Xã không…. điện ở miền Tây xứ Thanh

29/05/2017 00:00

(TN&MT) - Nghe đến chuyện thắp đèn dầu trong mọi sinh hoạt, nhiều người nghĩ những miền biên viễn xã xôi. Thế nhưng, chỉ cách Trung tâm huyện có hơn 2 km, nhiều thôn bản của xã Tân Phúc, huyên Lang Chánh (Thanh Hóa) không có điện sinh hoạt, bà con vẫn phải sông cảnh…chong đèn dầu để sinh hoạt. 

Mỏi mòn chờ… điện

Đi một vòng quanh xã, chúng tôi dừng lại ở 2 thôn: Tân Cương và Tân Biên (xa nhất của xã Tân Phúc) giáp với xã Văn Nho (huyện Bá Thước) đến bây giờ vẫn chưa có điện lưới quốc gia để sử dụng. Được biết, năm 2009 hai thôn này đã được đầu tư 32 cột điện kéo dài hơn 4km, nhưng không hiểu vì lý do gì đến nay cột vẫn đứng trơ đó mà không có đường dây chạy qua.

Chỉ tính riêng thôn Tân Cương có 112 hộ với 457 nhân khẩu, trong đó hộ nghèo chiếm trên 60%. Hiện tại, cả thôn có 50 hộ dân phải tự bỏ tiền kéo đường dây với khoảng cách từ 1 đến 2 km ở thôn khác về sử dụng. Thế nhưng, do khoảng cách quá xa nên cường độ dòng điện không đảm bảo, vì vậy ngoài việc dùng để thắp sáng thì hầu như người dân không thể sử dụng điện vào việc gì khác. Bên cạnh đó, cột điện là những cây luồng, cây gỗ không đủ chiều cao đạt chuẩn, dây điện kéo chằng chịt nhiều đoạn thắt, nối không được bọc kín lại chịu tác động của thời tiết nên tình trạng đứt dây, chập cháy và mất điện thường xuyên xảy ra.

Các em nhỏ ở xã Tân Phúc sử dụng đèn pin và đèn dầu để học bài.
Các em nhỏ ở xã Tân Phúc sử dụng đèn pin và đèn dầu để học bài.

Một người dân cho biết: “Vào những ngày mưa bão, cột điện đổ gãy là chuyện rất bình thường. Trước đây, đã có người phải nhập viện cấp cứu vì bị điện giật”.

Theo quan sát của PV, thôn Tân Biên có một số hộ gia đình để điện sáng cả ngày lẫn đêm, như thấy được sự băn khoăn của chúng tôi, ông Hà Ngọc Trí - trưởng thôn chia sẻ: “Cả thôn có hơn 10 hộ gia đình có điện, nhưng không phải điện lưới quốc gia. Những hộ gia đình này là họ dùng máy thủy điện nhỏ. Tuy nhiên, các bóng đèn cũng chỉ sử dụng được một thời gian ngắn thì lại bị cháy bởi nguồn điện chập chờn, còn gia đình nào có ti vi, loa đài cũng đành bỏ không vì điện yếu”, ông Trí cho biết.

Chờ đến bao giờ?

Chị Lê Thị Lý - thôn Tân Biên buồn bã nói: “Những năm trước thấy nhà nước đi đo đạc rồi chôn cột, cứ ai cũng vui mừng vì sắp được dùng điện. Nhưng chờ mãi, gần chục năm rồi mà đến giờ vẫn vô vọng… Do không có điện sinh hoạt nên mọi hoạt động của chúng tôi đều rất khó khăn, khổ nhất là vào mùa hè, thời tiết nắng nóng phải dùng quạt tay, mọi sinh hoạt vào buổi tối phải dùng bằng đèn pin, hoặc đèn dầu”.

Ông Hà Ngọc Trí – trưởng thôn Tân Biên chia sẻ thêm: “Nhiều thôn, bản trong xã, thậm chí là các thôn bản của xã bạn xa hơn, như: Bản Phá (xã Tam Văn); bản Nà Đang (xã Lâm Phú) cũng có điện mà đến nay chúng tôi vẫn chưa có? Chỉ thương các cháu học sinh phải dùng đèn pin hoặc đèn dầu để học. Điều naỳ ảnh  hưởng không ít đến thị giác cuả các cháu”.

Mọi sinh hoạt vào buổi tối của người dân nơi đây  đang phải dùng bằng đèn pin
Mọi sinh hoạt vào buổi tối của người dân nơi đây đang phải dùng bằng đèn pin

Em Hà Thị Kim Danh, học lớp 5, tâm sự: “Nhà em không có máy thủy điện, nên hôm nào ngại học bằng đèn dầu thì em phải đến nhà các bạn có điện để học nhờ. Giờ em chỉ mong điện sớm về với bản để chúng em được học tập và vui chơi thôi”.

Không điện, đồng nghĩa với việc không được sử dụng các thiết bị điện, cuộc sống của người dân vốn đã lạc hậu lại càng thêm tụt hậu. Người dân giường như cách ly hẳn với thế giới bên ngoài bởi không có ti vi nên các thông tin thời sự cũng mù tịt; không cập nhật những kiến thức khoa học tiến bộ để áp dụng trong sản xuất; đời sống giải trí tinh thần càng nghèo nàn, chuyện học hành của con trẻ cũng hết sức khó khăn.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Lê Đức Tiến Phó Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh cho biết: “Dự án điện này là nguồn tiếp dư của 30a cho các xã 135, được chọn 5 công trình/5 xã (Giao An, Quang Hiến, Tân Phúc, Đồng Lương, Giao Thiện) mỗi công trình 300 triệu, các xã tự lựa chọn công trình nhưng chỉ có Giao An và Quang Hiến là đóng điện được. Riêng công trình điện ở xã Tân Phúc theo thiết kế dự toán thì hơn 1 tỷ đồng nên khi dựng xong cột thì cũng hết kinh phí. Vì vậy, các nhà thầu dừng lại từ năm 2009 đến nay. Chúng tôi cũng đã đấu mối với Sở điện lực, báo cáo với Hội đồng nhân dân tỉnh nhưng vẫn chưa có hướng nào giải quyết”, ông Tiến phân trần.

Đây không chỉ là câu chuyện riêng của hơn 550 hộ dân (với 2.700 nhân khẩu) đang sinh sống trên địa bàn xã Tân Phúc mà là thực trạng chung của những đồng bào ở các thôn, bản chưa có điện lưới quốc gia trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nói chung. Để rồi không còn cảnh khó khăn vất vả, người dân đưa các tiến bộ khoa học vào sản xuất, các em nhỏ không còn cảnh cứ tối lại chong đèn dầu lên học./.

Tuyết Trang- Quỳnh Chi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xã không…. điện ở miền Tây xứ Thanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO