Xây dãy nhà như trường học, dựng tượng Bồ tát cạnh sông Hồng

09/05/2017 00:00

(TN&MT) - Dãy nhà 2 tầng hoành tráng hơn cả trụ sở ủy ban xã nằm cách mép sông khoảng 10m. Bức tượng Bồ tát khổng lồ được dựng trên lễ đài hướng ra mặt sông...

(TN&MT) - Dãy nhà 2 tầng hoành tráng hơn cả trụ sở ủy ban xã nằm cách mép sông khoảng 10m. Bức tượng Bồ tát khổng lồ được dựng trên lễ đài hướng ra mặt sông Hồng.
[video(54302)]
Nhiều năm qua, hàng lang tuyến đê Tả sông Hồng đoạn giáp ranh phường Bạch Hạc (Việt Trì, Phú Thọ) với xã Cao Đại (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) bị các doanh nghiệp kinh doanh bến bãi tập kết cát sỏi xâm hại. Dù cơ quan quản lý đê điều lập biên bản nhiều lần và báo chí cũng đã phản ánh nhưng không thấy những vi phạm này được xử lý dứt điểm.
 
Theo quan sát của PV, dọc tuyến đê tại xã Cao Đại dài khoảng 2km vốn là hành lang bảo vệ đê điều đã biến thành những bãi tập kết chứa cát, sỏi, vật liệu xây dựng, trạm trộn bê tông... Theo thống kê, trên tuyến đê tả sông Hồng thuộc địa bàn xã Cao Đại hiện có 7 đơn vị doanh nghiệp kinh doanh tập kết bến bãi cát sỏi. 
 
Đại công trường xâm phạm hành lang đê điều
Đại công trường xâm phạm hành lang đê điều
 
Đáng chú ý, một trong những bãi tập kết vật liệu này là doanh nghiệp của gia đình ông Nguyễn Xuân Dần (Chủ tịch Mặt trận tổ quốc xã Cao Đại) - Công ty TNHH XDTM Phú Thịnh. Ông Dần thừa nhận với phóng viên, công ty này do vợ ông đứng tên kinh doanh. Ông này cho PV xem giấy phép về việc cho doanh nghiệp mình lập bến bãi.
 
Tuy nhiên, "nếu chiếu theo luật, chẳng có bãi tập kết nào làm đúng quy định cả", ông Chủ tịch mặt trận nói.
 
Theo quy định tại Luật đê điều, các bãi tập kết phải cách mép đê ít nhất 20m và cách mép nước 5m. Tuy nhiên, theo quan sát, các bãi tập kết vật liệu xây dựng ở đây đều nằm cách mép đê chưa đến 10m. Ông Dần giải thích rằng, trước đây, bãi vật liệu của ông cách đúng 20m. Nhưng từ lúc đường đê mở rộng, khoảng cách bị thu hẹp. Nếu giờ làm đúng quy định, bãi vật liệu của ông bị co hẹp lại nên... chấp nhận phạm luật.
 
Ông chủ tịch mặt trận còn cho biết thêm, có khi vật liệu chưa chuyển về bãi, cơ quan chức năng đã xuống còn lập biên bản trước và nói rằng: "cứ phạt trước, đằng nào cũng vi phạm".
 
Trong quần thể bãi tập kết vật liệu, chỉ cách mép sông Hồng khoảng 10m, hàng loạt công trình kiên cố khang trang được xây dựng trong các bãi vật liệu này. Nhiều ông chủ của các bãi này xây dựng nhà cửa đưa luôn cả gia đình ra ở sinh hoạt. 
 
Dãy nhà 2 tầng như trường học kiên cố, hoành tráng hơn nhiều trụ sở UBND xã
Dãy nhà 2 tầng như trường học kiên cố, hoành tráng hơn nhiều trụ sở UBND xã
"Chúng tôi kinh doanh thì phải xây nhà tạm làm văn phòng giao dịch", ông Dần nói. Tuy nhiên, "văn phòng" của ông Dần được xây như một ngôi nhà với đầy đủ tiện nghi, trần ốp gỗ, bố trí bài bản phòng khách, phòng làm việc, phòng sinh hoạt.
 
Khi được hỏi nguồn gốc cát sỏi ở đây, hầu hết ông chủ các bãi vật liệu đều đưa thông tin khá mập mờ. Trong khi đó, ông Dần (Chủ tịch mặt trận xã) thừa nhận luôn "chúng tôi mua hàng trôi nổi từ các thuyền hàng ngày đi qua trên sông". PV hỏi: "Như vậy là tiếp tay cho buôn lậu?' Ông Dần im lặng.
 
Cách đó không xa là dãy nhà 2 tầng hoành tráng của Công ty xây dựng Vĩnh Lạc cũng nằm cách mép bờ sông khoảng 10m trong khuôn viên nhà xưởng và trạm trộn bê tông như một đại công trường. Cũng theo quan sát của PV, dãy nhà dưới chân đê của doanh nghiệp này trông còn khang trang hơn trụ sở ủy ban của một số xã gần Hà Nội.
 
Ông Định (GĐ công ty Vĩnh Lạc) quả quyết: "Không có gì sai. Chúng tôi có giấy phép đầy đủ hết. Không bao giờ bị phạt."
 
Tại một bãi vật liệu xây dựng cạnh bãi của công ty Vĩnh Lạc nhưng thuộc địa phận Phú Thọ, chủ nhân còn xây một lễ đài với bức tượng Quan âm Bồ tát cao khoảng 10m (PV) sát bờ và hướng ra sông Hồng. Chủ các bãi tập kết này không chỉ lấn chiếm hành lang bảo vệ đê điều, xây dựng nhà mà còn tự ý bóc dỡ mái kè ở bờ sông để đóng cầu tàu cho máy đứng cẩu hàng.
 
Những núi vật liệu xây dựng xâm hại hành lang đê điều
Những núi vật liệu xây dựng xâm hại hành lang đê điều
Ông Bùi Hồng Tuân – Hạt trưởng hạt quản lý đê tả sông Hồng cho biết: “Hàng năm chi cục đê điều cùng các đơn vị chức năng đều kiểm tra và xử phạt đối với các doanh nghiệp vi phạm nhưng tình trạng vẫn không được khắc phục. Năm nay Hạt đê điều đang lập kế hoạch và tiếp tục báo cáo đầy đủ lên chi cục đê điều về những tồn tại để tiếp tục xử phạt”.
 
Khi được hỏi về việc rút giấy phép nếu vi phạm nhiều lần, ông Tuân cho rằng, Hạt quản lý đê tả sông Hồng chỉ có chức năng kiểm tra, báo cáo. Nếu nhận thấy sai phạm nghiêm trọng, Chi cục đê điều là cấp trực tiếp đề xuất với tỉnh xử lý chứ Hạt không đủ thẩm quyền.
 
Trả lời phóng viên, bà Đỗ Thị Sáng – Bí thư Đảng ủy xã Cao Đại nói rằng mình không nắm rõ vấn đề này. Bà Mầu Thị Triển (Phó Chủ tịch UBND xã Cao Đại) cho biết bà mới được bổ nhiệm, hồ sơ về các doanh nghiệp này lại do Chủ tịch nắm. Nhưng Chủ tịch đi vắng.
 
Theo số liệu của Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão tỉnh Vĩnh Phúc: Từ năm 2011 đến tháng 8/2016, toàn tỉnh đã xảy ra 490 vụ vi phạm pháp luật về đê điều, trong đó, phổ biến tình trạng rào lấn mái đê, đổ đất áp trúc vào mái, cơ đê; xây dựng công trình, nhà ở trong phạm vi hành lang bảo vệ đê; tập kết vật liệu, đổ rác thải lên cơ đê; trồng các loại cây lâu năm, cây cảnh, rau màu và cỏ voi ngay trên mái đê, cơ đê và mái kè đặc biệt tại tuyến đê tả sông Hồng.
 
Báo Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin...
 
Thái Bảo - Trường Sang
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dãy nhà như trường học, dựng tượng Bồ tát cạnh sông Hồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO