 66 CCN có hệ thống xử lý nước thải chung đi vào hoạt động chiếm 10,5% so với CCN đang hoạt động).

Nước thải trong sản xuất hóa chất theo nước mưa chảy ra ngoài môi trường do chưa có Hệ thống xử lý nước thải tập trung tại Khu công nghiệp Tằng Lỏong Lào Cai
Nước thải trong sản xuất hóa chất theo nước mưa chảy ra ngoài môi trường do chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung tại Khu công nghiệp Tằng Lỏong Lào Cai

Liên quan tới vấn đề này, PGS.TS Lê Trình, Viện trưởng Viện Khoa học môi trường và phát triển đã dẫn chứng cho thấy rằng, tại Hà Nội có tới 3.000 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phát sinh chất thải công nghiệp nhưng chỉ có gần 200 đơn vị đăng ký quy trình xử lý nghiêm túc; tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý chỉ chiếm 20 đến 25% số còn lại trôi nổi và lẫn vào rác sinh hoạt. Tại TP. Hồ Chí Minh có tới gần 50% các doanh nghiệp cơ sở sản xuất có phát sinh nước thải ra môi trường chưa trang bị hệ thống xử lý nước thải.

Ngay cả với các KCN, CCN mặc dù đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung thì việc đầu tư hệ thống quan trắc nước thải tự động tại KCN còn nhiều hạn chế, không theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014. Tính đến nay, mới chỉ có 102 KCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung được lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động (chiếm tỷ lệ 48%)

Nhận định về thực trạng này, ông Lê Hoài Nam, Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm, Tổng cục Môi trường cũng cho rằng, hiện nhiều KCN – CCN vừa thu hút đầu tư vừa xây dựng cơ sở hạ tầng, tuy nhiên lại không tuân thủ thiết kế ban đầu, không xây dựng nhà máy xử lý chất thải tập trung. Bên cạnh đó, hoạt động của hệ thống xử lý nước thải tập trung tại một số KCN không hiệu quả do chủ đầu tư không tính đến tiến độ thu hút đầu tư, dẫn đến lượng nước thải thu gom quá ít, không đủ để vận hành thường xuyên hệ thống xử lý nước thải. Bên cạnh đó, một số KCN không vận hành hệ thống xử lý nước thải do các cơ sở không thực hiện việc đấu nối.

Nói không với KCN không có hệ thống xử lý nước thải

Để khắc phục tình trạng trên, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 1107/QĐ – TTg về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020. Theo định hướng của Chính phủ, trong 5 năm tới, 90% các KCN thành lập phải có hệ thống xử lý nước thải. Bộ KH&ĐT phối hợp với Bộ TN&MT, cùng UBND các tỉnh, thành phố giám sát việc xây dựng, vận hành khu xử lý nước thải của KCN.

Ngay tại các địa phương như Hà Nội, UBND TP đã giao Sở Công thương phối hợp với các Sở, ngành liên quan lập đề án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các KCN-CCN trên địa bàn giai đoạn năm 2012-2015. Mục tiêu của đề án này là đến năm 2015 và những năm tiếp theo, 100% CCN đã hoạt động ổn định có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn. Và hiện mục tiêu này vẫn còn ở phía trước và để hiện thực hóa điều này không chỉ ở Hà Nội mà tại hầu hết các địa phương có các KCN cũng đang còn là một các đích còn rất khó khăn.

Doanh nghiệp dệt nhuộm tại Hải Dương có xây dựng hệ thống xử lý nước thải nhưng vẫn xả thải ra môi trường
Doanh nghiệp dệt nhuộm tại Hải Dương có xây dựng hệ thống xử lý nước thải nhưng vẫn xả thải ra môi trường

Để quản lý, giám sát nước thải của các KCC, CCN trước khi thải ra môi trường, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho biết, thời gian tới Bộ sẽ tập trung thực hiện việc rà soát, đánh giá tổng thể các tác động môi trường đối với các dự án thành lập mới hoặc mở rộng KCN. Chỉ cho phép các KCN xây dựng mới đi vào hoạt động sau khi hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường, tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Không cho phép thu hút các dự án đầu tư vào KCN hoặc thực hiện thủ tục mở rộng tại các KCN đã đi vào hoạt động nhưng chưa hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường. Yêu cầu các KCN đã đi vào hoạt động phải hoàn thành việc xây dựng, vào vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung theo đúng quy định của pháp luật.

Để xử lý triệt để tình trạng xả thải và tạo động lực cho các KCN xây dựng khu xử lý chất thải tập trung và các doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện, theo nhiều chuyên gia cần những chế tài đủ mạnh như việc tăng cao hơn nữa mức xử phạt. Đặc biệt, cần “hình sự hóa” các hành vi xả thải gây ô nhiễm nghiêm trọng và Luật Hình sự sửa đổi. Từ đó tạo được tiền đề và ý thức chấp hành nghiêm việc bảo vệ môi trường tại các KCN  - CCN.

Thụy Anh

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng khu xử lý chất thải tại các KCN, CCN: Có đầu tư nhưng không đồng bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO