Xả rác – Đừng đổi lỗi tại thói quen!

20/02/2017 00:00

(TN&MT) - Có lẽ không nơi nào có nhiều biển báo “cấm vứt rác” như ở Việt Nam, nhưng không hiểu sao biển cấm càng nhiều, tình trạng xả rác càng nghiêm trọng?

Văn hóa xả rác – Câu chuyện dài!

Nhắc đến chuyện vứt rác bừa bãi, không ít người phải lắc đầu ngán ngẩm vì ý thức bảo vệ môi trường của nhiều người trong số chúng ta vẫn rất thấp. Câu chuyện liên quan đến nạn xả rác bừa bãi đã không còn mới lạ, thậm chí là chuyện mà ai cũng biết.

Nạn xả rác bừa bãi đã không còn mới lạ, thậm chí là chuyện mà ai cũng biết
Nạn xả rác bừa bãi đã không còn mới lạ, thậm chí là chuyện mà ai cũng biết

Đi trên xe, ăn uống xong có rác là quăng luôn xuống đường, ăn bánh mì, uống hộp sữa, uống chai nước… rồi bỏ luôn vỏ xuống đường… Những hình ảnh thiếu văn hóa, thiếu ý thức như vậy đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ, trên mọi tuyến phố, ở mọi nơi, mọi lúc. Đi khắp thành phố, chỗ nào cũng thấy rác và rác. Thử hỏi liệu bộ mặt thành phố sẽ ra sao?

Trong khi đó, có một thưc tế là đi đến đâu, cũng có nhiều người tự hào khoe khu phố mình đang sống là một khu phố văn hóa, khu dân cư văn hóa, gia đình văn hóa... Thế nhưng, được đặt bảng khu phố văn hóa mà rác rưởi vương vãi khắp nơi gây phản cảm cho người đi đường. Một con đường đang sạch đẹp bỗng dưng phải hứng chịu vô số đất đá. Chúng vương vãi khắp nơi gây ùn tắc giao thông. Và cũng trên những con đường ấy đã xảy ra bao vụ tai nạn giao thông gây đau thương cho nhiều gia đình. Không chỉ có gạch đá bị thải ra đường mà còn có cả xác súc vật.

Các quán ăn trên vỉa hè cũng có những hành vi xả rác nghiêm trọng. Những đồ ăn dư thừa hằng ngày vẫn đổ vào các cống thoát nước gây ùn ứ nhớp nháp, ô nhiễm. Vào những ngày mưa lớn, do hệ thống cống thoát nước không hoạt động hiệu quả, nước tràn khắp đường phố, cản trở giao thông. Nhiều lúc nước bẩn tràn ngược vào nhà.

Dường như người ta không quan tâm đến việc ngồi ăn ngay trên bãi rác do chính mình tạo ra. Trong các tiệm ăn, nào là giấy lau, vỏ chanh, xương xẩu, cọng rau… tràn lan trên nền nhà, ruồi nhặng vo ve, nhếch nhác. Người ta ăn uống ngay trạm xe buýt trong lúc chờ đợi và khi xe đến, quẳng rác ngay xuống trạm rồi thản nhiên bước đi. Trong công viên, nhiều người ăn uống xong, “gửi lại” một bãi chiến trường đầy rác và ung dung đi về. Nếu nơi nào tổ chức lễ hội, ngay sau khi kết thúc nơi đó ngập tràn rác. Dù có nhiều thùng rác được bố trí khắp nơi nhưng mọi người vẫn thản nhiên bỏ rác bừa bãi.

Lễ hội qua đi, rác ở lại
Lễ hội qua đi, rác ở lại

Đơn cử tại Hà Nội, theo số liệu của Sở TN&MT Hà Nội, hiện nay, mỗi ngày đêm, Hà Nội phát sinh gần 5.400 tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó, ở khu vực các quận, thị xã là 3.200 tấn, còn lại là trên địa bàn các huyện, với khối lượng trên 2.000 tấn; 1,1 triệu m3 nước sinh hoạt bẩn nhưng chỉ 100m3 trong số đó là được xử lý, còn lại xả thẳng ra sông, hồ... Rác thải đang là vấn đề nhức nhối, đáng báo động của Hà Nội. Đã đến lúc cần thay đổi thói quen xấu vứt rác bừa bãi trước khi quá muộn.

Phạt hay đe?

Từ 1/2/2017, Nghị định 155/2016/NĐ-CP (Nghị định 155) quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường chính thức có hiệu lực thi hành. Nghị định trên thay thế cho Nghị định 179/2013 Chính phủ ban hành.

Cụ thể, theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP, hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị và hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị sẽ bị phạt 5 - 7 triệu đồng;

Vứt, thải, bỏ đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng cũng sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng (tăng gấp 10 lần mức phạt cũ). Vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định bị phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng. Đối với tổ chức vi phạm, mức phạt này sẽ bị tăng lên gấp đôi. Tăng mức xử phạt với hành vi tè bậy, xả rác bừa bãi là cần thiết trong bối cảnh gia tăng ô nhiễm hiện nay.

Ảnh minh họa
Phải thay đổi từ nếp nghĩ của người dân trong vấn đề bảo vệ môi trường

Theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP, lực lượng công an nhân dân đang làm nhiệm vụ, chủ tịch UBND cấp xã, chủ tịch UBND cấp huyện có thẩm quyền xử phạt các hành vi này.

Tuy vậy, theo các nhà làm luật, thẩm quyền xử phạt trong Nghị định 155 có bất cập, theo Luật Xử lý vi phạm hành chính, chiến sỹ công an chỉ được quyền xử phạt 500.000 đồng, mức phạt thấp nhất mà Nghị định 155 đưa ra. Với mức phạt từ 5 - 7 triệu đồng, phải cấp Chủ tịch phường mới có thẩm quyền xử phạt. Còn cán bộ công chức xã, phường đang làm nhiệm vụ bảo vệ môi trường chỉ được lập biên bản chuyển về Chủ tịch phường để ra quyết định xử phạt. Do đó, việc xử phạt không được thực hiện ngay, liên tục, tính giáo dục, răn đe sẽ giảm. Rồi là chuyện nếu người vi phạm không có tiền, giữ chứng minh thư của họ hay đưa họ về phường, tất cả điều này sẽ tạo ra một núi công việc cho người thực thi..

Liên quan đến mục tiêu thay đổi nhận thức, hành vi, cũng có ý kiến cho rằng, nên đánh vào ý thức của người dân vì đó là hành vi xuất phát từ ý thức, vì nếu chỉ phạt nhắm vào túi tiền của người vi phạm, họ luôn sẵn tiền và cứ nộp tiền là xong, dễ gây… “nhờn luật”.

Tình cảnh "sạch nhà, bẩn ngõ" đang khiến bộ mặt đô thị nhếch nhác. Thực tế này đòi hỏi phải thay đổi từ nếp nghĩ của người dân trong vấn đề bảo vệ môi trường, kết hợp với việc quản lý thu gom, vận chuyển rác và tăng cường giám sát xử phạt các hành vi vi phạm.

Phương Anh

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xả rác – Đừng đổi lỗi tại thói quen!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO