|
Nhằm triển khai “Chiến lược phát triển viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn năm 2040” của Chính phủ, Bộ TN&MT đang xây dựng dự thảo khung Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Quốc gia về viễn thám “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ viễn thám phục vụ phát triển kinh tế xã hội và quốc phòng – an ninh”.
Theo ông Nguyễn Quốc Khánh, Cục trưởng Cục Viễn thám Quốc gia (Bộ TN&MT), sau khi có đề xuất nội dung và định hướng nghiên cứu, Cục đã gửi văn bản đề nghị các Viện nghiên cứu, trường đại học trực thuộc Bộ TN&MT cùng các Bộ, ngành liên quan, các Sở TN&MT về việc đề xuất nội dung xây dựng khung Chương trình. Đến nay, đã có 20 đơn vị gửi công văn trả lời.
Trên cơ sở thu thập, phân tích, đánh giá các tài liệu viễn thám cả trong nước và quốc tế, Tổ soạn thảo gồm các đơn vị thuộc Bộ TN&MT đã xây dựng thuyết minh Chương trình và dự thảo sơ bộ khung Chương trình.
Ông Nguyễn Quốc Khánh, Cục trưởng Cục Viễn thám Quốc gia phát biểu tại cuộc họp |
Cục trưởng Nguyễn Quốc Khánh cho biết, Chương trình sẽ tập trung nghiên cứu các nội dung về: Cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách về viễn thám; nghiên cứu xây dựng và phát triển hệ thống thu nhận – xử lý dữ liệu viễn thám; nghiên cứu xây dựng và phát triển hệ thống thu nhận – xử lý dữ liệu viễn thám; nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng liên quan đến khoa học công nghệ và viễn thám; hỗ trợ hợp tác quốc tế, tiếp nhận và chuyển giao công nghệ viễn thám.Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chương trình, ngày 20/5/2020, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã ký phê duyệt Quyết định thành lập Ban soạn thảo, Tổ giúp việc ban soạn thảo xây dựng Chương trình. Theo kế hoạch, trong tháng 6, Bộ TN&MT sẽ hoàn thiện hồ sơ Chương trình để gửi lấy ý kiến các Bộ, ngành, cũng như tham vấn chuyên gia.
Dự kiến, sản phẩm của các đề tài ở dạng dữ liệu, báo cáo, chuyên đề giải pháp công nghệ, ấn phẩm công bố trên tạp chí khoa học và công nghệ chuyên ngành trong nước và quốc tế. Dự thảo khung chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, các mô hình quản lý nhà nước về hoạt động viễn thám ở trung ương và địa phương.
Các phương pháp, quy trình công nghệ, giải pháp kỹ thuật, phần mềm ứng dụng công nghệ viễn thám trong quan trắc, giám sát tình hình khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, tai biến thiên nhiên, quốc phòng an ninh; thành lập, cập nhật cơ sở dữ liệu bản đồ, cơ sở hạ tầng thông tin không gian. Mô hình, thiết bị của vệ tinh viễn thám, hệ thống trạm thu nhận, xử lý dữ liệu viễn thám, trạm điều khiển vệ tinh viễn thám, hệ thống chụp ảnh bề mặt Trái đất có khả năng gắn trên các thiết bị bay không người lái.
Toàn cảnh buổi làm việc |
Tại cuộc họp, các thành viên Ban soạn thảo cơ bản nhất trí với các nội dung trong khung Chương trình và góp ý thêm liên quan đến mục tiêu, nội dung nghiên cứu, sản phẩm chính và chỉ tiêu đánh giá.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh, đây là chương trình quan trọng, có các sản phẩm khoa học công nghệ phục vụ Chiến lược mang tính lâu dài. Thứ trưởng chỉ đạo Ban soạn thảo và Tổ giúp việc tiếp thu các ý kiến nhằm hoàn thiện khung chương trình. Đặc biệt, làm rõ mục tiêu của Chương trình cần đạt được những sản phẩm gì về mặt khoa học công nghệ để phục vụ Chiến lược. Từ đó, định hướng tập trung nội dung nghiên cứu, định hình sản phẩm của Chương trình.
Thứ trưởng cũng đề nghị đánh giá thực trạng ứng dụng công nghệ viễn thám hiện nay để đề xuất nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản, các lĩnh vực mũi nhọn của Việt Nam có thể cải tạo, nâng cấp công nghệ quốc tế hiện có để đưa vào ứng dụng. Thứ trưởng kỳ vọng Chương trình sẽ đóng góp tích cực, tạo đột phá với kết quả khoa học công nghệ phục vụ tốt cho Chiến lược phát triển viễn thám quốc gia đến 2030, tầm nhìn 2040.