Xây dựng chính sách ưu tiên giảm phát thải

01/09/2016 00:00

(TN&MT) - “Tăng trưởng nóng” trong phát triển kinh tế - xã hội là một trong những nguyên nhân chính gây phát thải khí nhà kính tại Việt Nam.  Để giảm thiểu được điều này, theo nhiều chuyên gia, cần những thay đổi từ chính sách.

Gia tăng nguồn phát thải

Theo Báo cáo cập nhật quốc gia của Việt Nam cho Công ước chung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu, hiện, Việt Nam  có rất nhiều nguồn gây phát thải khí nhà kính (KNK). Đặc biệt là ngành công nghiệp năng lượng được xem là lĩnh vực có tổng lượng phát thải lớn nhất. Theo tính toán của các nhà khoa học lĩnh vực này thường đóng góp đến trên 90% lượng CO2 và 75% lượng KNK khác phát thải ở các nước đang phát triển. 95% các khí phát thải từ ngành năng lượng là CO2, còn lại là CH4 và NO với mức tương đương. Trong đó, phát thải từ đốt nhiên liệu hóa thạch đóng góp đến 70% tổng lượng phát thải, tiêu biểu là từ các nhà máy điện và nhà máy lọc dầu. Trong đó, KNK từ quá trình đốt nhiên liệu chiếm tỷ trọng khoảng 85 - 90%.

Nông dân sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật trong nông nghiệp. Ảnh: MH
Nông dân sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật trong nông nghiệp. Ảnh: MH

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, theo số liệu thống kê từ Viện Môi trường nông nghiệp, lượng phát thải từ hoạt động nông nghiệp mỗi năm, phát thải tương đương 65 triệu tấn CO2, chiếm trên 43% tổng lượng khí nhà kính của cả nước.

Bên cạnh đó, lĩnh vực phát thải KNK trong lĩnh vực quản lý chất thải được tính toán cho các hoạt động thu gom, xử lý chất thải rắn đô thị và phát thải KNK từ nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp. Nhìn chung, phát thải từ lĩnh vực chất thải chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ (2.5 - 5.3%) trong cơ cấu tổng phát thải quốc gia.

Theo số liệu tại Báo cáo kiểm kê khí thải năm 2010, các nhà khoa học đã dự báo tổng lượng phát thải trong lĩnh vực năng lượng năm 2020 vào khoảng 381,1 triệu tấn CO2 tươngđương. Nguồn phát thải lớn nhất là từ công nghiệp năng lượng, với lượng phát thải là 163,2 triệu tấn CO2 tương đương, chiếm 42,8%. Tổng lượng phát thải trong lĩnh vực năng lượng năm 2030 vào khoảng 648,5 triệu tấn CO2 tương đương. Nguồn phát thải lớn nhất cũng từ công nghiệp năng lượng, với lượng phát thải là 377,5 triệu tấn CO2 tương đương, chiếm 58,2%.

Đối với nông nghiệp so với năm 2010, hai tiểu lĩnh vực có lượng phát thải tăng cả về lượng và tỷ lệ so với tổng phát thải là chăn nuôi gia súc và đất nông nghiệp, trong khi đó, tiểu lĩnh vực trồng lúa có xu thế giảm, đặc biệt là giảm tỷ lệ so với tổng phát thải, từ 50,5% năm 2010 giảm xuống còn 36,5% vào năm 2030. Trong lĩnh vực chất thải, so với năm 2010, lượng phát thải CO2  tương đương tăng lên 466 triệu tấn vào năm 2020 và 760,5 triệu tấn vào năm 2030.

Đẩy mạnh thực thi các giải pháp

Để giữ vững mục tiêu phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường một cách bền vững, giảm thiểu tác hại từ biến đổi khí hậu, hơn lúc nào hết, việc đẩy mạnh các giải pháp đang là một vấn đề cấp thiết đặt ra không chỉ riêng Việt Nam mà của nhiều quốc gia. TS. Nguyễn Văn Tài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường cho rằng, các giải pháp giảm phát thải KNK có thể được xây dựng căn cứ theo các yếu tố ảnh hưởng đến lượng phát thải trong từng lĩnh vực, ngành.  Trên cơ sở xác định các yếu tố ảnh hưởng, các giải pháp giảm phát thải KNK nói chung và  lĩnh vực nông nghiệp nói riêng sẽ được xây dựng theo hướng tác động đến khả năng hấp thụ và phát thải KNK theo chiều hướng có lợi cho việc giảm phát thải ròng. Theo đó, cơ hội để giảm thiểu KNK trong nông nghiệp gồm 3 nhóm: Giảm phát thải CO2 , CH4, N2O bằng các biện pháp quản lý, kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp; tăng cường khả năng dự trữ, hấp thụ các bon trong các bể chứa hệ sinh thái nông, lâm nghiệp; tránh hoặc di dời phát thải bằng cách thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng nhiên liệu sinh học từ cây trồng và phụ phẩm nông nghiệp, tránh và hạn chế canh tác nông nghiệp ở những khu vực có rừng, đồng cỏ, thảm thực vật.

TS. Tài cho biết, để cụ thể hóa các giải pháp giảm phát thải KNK theo hướng trên, các quốc gia thường kết hợp giữa xây dựng, phát triển các chính sách giảm thải với đẩy mạnh nghiên cứu, áp dụng các giải pháp công nghệ.

Bên cạnh các giải pháp về chính sách, theo nhiều chuyên gia từ Viện Chiến lược chính sách TN&MT, giải pháp về công nghệ là một mặt không thể thiếu trong chiến lược giảm phát thải KNK của các quốc gia. Các giải pháp này rất đa dạng, nhưng cần được đầu tư nghiên cứu và thử nghiệm để đảm bảo phù hợp với điều kiện của quốc gia nói chung, cũng như ngành nghề, địa bàn áp dụng nói riêng.   

Các phương án, lựa chọn giảm phát thải không những phải góp phần hỗ trợ các quốc gia đảm bảo thực hiện các cam kết quốc tế trong cắt giảm khí thải mà còn cần giữ vững, duy trì an ninh năng lượng, an ninh lương thực cũng như phúc lợi xã hội. Có thể nói, vấn đề này chỉ có thể được giải quyết khi các quốc gia có định hướng đúng trong công tác giảm phát thải KNK, trên cơ sở xác định các nguồn phát thải chính, lĩnh vực giảm phát thải ưu tiên, các yếu tố tác động đến lượng phát thải, từ đó, đưa ra các chính sách hợp lý… tác động trên nhiều phương diện, đối tượng cũng như tạo môi trường thuận lợi để triển khai các công nghệ giảm phát thải tiềm năng.

Thái Bình                    

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng chính sách ưu tiên giảm phát thải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO