Xây dựng bộ tiêu chí ĐTM cho việc khai thác khoáng sản rắn đáy biển

05/12/2013 00:00

Khoáng sản rắn đáy biển của Việt Nam có trữ lượng khá lớn, đây là nguồn cung dồi dào trong khi nguồn vật liệu xây dựng truyền thống ngày càng khan hiếm.

(TN&MT) - Khoáng sản rắn đáy biển của Việt Nam có trữ lượng khá lớn, đây là nguồn cung dồi dào trong khi nguồn vật liệu xây dựng truyền thống ngày càng khan hiếm. Tuy nhiên, hiện chưa có văn bản pháp lý nào quy định các nội dung cụ thể về ĐTM cho hoạt động KTKSB tại Việt Nam. Chính vì vậy, Bộ TN&MT giao Trung tâm Địa chất khoáng sản biển triển khai thực hiện Đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học phục vụ đánh giá tác động môi trường đối với các dự án KTKSB”  nhằm xây dựng cơ sở khoa học cho việc xây dựng văn bản pháp luật này.
   
Khai thác ảnh hưởng những vùng nào?
   
  Qua nghiên cứu cho thấy, hoạt động KTKSB sẽ lấy đi một khối lượng lớn vật liệu trầm tích ra khỏi khu vực khai thác làm thay đổi địa hình đáy và điều kiện tích tụ trầm tích ở khu vực này dẫn đến sự thay đổi hoạt động của chế độ lan truyền sóng. Những chuyển động của sóng qua khu vực khai thác trên đường tới bờ biển sẽ bị thay đổi bởi địa hình đáy biển bị thay đổi.
   
  Ngoài ra, việc khai thác còn có thể gây ô nhiễm môi trường sống, làm mất nơi cư trú của sinh vật: hoạt động KTKSB làm thay đổi môi trường nước và trầm tích tại khu vực diễn ra hoạt động khai thác. Trong khi đó môi trường sống của các loại sinh vật biển là môi trường nước và trầm tích đáy. Do đó, hoạt động KTKSB chắc chắn sẽ ảnh hưởng ở các mức độ khác nhau đến môi trường sống của sinh vật biển.
   
   
   Đặc biệt, việc khai thác còn có khả năng làm thất thoát và cạn kiệt tài nguyên. Ví như khai thác khoáng sản rắn dưới đáy biển mà chủ yếu là sa khoáng titan và zircon cũng giống như các hoạt động khai thác tài nguyên khác, tác động đầu tiên là làm mất đi chính các khoáng sản rắn đó. Mà nguồn khoáng sản thất thoát này hầu như không thể khai thác lại được nữa, do chúng tồn tại phân tán và có khả năng bị xáo trộn (do sập, lở đáy biển hoặc bồi hoàn trầm tích) sau lần khai thác ban đầu. Hiện nay, việc khai thác tài nguyên khoáng sản rắn mới chỉ được tiến hành tại các khu vực ven biển (đối với các sa khoáng titan - zircon) và ở các khu vực cửa sông, cửa biển (đối với VLXD mà chủ yếu là cát san lấp). Chưa có dự án khai thác khoáng sản nào được tiến hành dưới đáy biển. Nếu có chỉ là những công trình khai thác nhỏ lẻ, bừa bãi bằng công nghệ lạc hậu. Việc khai thác không khoa học, không có cơ sở pháp lý như vậy sẽ làm tăng nguy cơ chảy máu tài nguyên,  không chỉ làm cạn kiệt chính nguồn tài nguyên được khai thác mà còn có thể làm thất thoát một số nguồn khoáng sản khác quý giá hơn chưa được đánh giá, nghiên cứu tới.
   
24 tiêu chí đánh giá DTM
   
  Hiện nay, việc ĐTM là bắt buộc trong quy trình lập và triển khai các dự án đầu tư phát triển. Nội dung ĐTM đã được quy định trong các văn bản mang tính pháp lý như Nghị định số 29/2011/NĐ-CP ngày 18/4/2011 quy định về đánh giá môi trường chiến lược, ĐTM, cam kết bảo vệ môi trường; Thông tư số 26/2011/TT-BTNMT quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 29/2011/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ quy định về đánh giá môi trường chiến lược, ĐTM, cam kết bảo vệ môi trường. Do vậy các nội dung, quy trình ĐTM cho hoạt động KTKSB cũng không nằm ngoài phạm vi các văn bản nói trên.
   
  Tuy nhiên, đối với công tác ĐTM cho hoạt động KTKSB có những đặc thù riêng, vì vậy  các nhà nghiên cứu đã đưa ra bộ 24 tiêu chí cần xác định, trong đó có nội dung như: Đánh giá tác động đến hệ sinh thái vùng khai thác và lân cận; Sơ bộ đánh giá khả năng phục hồi hệ sinh thái biển trong khu vực khai thác; Đánh giá tác động làm thay đổi chất lượng nước biển, quá trình đánh giá phải đưa ra khối lượng chất thải tối đa trong một đơn vị thời gian khai thác có thể đưa vào môi trường nước biển; Đánh giá tác động làm thay đổi thành phần trầm tích đáy biển do sự xáo trộn các vật liệu trầm tích trong quá trình khai thác; Đánh giá tác động làm thay đổi địa hình đáy biển dẫn đến thay đổi chế độ dòng chảy và quá trình vận chuyển trầm tích; Đánh giá xung đột môi trường giữa khai thác khoáng sản biển với đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, với hoạt động giao thông đường biển, bảo tồn biển và du lịch biển.
   
Minh Thư
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng bộ tiêu chí ĐTM cho việc khai thác khoáng sản rắn đáy biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO